Cách các trường đại học đối phó với Covid-19

Do sự bùng phát của Covid-19, sinh viên tại các quốc gia trên thế giới đã có được những trải nghiệm chưa từng có trước đây khi đến trường.

Các nhà chức trách trên khắp thế giới đã đưa ra hàng loạt biện pháp khác nhau để cố gắng cân bằng nhu cầu giáo dục với sức khỏe cộng đồng, trong bối cảnh số ca mắc Covid-19 mới gia tăng vào mùa thu.

Do đó, học sinh sẽ phải tuân thủ các quy định mới nghiêm ngặt. Người học cũng được giám sát kỹ lưỡng, nhằm giúp đối phó với lo ngại rằng, các trường đại học và cao đẳng sẽ trở thành ổ dịch.

Cách các trường đại học đối phó với Covid-19 - 1

Sinh viên Trường Đại học Pantheon (Paris) đeo khẩu trang trong lớp.

Tình hình được cho là đang trở nên tồi tệ hơn tại Pháp - quốc gia mong muốn mọi người trở lại giảng đường nhằm thu hẹp sự bất bình đẳng trong giáo dục.

Giới chức nước này khuyến khích người học giữ khoảng cách và bắt buộc đeo khẩu trang. Tuy nhiên, một số cơ sở giáo dục tại Pháp có số lượng sinh viên quá đông. 

Franziska Heimburger - Trợ lý Giám đốc khoa Tiếng Anh của Trường Đại học Sorbonne, cho biết: “Tình hình hiện tại khá khó khăn, vì chúng tôi không có thêm phương tiện nào.

Chúng tôi không còn giáo viên và không gian. Vì vậy, về cơ bản, chúng tôi phải cố gắng mang lại chất lượng giáo dục tốt nhất có thể”.

Chia sẻ trên mạng xã hội, một số sinh viên tại Pháp đã tố cáo tình trạng quá tải và không bảo đảm vệ sinh tại trường.

Trên khắp châu Âu - nơi các trường đại học mở cửa vào tháng này và tháng tới, đưa ra quy định về giãn cách xã hội và rửa tay. Những tổ chức giáo dục này đồng thời cũng tiếp tục hình thức giảng dạy trực tuyến.

Tại Italy, phương thức giảng dạy trên lớp được ưu tiên đối với sinh viên năm thứ nhất.

Một số trường cao đẳng ở Anh đã thiết lập các trang web và ứng dụng thử nghiệm để xác định, theo dõi và hy vọng giúp ngăn chặn sự bùng phát của Covid-19.

Trường Đại học College London sẽ chỉ sử dụng 1/4 tòa nhà trong khuôn viên vào cùng thời điểm. Đây cũng là chính sách được khuyến nghị bởi một trong những chuyên gia sức khỏe cộng đồng hàng đầu tại Vương quốc Anh.

Nhiều quốc gia đã cấm sinh viên tiệc tùng. Ở Scotland, sinh viên được yêu cầu không đến quán rượu.

Trong khi đó, Ireland cấm sinh viên cho phép người quen, bạn bè qua đêm tại ký túc xá của trường đại học. Các trường đại học đã lên kế hoạch giảm thời gian học trực tiếp.

Tuy nhiên, sau đó, những tổ chức này đồng ý với yêu cầu của chính phủ để tăng quy mô trở lại.

Mới đây, sinh viên tại Hy Lạp yêu cầu tài trợ khẩn cấp cho nhân viên dạy thêm và nhân viên dọn dẹp, nhằm bảo đảm không phải tất cả bài học đều diễn ra từ xa.

Sinh viên ở Thessaloniki đang vận động để được phép sử dụng các cơ sở đắt đỏ - nơi thường diễn ra hội chợ thương mại quốc tế của thành phố.

Các trường đại học của Israel hầu như không có thời gian để đưa ra các chính sách phòng ngừa Covid-19, trước khi tỷ lệ lây nhiễm kỷ lục khiến những tổ chức giáo dục này tiếp tục đóng cửa.

Ở Ấn Độ - quốc gia ghi nhận số ca nhiễm Covid-19 hằng ngày vượt quá 80.000, chỉ có một bang chấp thuận cho các trường đại học mở cửa trở lại vào học kỳ mới, thường bắt đầu vào tháng 11.

Những hạn chế do đại dịch đã khiến khoảng 61% sinh viên Ấn Độ hoãn kế hoạch du học.

Đại dịch đã khiến các trường đại học ở Mỹ rơi vào tình trạng hỗn loạn. Bất chấp các quy tắc nghiêm ngặt trong lớp học và căng-tin, hàng chục tổ chức giáo dục đã trở thành điểm nóng Covid-19. Ổ dịch được cho là bùng phát từ các ký túc xá và bữa tiệc của sinh viên.

Một số trường đại học đã gửi sinh viên về nhà và hủy bỏ việc giáo dục trực tiếp. Tuy nhiên, các quan chức y tế bày tỏ lo ngại rằng, sinh viên sẽ lây lan virus tại nhà.

Một số tổ chức giáo dục như Trường Đại học Yale, đã thiết lập đường dây nóng để báo cáo hoạt động rủi ro.

Theo Kim Dung

Giáo dục & Thời đại