Các trường xoay xở dạy Giáo dục địa phương trong cảnh thiếu sách, kinh phí

Quang Trường

(Dân trí) - Theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, Giáo dục địa phương là môn học, hoạt động bắt buộc. Tuy nhiên, nhiều trường vẫn đang phải xoay xở để dạy và học trong hoàn cảnh thiếu sách, kinh phí.

Thiếu kinh phí triển khai, nhà trường sáng tạo các hoạt động

Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Hải Sơn - Hiệu trưởng Trường THCS Hải Lý (Hải Hậu, Nam Định) cho biết, nhà trường hiện đã triển khai chương trình Giáo dục địa phương (GDĐP) theo đúng tiến độ. Mục đích của môn học là giáo dục về truyền thống, những nét đặc trưng văn hóa, bề dày lịch sử... địa phương.

Ngay từ đầu năm học, nhà trường đã đặt mua sách giúp học sinh. Hiện tại, tất cả học sinh đã có đủ tài liệu học môn GDĐP.

Ông Sơn đánh giá, chương trình GDĐP mới thực tế hơn, dành thời lượng cho học sinh hoạt động trải nghiệm nhiều hơn chứ không chỉ "bám" vào sách giáo khoa. Việc thực hành, trải nghiệm tại địa phương giúp học sinh phát huy tinh thần tự học.

Nội dung học tập được thiết kế khoa học hơn. Giáo viên được giảm tải áp lực. Ở chương trình cũ, giáo viên chủ yếu phải soạn bài giảng, dạy lý thuyết mà ít hoạt động. Sang chương trình mới, học sinh tự học dưới sự hướng dẫn của giáo viên, thầy cô xây dựng các hoạt động học tập thực tế, phong phú hơn.

Các trường xoay xở dạy Giáo dục địa phương trong cảnh thiếu sách, kinh phí - 1
Học sinh tiếp thu văn hóa, lịch sử truyền thống của địa phương thông qua hoạt động trải nghiệm (Ảnh minh họa: Tùng Long).

Tuy nhiên, theo ông Sơn, nhà trường đang gặp khó khăn khi tổ chức hoạt động trải nghiệm cho học sinh. Địa bàn huyện Hải Hậu có nhiều di tích lịch sử, câu chuyện văn hóa truyền thống hay, nhưng việc cho học sinh về địa phương trải nghiệm còn hạn chế. Lý do là nhà trường không đủ kinh phí để tổ chức.

Cơ sở vật chất cũng chưa đáp ứng được nhu cầu dạy và học môn GDĐP. Các lớp học chưa có tivi, máy chiếu để học sinh xem các video, hình ảnh tư liệu. Như vậy, học sinh vừa ít cơ hội trải nghiệm trực tiếp, vừa không được học qua hình ảnh tư liệu.

Ông Sơn cho biết, trước những khó khăn đó, nhà trường mới đang tổ chức cho học sinh tham quan, trải nghiệm các di tích lịch sử, văn hóa tại xã. Học sinh thăm và lao động vệ sinh nghĩa trang liệt sĩ, thăm người có công với cách mạng vào ngày Thương binh - Liệt sĩ.

Ngoài ra, nhà trường mời các cựu chiến binh đến kể chuyện lịch sử cho học sinh nghe. Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh của trường biên soạn các bài học lịch sử, địa lý, văn hóa truyền thống của địa phương để giáo dục học sinh trong các buổi chào cờ.

Do chưa thể tổ chức cho học sinh trải nghiệm ngoài phạm vi xã, nhà trường cử một số giáo viên đến các địa điểm văn hóa, lịch sử để quay phim, chụp hình, biên tập thành tư liệu học tập. "Tuy nhiên, việc này chưa hiệu quả vì quỹ thời gian, thiết bị thực hiện và kinh phí còn hạn chế", ông Sơn nói.

Ông Sơn cho biết thêm, hiện tại, giáo viên được phân công dạy môn này đã qua một năm học dạy chương trình giáo dục phổ thông mới. Nhờ vậy, các thầy cô đã tiếp thu được những điểm mới, rèn luyện phương pháp dạy mới.

Giáo viên cũng đã được tập huấn trước thềm năm học. Nhà trường phân công các thầy cô có kinh nghiệm để xây dựng kế hoạch dạy và học GDĐP.

Theo cô Phạm Thị Lệ (tên nhân vật đã được thay đổi) - Giáo viên môn Giáo dục công dân tại một trường THPT ở Ninh Bình, chương trình GDĐP của tỉnh Ninh Bình bao gồm các chủ đề Văn học, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân, Công nghệ và Sinh học.

Các trường xoay xở dạy Giáo dục địa phương trong cảnh thiếu sách, kinh phí - 2
Tài liệu GDĐP của tỉnh Ninh Bình (Ảnh: Quang Trường).

Mỗi chủ đề được thực hiện trong một số tiết quy định. Các chủ đề phải nối tiếp nhau. Vì vậy, nếu có lý do khách quan nào đó (trường tổ chức hoạt động ngoại khóa, nghỉ lễ, nghỉ trong kỳ thi) khiến môn học bị trì hoãn, để đảm bảo thời gian theo khung kế hoạch, nhà trường buộc phải điều chỉnh bằng cách ưu tiên dạy môn GDĐP trước. Điều này làm ảnh hưởng đến tiến độ của các môn học khác.

Bên cạnh đó, cô Lệ cũng cho biết những thuận lợi khi triển khai môn học này. Trước thềm năm học, giáo viên đã được cung cấp tài liệu bản mềm để nghiên cứu trước, được tập huấn đầy đủ.

Nội dung giảng dạy tuy mới nhưng bám sát thực tiễn của địa phương. Nguồn tư liệu phong phú, cách khai thác tư liệu theo hướng giải quyết các vấn đề thực tế trong đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương.

Việc tìm kiếm, khai thác dữ liệu phục vụ học tập trên môi trường mạng khá dễ dàng. Các lớp có tivi kết nối internet nên rất tiện cho giáo viên dạy học bằng tư liệu hình ảnh, video, số liệu, biểu đồ về địa phương.

Các trường xoay xở dạy Giáo dục địa phương trong cảnh thiếu sách, kinh phí - 3
Giáo viên tổ chức nhiều hoạt động học tập giúp phát huy năng lực và phẩm chất của học sinh (Ảnh minh họa: Quốc Triều).

Bà Nguyễn Thị Én - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Đức Hợp (Hưng Yên) cho biết, sau khi có đủ sách GDĐP, nhà trường đã xây dựng kế hoạch môn học và phân công giáo viên phụ trách. Số lượng giáo viên của nhà trường đảm bảo đáp ứng chương trình mới này.

Chương trình GDĐP của tỉnh bao gồm các lĩnh vực Lịch sử, Địa lý, Văn học và Giáo dục công dân. Vì vậy, bà Én cho biết, điểm khó khăn khi triển khai môn học là phải chia lộ trình dạy và học theo từng môn.

Từ đó, thời khóa biểu cũng phải thay đổi theo. Ví dụ, sau 5 tuần học Lịch sử địa phương, học sinh chuyển sang học Địa lý địa phương thì nhà trường phải sắp xếp lại lịch học và giáo viên.

Bà Én đánh giá, chương trình GDĐP mới rất cập nhật, bám sát tình hình, đặc điểm của địa phương. Trước kia dạy theo sách cũ, giáo viên phải tự tìm tòi, cập nhật tài liệu học tập cho các em, tự thiết kế khung chương trình.

Bây giờ, chương trình mới đã được lên sẵn khung, có định hướng rõ ràng, các môn học được tích hợp vào một chương trình chứ không rời rạc. Vì vậy, giáo viên đỡ vất vả hơn.

Chưa có sách, giáo viên chủ động soạn tài liệu dạy học

Bà Nguyễn Thị Bích Hạnh - Hiệu trưởng Trường THCS Sơn Tây (Hà Nội) cho biết, nhà trường đã triển khai chương trình Giáo dục phổ thông 2018 ở các khối lớp 6 và 7. Sách GDĐP lớp 6 có từ tháng 3/2022, còn tài liệu học tập của môn này cho lớp 7 vẫn chưa đến tay giáo viên và học sinh.

Đầu năm học, nhà trường tạm hoãn dạy môn GDĐP để chờ sách giáo khoa trong 2-3 tuần nhưng không có nên đã chủ động triển khai từ tháng 8/2022. Sau đó, nhà trường phải tổ chức dạy bù cho các tuần trống tiết trước đó. Môn học này được đưa vào thời khóa biểu ngay khi chưa có tài liệu học tập.

Các trường xoay xở dạy Giáo dục địa phương trong cảnh thiếu sách, kinh phí - 4
Cô giáo Nguyễn Thị Bích Hạnh (Ảnh: NVCC).

Bà Hạnh cho biết, các giáo viên được phân công chủ động xây dựng kế hoạch dạy học, nhà trường duyệt và sắp xếp thời khóa biểu. Mỗi tuần, học sinh học một tiết GDĐP. Hoạt động kiểm tra, đánh giá học sinh vẫn được thực hiện bình thường như các môn khác.

Giáo viên phải tự biên soạn chương trình và giảng dạy dựa trên các nguồn tài liệu sẵn có về địa phương.

"Các môn học khác đều đã có tài liệu dạy và học, giáo viên chỉ việc soạn bài, cân nhắc phương pháp, kỹ thuật dạy học phù hợp. Còn ở chương trình GDĐP, giáo viên phải đọc rất nhiều để chọn lọc kiến thức phù hợp, xây dựng các chủ đề, dự kiến thời lượng tổ chức học tập.

Các thầy cô không phải tác giả soạn sách nên việc biên soạn tài liệu thành các chủ đề dạy học là không hề dễ dàng", bà Hạnh nói.