Cấm học sinh dùng điện thoại trong lớp: Phụ huynh và giáo viên ủng hộ

(Dân trí) - “Giờ nào việc ấy, cấm sử dụng điện thoại trong giờ học là chủ trương hoàn toàn hợp lý. Các con đang ở độ tuổi chưa ý thức được những cám dỗ khi dùng điện thoại, nên không cho sử dụng là biện pháp bảo vệ con tốt nhất”, đó là chia sẻ của chị Mai Trang (Trương Định, Hà Nội), phụ huynh một học sinh lớp 7.

Cấm cả giờ ra chơi

Vừa qua, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, đơn vị này đang dự kiến xây dựng quy định về việc sử dụng điện thoại và Facebook trong trường học. Theo đó, có thể cho phép học sinh sử dụng điện thoại vào đầu, cuối giờ hoặc giờ ra chơi. Việc sử dụng điện thoại di động cấm tuyệt đối trong giờ học để tránh phân tâm khi học tập.

Theo phỏng vấn của chúng tôi ở một số trường trung học phổ thông trên địa bàn Hà Nội, hầu hết các bậc phụ huynh và giáo viên được hỏi đều đồng ý việc cấm học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học.

Anh Đăng Hoàng (Định Công, Hoàng Mai), phụ huynh có hai con đang độ tuổi đến trường chia sẻ: “Tùy vào từng độ tuổi nhất định, học sinh tiểu không nên cho con sử dụng điện thoại. Từ bậc trung học trở lên, có thể cho con sử dụng điện thoại nhưng phải quản lý nghiêm ngặt. Tuyệt đối trong giờ học cấm sử dụng điện thoại, chuyên tâm vào việc học.”

Còn thầy Nguyễn Minh, giáo viên môn Toán, Trường THCS Chu Văn An, quận Tây Hồ cho biết: “Việc học sinh không được sử dụng điện thoại trong giờ học nên được đưa vào nội quy học sinh.

Ở trường tôi hiện cũng đã có tủ đựng đồ cá nhân cho học sinh. Giáo viên của trường cũng được yêu cầu học sinh phải cất điện thoại di động trong tủ riêng và không được sử dụng trong giờ học.

Do đó việc học sinh làm việc riêng trong giờ, bị phân tâm bởi điện thoại trong lớp hầu như không có. Đây là một chủ trương cần nhân rộng ra để hiểu quả giảng dạy của lớp tốt hơn.”

Để điện thoại thực sự là công cụ hỗ trợ học tập

Tuy nhiên, điều băn khoăn lớn nhất của các bậc phụ huynh là liên lạc với con như thế nào nếu không có điện thoại cầm tay?

“Nhà trường nào cũng có số liên lạc ở phòng bảo vệ, số điện thoại của giáo viên hay của nhà trường. Nếu muốn liên lạc với con có thể sử dụng qua các kênh liên lạc này”, đó là lời chia sẻ của chị Nguyễn Thị Tâm (quận Hoàng Mai).


Học sinh Trường THPT Võ Thị Sáu (Tp Hồ Chí Minh) tham gia các hoạt động vui chơi, nhảy flashmob trong giờ ra chơi. (Ảnh: Sỹ Huy)

Học sinh Trường THPT Võ Thị Sáu (Tp Hồ Chí Minh) tham gia các hoạt động vui chơi, nhảy flashmob trong giờ ra chơi. (Ảnh: Sỹ Huy)

Trao đổi về việc có nên cấm hẳn học sinh dùng điện thoại di động hoàn toàn trong buổi học không, đa phần phụ huynh đều đồng ý đã cấm thì nên cấm cả giờ ra chơi.

Chị Tâm chia sẻ thêm: “Phần lớn bố mẹ lo là trường hợp con ốm đau hay có việc đột xuất với con, có điện thoại thì thêm phần yên tâm. Tuy nhiên, tôi cho rằng, những vấn đề này luôn nằm trong sự quản lý chặt chẽ của nhà trường và giáo viên nên phụ huynh có thể tin tưởng”.

Không thể phủ nhận được những tính năng hỗ trợ của điện thoại, đặc biệt là điện thoại thông minh cho cuộc sống con người nói chung và học sinh nói riêng. Ngoài giờ lên lớp, việc sử dụng điện thoại phục vụ đời sống và học tập là hoàn toàn hợp lý.

Chị Mai Trang (quận Cầu Giấy) chia sẻ: “Con gái nhà tôi năm nay lớp 8, do nhà ở xa trường học và chưa có xe buýt đưa đón đi học nên cháu phần lớn đi học qua dịch vụ đặt xe qua điện thoại.

Tôi không cấm cháu sử dụng điện thoại, nhưng luôn nhắc con giờ nào việc đó. Nhiệm vụ của con là học tập, những cái mà phục vụ học tập thì con dùng, những cái hại thì con không được làm ví dụ như trong giờ học sử dụng điện thoại, đặc biệt ở trường học là không được.”

Ngoài ra việc học tập online ngày càng phát triển theo xu thế phát triển của xã hội. Do vậy nhiều phụ huynh cho rằng, không thể để các cháu thụt lùi và lạc hậu trong công nghệ.

Vì vậy ngoài quy định cấm học sinh không được sử dụng điện thoại giờ học đồng thời cũng nên giáo dục học sinh sử dụng điện thoại thông minh nói riêng và thiết bị công nghệ nói chung như thế nào cho hợp lý và an toàn mới là biện pháp triệt để giúp học sinh tự giác, ý thức được sử dụng quỹ thời gian của mình hợp lý nhất.

Mỹ Hạnh