Cần chế tài xử lý khi đề thi tốt nghiệp THPT có sai sót

Mỹ Hà

(Dân trí) - Về bất thường trong đề thi môn Sinh học, một số chuyên gia đề xuất cần phân cấp, chịu trách nhiệm từng bước trong quá trình xây dựng, phê duyệt đề thi để có chế tài xử lý khi sai sót xảy ra.

Liên quan đến bất thường trong đề thi môn Sinh học, dư luận đặt ra thắc mắc: Nếu ngân hàng đề thi môn Sinh học đủ nhiều (ví dụ 1.000 câu) và quá trình rút đề thô là ngẫu nhiên, thì xác suất để 4 đề thô trước khi chốt có hơn 90% câu hỏi trùng nhau là cực kỳ nhỏ.

Kể cả cho dù đây là kết quả của quá trình rút đề ngẫu nhiên thì việc rà soát, chỉnh sửa để chốt 4 đề thô bởi con người cũng dễ dàng phát hiện ra vấn đề này.

Thứ hai, sau khi chốt, việc có tới 80% câu hỏi trong 4 đề thô trùng hoặc rất giống các câu hỏi trong đề ôn tập trước ngày thi của thầy Phan Khắc Nghệ (Hà Tĩnh) cũng là một điểm rất bất thường.

Cần chế tài xử lý khi đề thi tốt nghiệp THPT có sai sót - 1

Cần rà soát và tài liệu hóa, phê duyệt các quy trình xây dựng để đảm bảo chất lượng đề thi tốt nghiệp THPT (Ảnh: Đỗ Linh). 

Một trong những yêu cầu cơ bản của các ngân hàng câu hỏi cho các kỳ thi có tầm quan trọng cao như thế này là các câu hỏi phải hoàn toàn mới và chưa hề xuất hiện ở trong bất cứ sách vở, tài liệu nào sẵn có.

Đảm bảo việc này là trách nhiệm của cả tập thể bao gồm người viết, rà soát chỉnh sửa từng câu hỏi và người duyệt đưa câu hỏi này vào đề thi, người duyệt đề thi nhưng tại sao vẫn để đề thi môn Sinh giống 80% so với đề ôn tập của một giáo viên khác trước kỳ thi?

Trao đổi với PV Dân trí, Tiến sỹ Phạm Ngọc Duy, Trung tâm Khảo thí Hoa Kỳ (ETS) cho rằng, đầu tiên cần rà soát và tài liệu hóa, phê duyệt các quy trình xây dựng để đảm bảo chất lượng đề thi tốt nghiệp THPT.

Thứ hai, cần có các cơ chế và công cụ kiểm soát chất lượng như biên bản kiểm tra chất lượng, các checklist kiểm tra các khía cạnh khác nhau của tiểu mục và đề thi trước khi được đem ra xây dựng đề chính xác. Ví dụ, cần có mục kiểm tra tính mới của các tiểu mục, cần có người đối chiếu sự trùng lặp giữa các đề thô chốt.

Thứ ba, cần phân cấp chịu trách nhiệm từng bước trong quá trình xây dựng và phê duyệt đề thi để có chế tài xử lý khi có sai sót xảy ra.

Điểm cuối cùng mà Tiến sỹ này đưa ra, cần có kênh tiếp nhận và xử lý những phản hồi từ học sinh, giáo viên và xã hội về các vấn đề của đề thi.

Một chủ biên sách giáo khoa môn Sinh, đồng thời từng nhiều năm tham gia xây dựng ngân hàng câu hỏi môn Sinh học cũng chia sẻ, đề thi tốt nghiệp giống nội dung ôn tập đến hơn 90% là bất thường.

Cần chế tài xử lý khi đề thi tốt nghiệp THPT có sai sót - 2

Nội dung ôn luyện của thầy Nghệ và đề thi giống nhau không chỉ nội dung mà cả hình vẽ (Ảnh: Đ. Hiền). 

Về mặt lý thuyết, nếu đề làm ngẫu nhiên, thì xác suất trùng như vậy là không tưởng.

Chuyên gia này cũng nhấn mạnh rằng quy trình làm đề thi tốt nghiệp THPT hiện tại cần được điều chỉnh, không chỉ riêng môn Sinh học, mà còn những môn khác, bởi nếu kỳ thi tốt nghiệp THPT năm sau vẫn xảy ra tình trạng như năm nay thì quá lo ngại.

Thầy Đinh Đức Hiền, giáo viên môn Sinh học tại Hà Nội, đồng thời cũng là người đầu tiên đưa vấn đề bất thường của đề thi môn Sinh ra công luận đề xuất ba vấn đề cần thay đổi ở quy trình làm đề thi tốt nghiệp THPT. 

Thứ nhất, ban ra đề được thay đổi hằng năm.

Thứ hai, ngân hàng câu hỏi cần được đánh giá rà soát, loại bỏ các câu hỏi đã quá cũ, đối chiếu với những đề thi đã được ra trong các năm, bổ sung nhiều hơn các câu hỏi mới hằng năm.

Thứ ba, Bộ GD-ĐT cần có quy định với cán bộ đã tham gia ra đề thì không được luyện thi, hoặc phải sau ít nhất 5 năm tham gia ra đề.

Trước đó, tại cuộc họp báo của Bộ Công an chiều 28/12, đại diện Cục An ninh chính trị nội bộ (Bộ Công an) cho hay, ngay sau khi dư luận, báo chí thông tin có dấu hiệu nghi vấn lộ, lọt đề thi, Bộ công an đã đề nghị Bộ GD-ĐT thành lập tổ công tác liên ngành vào cuộc xác minh.

Sau khi xác minh làm rõ, đơn vị này đã phát hiện một số tồn tại sơ hở trong việc ra đề và xây dựng ngân hàng đề thi của kỳ thi tốt nghiệp THPT. 

Hiện tại, cơ quan điều tra vẫn chưa có kết luận về vụ việc.