Các trung tâm du học lao đao, đau đầu chuyện thưởng Tết giữa "bão" Covid-19

Lệ Thu

(Dân trí) - Đại dịch Covid-19 gây sức ép, hoạt động của của nhiều trung tâm du học bị ảnh hưởng, phải cắt giảm chi nhánh, nhân viên và "đau đầu" chuyện thưởng Tết.

Trao đổi với PV Dân trí, bà Trần Thị Hồng Nhung - Giám đốc Trung tâm Sunny - cho biết, cũng giống như tất cả các lĩnh vực khác, công ty tư vấn du học cũng bị ảnh hưởng rất nhiều.

"Ngay từ khi dịch mới bắt đầu, Sunny đã phải đóng cửa 1 chi nhánh ở Hải Phòng (hiện tại chỉ còn 1 chi nhánh Hà Nội và 2 chi nhánh Hồ Chí Minh). Số lượng nhân viên cũng giảm từ 30 người xuống chỉ còn tầm 20 người. Các hoạt động truyền thông, sự kiện offline quy mô lớn trước khi có dịch được tổ chức thường xuyên, giờ cũng không thể tổ chức nữa".

Mang tâm lý hoang mang, lo ngại, nhiều phụ huynh học sinh "lung lay" quyết định đầu tư du học. Theo bà Nhung, số lượng học sinh đăng ký vào trung tâm năm 2020 vừa qua giảm hơn một nửa so với mọi năm.

"Theo tôi được biết, Sunny vẫn là đơn vị may mắn, vì có rất nhiều công ty hoạt động cùng lĩnh vực đã phải đóng cửa trong thời điểm này.

Thêm nữa, vào kỳ tháng 3/2020, khi dịch mới bắt đầu thì đến 60-70% học sinh của trung tâm đỗ tư mùa trước đã ra visa rồi vẫn hoãn lại sang kỳ sau, nhưng sau này thì tình hình đã cải thiện hơn, các em xác định đăng ký đi du học cũng đã chuẩn bị tâm lý sống chung với dịch, nên gần như tình trạng đã đỗ visa xong hoãn lại không còn nhiều nữa, chỉ có một vài trường hợp mỗi kỳ", bà Nhung nói.

Các trung tâm du học lao đao, đau đầu chuyện thưởng Tết giữa bão Covid-19 - 1
Các học viên của Trung tâm du học Sunny.

Cũng như nhiều đơn vị khác, "đìu hiu" là tình trạng của Trung tâm giao lưu nghiên cứu và hợp tác về nhân lực khoa học xã hội Việt Nam - Đông Á thuộc Viện Hàn Lâm Khoa học xã hội Việt Nam trong suốt mùa dịch Covid-19 hơn 1 năm qua đến nay.

Ông Trần Quang Minh - Giám đốc Trung tâm du học Đông Á cho hay, thực tế từ đầu năm 2020 tới giờ trung tâm không có một học sinh nào cả.

Các trung tâm du học lao đao, đau đầu chuyện thưởng Tết giữa bão Covid-19 - 2
Học viên du học Nhật Bản của Trung tâm Giao lưu nghiên cứu và Hợp tác về nhân lực KHXH Việt Nam (Ảnh: eac.gov).

"Thứ nhất, không có ai đăng ký đi. Thứ hai, chỉ có 1-2 học sinh đỗ từ năm ngoái nhưng nhà trường cũng phải chờ đến tháng 10/2020 mới cho bay được và việc bay cũng khá khó khăn".

"Trung tâm có đăng quảng cáo trên các trang web của viện nhưng nói chung không có học sinh. Mọi năm trung tâm chủ yếu du học Nhật, Singapore và một số nước.

Những người đến trung tâm phần lớn là con em cán bộ, công viên chức của cơ quan là chính và họ tự giới thiệu cho nhau. Năm nay vì dịch bệnh nên các phụ huynh cũng không an tâm cho con đi học nữa", ông Trần Quang Minh tâm sự.

Bà Trần Phương Hoa - Giám đốc Trung tâm du học Summit cho biết: "Mình có giao lưu khá nhiều với các anh chị em trong ngành, những người làm chủ các trung tâm du học hay tiếng Anh khác thì nhận thấy, chắc chắn các công ty du học đều bị ảnh hưởng không ít thì nhiều trong mùa dịch".

Với trung tâm Summit thì ảnh hưởng nhiều nhất có lẽ là vào đợt dịch mạnh nhất (tháng 3- tháng 5/2020) vì học viên phải học online nhiều nên rất căng thẳng. Và mọi người thường xuyên lo lắng rằng với tình hình dịch bệnh như vậy thì có tổ chức được các kỳ thi IELTS, SAT hay TOEFL không? Cũng có nhiều học sinh đã xin học bổng thành công đi các nước nhưng tại thời điểm đó thì không thể sang Mỹ, Anh, Úc và các nước…

Bà Hoa cho hay, công việc của trung tâm là phải hỗ trợ các bạn làm sao trong dịch bệnh vẫn có thể nộp hồ sơ thành công, có các phương án thi cử cho các bạn để làm sao vẫn có điểm chuẩn hóa. Có bạn sợ SAT bị hủy thì có thể phải thi thêm ACT… Với các bạn lẽ ra đi du học vào tháng 8, bình thường vào tháng 5-7 thì trung tâm sẽ hỗ trợ các gia đình xin visa nhưng vì dịch bệnh nên bị hoãn.

Có một số gia đình không đi được, có gia đình quyết định cho học online ở nhà. Trong suốt thời gian học kỳ đầu tiên đó thường xuyên phải giải đáp băn khoăn của gia đình là có nên học online tiếp không hay là nên sang, các thủ tục visa phải đợi kỳ tiếp theo hay thế nào…

Tuy nhiên, số lượng học sinh của Summit trong mùa dịch may mắn chỉ bị giảm chút ít bởi lẽ so với các trung tâm khác, trung tâm này có mô hình hơi đặc biệt hơn - đó là chuẩn bị du học từ sớm (không chỉ khâu điền hồ sơ hay phỏng vấn visa và thời điểm cận lúc học sinh đi du học).

Theo bà Hoa, học sinh của trung tâm thường bắt đầu học từ cấp 2 học tiếng Anh học thuật, ôn thi chuẩn hóa và tham gia các hoạt động ngoại khóa nên mình có các phụ huynh chuẩn bị cho con từ lớp 8, vào chương trình tư vấn du học từ lớp 9-11.

"Phụ huynh của mình sẽ là người nhìn dài hơi. Họ nghĩ Covid-19 có thể kéo dài 1 thậm chí 2 năm nhưng việc đi du học của con họ gần như là không thay đổi nên họ vẫn đăng ký tư vấn như bình thường vì họ hiểu rằng, nếu đợi dịch hết mới bắt đầu học tập thì sẽ bị trễ. Do vậy, trung tâm có ảnh hưởng nhưng bị nhẹ hơn và gần như không đáng kể", bà Hoa cho biết.

"Đau đầu" thưởng Tết…

Khi hỏi về vấn đề lương, thưởng Tết cho nhân viên của trung tâm trước dịp Tết Nguyên đán 2 tháng, bà Hồng Nhung cho hay: "Đây là vấn đề mà tôi rất đau đầu.

Khi nhân viên gắn bó với tập thể, tôi luôn muốn mình có thể để nhân viên có thể được hưởng được những chế độ tốt nhất có thể, nhưng vì hoạt động của công ty bị ảnh hưởng quá lớn, nên năm nay là năm đầu tiên công ty không thể chi trả tiền lương tháng 13 cho nhân viên.

Còn về vấn đề thưởng Tết âm lịch thì tôi vẫn đang trong quá trình cân nhắc, chắc chắn sẽ có thưởng tết để động viên nhân viên, nhưng mức thưởng là bao nhiêu thì tôi vẫn chưa quyết định được".

Các trung tâm du học lao đao, đau đầu chuyện thưởng Tết giữa bão Covid-19 - 3

Còn Giám đốc Trung tâm Summit cho hay, lương thưởng Tết, như nhiều công ty cũng gặp những khó khăn nhất định và phải có phương án đề phòng ví dụ dịch bệnh quay trở lại nên lương thưởng có sự điều chỉnh nhưng trung tâm xác định theo hướng điều chỉnh không nhiều vì vẫn phải giữ những nhân sự tốt để hoạt động lâu dài.

Hơn nữa, năm nay cũng là dịp kỷ niệm 10 năm thành lập trung tâm nên bà Hoa cũng muốn lương, thưởng Tết tốt và các hoạt động, các phong trào nội bộ để tinh thần mọi người tốt hơn vì mọi người đã rất cố gắng cùng công ty chèo lái qua thời gian khó khăn này.

Có nên đi du học nữa không?

Bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp chắc hẳn khiến nhiều phụ huynh lo ngại không biết có nên đầu tư gửi con du học nữa trong 1-5 năm tới. Là 1 chuyên gia tư vấn du học Hàn Quốc, Nhật Bản… nhưng cũng là một người chị đang có em du học nên bà Nhung rất hiểu cảm giác lo lắng cho người thân.

"Thực sự nếu để đưa ra lời khuyên thì tôi khuyên mọi người nên nghe ngóng thêm một thời gian nữa để xem tình hình dịch bệnh ở nước mà phụ huynh định gửi con em đi có chuyển biến tốt không, trường học và người dân nước đấy có đang tuân thủ đúng các quy định phòng dịch hay không.

Nếu cảm thấy chưa an tâm về những điều đấy thì mình có thể tạm hoãn việc đi du học lại trong vòng 1-2 kỳ. Còn nếu vì lí do gì đó khiến các vị phụ huynh vẫn quyết định cho con em mình đi du học tại thời điểm này, hãy xác định tư tưởng và đào tạo con em mình những kỹ năng để con em có thể tự bảo vệ bản thân mình", Giám đốc Trung tâm du học Sunny chia sẻ.

Các trung tâm du học lao đao, đau đầu chuyện thưởng Tết giữa bão Covid-19 - 4

Với 13 năm kinh nghiệm tư vấn du học, đặc biệt là du học Mỹ và một số nước châu Âu, bà Trần Phương Hoa chia sẻ: "Trong quá trình làm việc có những phụ huynh học sinh bị giao động nên đi nước nào, có nên đi du học nữa hay không nhưng mình nghĩ du học là sự chuẩn bị lâu dài và kết quả của nó, tác động thay đổi học sinh rất lớn cho nên cơ bản mình khuyên phụ huynh học sinh phải suy nghĩ rất kỹ trước khi đưa ra quyết định.

Mỗi nhà có lựa chọn riêng nhưng nếu các con đã có quyết tâm cao, sự chuẩn bị rất dày công để thi chuẩn hóa và nhiều khó khăn, nếu tự nhiên không cho con đi du học nữa thì tạo ra tâm lý rất khó cho con và chúng cảm thấy nỗ lực của mình không được đền đáp nữa.

Các trung tâm du học lao đao, đau đầu chuyện thưởng Tết giữa bão Covid-19 - 5
Bà Trần Phương Hoa - Giám đốc Trung tâm du học Summit.

Nhiều phụ huynh vẫn kiên định với mục tiêu đi du học nhưng họ có thể điều chỉnh thời gian đi du học, có thể gap year chậm lại một năm hoặc có thể vẫn nộp hồ sơ nhưng khi được nhận và có học bổng thì tùy tình hình dịch bệnh có thể xin nhà trường bảo lưu kết quả nửa năm, một năm.

Ở Mỹ, Canada… các trường cũng hiểu vấn đề này. Một số phụ huynh cũng chia sẻ rằng thời gian cũng rất quý, nếu cả thế giới dịch bệnh, mình ở Việt Nam cũng không làm được gì nhiều thì việc học vẫn phải nên học và chấp nhận học online…

Với dịch bệnh như này, tất cả trung tâm y dược, nhà khoa học trên thế giới tập trung nghiên cứu hi vọng sẽ đẩy lùi được dịch bệnh trong vòng 1-2 năm. Bây giờ cũng có những vắc xin được phê duyệt và mình nghĩ tâm lý của phụ huynh, học sinh khá phấn chấn", chuyên gia này bày tỏ tin tưởng.