Cạm bẫy thầy

Sau vụ thầy giáo <a href="http://dantri.com.vn/News/Event.aspx?EventID=765">Đỗ Tư Đông</a>, có một số người lại tặc lưỡi theo kiểu: “Chuyện ấy đâu có gì lạ”. Phải chăng khi mà giáo dục đã bị thương mại hóa, điểm trở thành vật có thể đổi chác được bằng tình thì những người thầy thiếu đạo đức sẵn sàng đánh mất chính mình.

Bí mật của M.

 

Một cuộc điều tra ngầm trong giới sinh viên đem đến kết quả đau lòng: sinh viên vẫn truyền tụng nhau không ít chuyện về những ông thầy, "có vấn đề" với lời cảnh báo: "Cấm đi một mình khi tiếp xúc với thầy". Còn lôi chuyện đó ra ánh sáng thì không, vì sinh viên nào cũng cố gắng "giữ gìn" để ra trường lấy tấm bằng cho yên ổn.

 

Những ông thầy có "máu 35" thường hướng đến những sinh viên nữ ngoại tỉnh, hiền lành, ít nói để không dám lên tiếng ngay cả khi bị xâm phạm hoặc thiệt thòi. Một vị giáo sư nọ có "bài" là: "Tôi thương em như con" và ngay sau đó "cô con gái" được "ông bố" vuốt tóc, thơm má và xoa lưng bày tỏ tình thân. Nhiều khi ngồi với thầy sợ nổi gai ốc nhưng vẫn phải gắng tươi tỉnh vì chỉ cần có ý kiến là lập tức bị mắng là thiếu tôn trọng.

 

Ngày thầy về hưu, sinh viên thở phào nhẹ nhõm. Từ độ ấy, mỗi lần Khoa phân nữ sinh để giáo sư này hướng dẫn là y như rằng sinh viên xin sang thầy cô khác bằng được. Danh sách thầy hướng dẫn cứ vắng dần và còn lại là 100% nam.

 

Có nơi, các thầy là giảng viên trẻ còn đang phấn đấu sự nghiệp thì tìm đến những em nữ sinh viên ngây thơ. Có thể chỉ là bổ sung về mặt tinh thần như cười đùa, nhắn tin, tâm sự, đi chơi, nhưng cũng có người lợi dụng niềm tin tuyệt đối của các sinh viên năm nhất để đi đến giới hạn cuối cùng.

 

Sinh viên thì bẽ bàng tủi hổ chẳng dám nói với ai. Câu chuyện về một Phó giáo sư, Tiến sĩ nọ có trình độ kiến thức uyên thâm khiến nhiều nữ sinh viên mến mộ còn gây sốc hơn.

Thầy luôn nói về mình như một người bị vợ bỏ rơi vì quá say mê nghiên cứu khoa học. Những bài giảng hoành tráng trên lớp khiến cho số lượng sinh viên nữ đăng ký để thầy hướng dẫn là rất đông.

 

Cô bạn M. cũng hăng hái chọn thầy làm người hướng dẫn khóa luận. Tuy nhiên, khi nhận ra là đang bị thầy khéo léo gạ gẫm theo kiểu rất ngọt ngào, tình cảm thì M. vừa thất vọng vừa hoảng sợ.

 

Khóa luận tốt nghiệp đang làm dở không rút lại được nữa. Mà một tuần phải đến nhà học với thầy 1-2 buổi. Rất may, M. đã tâm sự với cô giáo chủ nhiệm. Cô giáo cực kỳ lo lắng vì M. còn rất ngây thơ nên cứ sau mỗi buổi M. sang nhà thầy, cô trò lại ngồi với nhau bàn chi tiết đường đi nước bước sao cho ngay cả khi đã vào đến tận giường rồi mà vẫn có cớ để khéo léo đứng dậy đi ra.

 

M. đã phải vượt qua nỗi sợ hãi để can đảm bước nốt khóa luận. Rất may, đến buổi cuối, khi tình thế đã căng lắm rồi. M. không biết nên làm thế nào nữa thì con gái thầy về có việc đột xuất, M. ra trường cùng với bí mật đó.

 

Im lặng là “tiếp tay” cho cái xấu

 

Nếu như ở các trường Cao đẳng, Đại học giữa trung tâm thành phố, các thầy trò cũng không có nhiều cơ hội tiếp xúc với nhau thì những chuyến đi công tác tỉnh xa để dạy các lớp tại chức lại là cơ hội tốt cho những thầy không đứng đắn. Các giảng viên ĐH phong độ ở thành phố về là niềm mơ ước và thán phục của các học viên ở đây.

 

Học viên nam thì nhậu "hết mình" với thầy. Và khi đã ngà ngà say thì những mong muốn thầm kín của các thầy có cơ hội bộc lộ ra. Thế là hoặc học viên nam chi tiền cho thầy "vui vẻ", góp phần làm hư thầy, hoặc học viên nữ "chiêu" thầy để quá trình học được dễ dàng hơn...

 

Đó là lý do mà mỗi một sinh viên từng học tại chức ở tỉnh có thể kể vanh vách ít ra là một bí mật "riêng tư" nhất của các thầy.

 

Một bạn nữ sinh đã dám tuyên bố xanh rờn vào mặt thầy một câu mà chắc hẳn ông thầy luôn khoác vỏ bọc tử tế rất đau: "Em biết thầy thiếu thốn tình cảm nhưng thầy cũng đừng bệnh hoạn như thế" và lập tức ra về.

 

Trường hợp khác là một cô nữ sinh cũng đã bí mật ghi lại lời thầy gạ gẫm ngay từ buổi ôn thứ 2. Và đến buổi thứ 3, cô nói thằng rằng: "Em đã giữ trong tay những lời ghi âm thầy nói, thầy có muốn giữ danh dự hay không tùy thầy".

 

Thế là ông thầy đành ngậm đắng nuốt cay hướng dẫn cô cho xong nốt khóa luận. Cô cựu sinh viên này đã tâm sự: "Tôi dám làm như thế vì ông thầy đó không thuộc biên chế của khoa và khó mà có thể trù dập".

 

Kể ra qua những câu chuyện trên đây mới biết rằng những gì dư luận đang sốc, đang bất ngờ mới chỉ là một phần sự thật. Những người thầy chân chính chắc chắn rằng rất đau lòng khi biết rằng danh dự của nhà giáo đang bị mất giá vì bệnh thành tích và thói cơ hội của số người thầy có học vấn mà thiếu văn hóa.

 

Đã qua rồi cái thời sinh viên không dám lên tiếng vì bị cô lập và đơn độc. Vậy vì sao, bạn không là người dũng cảm để giành phần thắng về mình?

 

Theo Sinh Viên Việt Nam