Nhận xét đề thi ĐH năm 2005:

Các giáo viên nói gì về đề thi ĐH đợt 2?

(Dân trí) - Chiều 9/7, các thí sinh đã hoàn thành môn thi thứ 2 của đợt 2 kỳ thi tuyển sinh ĐH - CĐ 2005. Đề thi môn Văn có sự phân hoá rõ rệt hơn giữa hai khối C và D; Đề thi Sử không có "đất" cho quay cóp, học vẹt; Còn đề Toán khối B, D lại nặng hơn khối A... là những nhận xét của các thầy cô giáo có uy tín và kinh nghiệm.

Đề thi môn Văn có sự phân hoá rõ rệt hơn giữa hai khối C và D - Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Thái, giảng viên trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn.

Cả hai đề thi môn Văn khối C, D đều rất phù hợp với chủ trương ba chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đề năm nay đã có sự rút kinh nghiệm của các năm trước, đó là sự phân hoá rõ rệt. Những năm trước, đề thi cho cả 2 khối không có sự khác biệt lắm về khối lượng kiến thức cũng như cách ra câu hỏi. Năm nay, đề thi đã phân biệt được thí sinh từng khối.

Về khối C, đề thi có khó hơn năm trước. Ưu điểm của đề năm nay là phù hợp với mặt bằng trình độ chung nhưng các câu hỏi đều rất “mở” cho cảm xúc của thí sinh, có “đất” để những thí sinh giỏi có thể phát huy năng lực.

Đề khối D rất gọn gẽ, mạch lạc, thích hợp với tính chất khối D. Tôi rất thích câu II đề thi môn Văn khối D: “Phân tích vẻ đẹp của tình người và niềm hi vọng vào cuộc sống ở các nhân vật: Tràng, người vợ nhặt, bà cụ Tứ" trong truyện ngắn "Vợ nhặt" (Kim Lân). Câu này rất ngắn gọn, rõ ý, giúp thí sinh có được một bài viết mạch lạc, rõ ý.

Đề thi Lịch sử có khả năng hạn chế quay cóp, học vẹt - TS Vũ Quang Hiển, Khoa Lịch Sử, ĐHKHXH & NV.

Xét một cách tổng quan thì so với một vài năm gần đây, đề năm nay hay hơn. Đa phần các câu hỏi rõ ràng, người làm bài không thể hiểu lạc sang nghĩa khác. 3 câu thực ra là 4 vì câu I có hai ý nhỏ, trong đó ý 1 của câu I và câu II là những câu hỏi chỉ mang tính thuộc làu. Nếu học sinh học bình thường, với 2 nội dung này có thể đạt 5-6 điểm.

Riêng câu I.2 và câu 3 có khó hơn nhưng nếu học sinh nắm được kiến thức cơ bản cũng có thể đạt được một phần điểm. Những câu I.2, III là những nội dung có tác dụng phân loại học sinh khá giỏi.

Một điểm hay nữa là với đề này, nếu học sinh chỉ học vẹt thì rất khó đỗ vào ĐH. Từ đó đáp ứng một chủ trương lớn của Bộ hiện nay là chống việc học nhồi nhét, chống học vẹt mà đòi hỏi người học phải hiểu được vấn đề, biết chọn lọc các sự kiện. Đề ra như vậy còn có tác dụng vô hiệu hoá một phần quay cóp: cùng lắm chỉ quay được câu 1.1 và câu 2.

Điều này sẽ tác động lại cách dạy và cách học - kiểu dạy chay học vẹt sẽ không thể đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của xã hội. Vì thế, càng cần phải đổi mới nội dung, phương pháp dạy học lịch sử trong trường phổ thông và không nên đối xử với môn học này như một môn phụ.

Yêu cầu của đề là nêu lên những sự kiện "tiêu biểu"… Riêng chữ "tiêu biểu" có thể gây nên những cách hiểu khác nhau: thế nào là tiêu biểu? Cho nên phần lớn học sinh chỉ có thể trình bày những sự kiện phản ảnh tình đoàn kết chiến đấu giữa hai dân tộc Việt - Lào trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ... Ngay trong nội bộ của các thầy cũng dễ có sự tranh cãi thế nào là "tiêu biểu", thế nào là "không tiêu biểu"?

Các giáo viên nói gì về đề thi ĐH đợt 2? - 1

   Cô Đoàn Thanh Hương

Đề Toán khối A nhẹ hơn khối B, D - Cô Đoàn Thanh Hương, hướng dẫn chương trình Bổ trợ Kiến thức môn Hình học trên VTV2, Giáo viên dạy Toán trường THPT Chu Văn An, Hà Nội.

Trông qua thì có vẻ dài nhưng nhìn chung, đề toán cả ba khối B, D phù hợp với thời gian thi 180 phút và với trình độ thí sinh. Đề thi năm nay cũng theo xu hướng chung của những năm gần đây là sát với chương trình Phổ thông, câu cuối tương đối khó giúp học sinh giỏi bứt lên giành điểm cao.

Đề khối B có nặng hơn khối D một chút, nhưng đều là hai đề hay và hợp lý, phân hoá học sinh rõ rệt. Đề khối A năm nay nhẹ hơn năm ngoái, học sinh tương đối khá là có thể làm hết được không khó khăn lắm. Riêng bài hình, đề A và D đều ở những dạng quen thuộc, đề B hơi khác so với các dạng thông thường, học sinh phải biết vận dụng kiến thức thì mới làm được. 

Các giáo viên nói gì về đề thi ĐH đợt 2? - 2

Thầy Đào Ngọc Thụy

Môn Hóa phải làm rất nhanh mới hết - Thầy Đào Ngọc Thuỵ, Giáo viên môn Hoá học, trường THPT Hà Nội - Amsterdam.

 

Sáu câu lớn chia làm nhiều câu nhỏ trong 180 phút, khối lượng như thế là hơi căng, học sinh phải làm hết sức cố gắng và hầu như không ngừng bút thì mới hoàn thành hết. Cũng như mọi năm, đề Hoá khối B bao giờ cũng khó hơn khối A.

 

Về cơ bản, đề phân loại học sinh rất tốt: bám sát với chương trình phổ thông nhưng không phải nguyên văn theo sách giáo khoa và sách bài tập. Có những phần đòi hỏi phải suy luận, đọc sách tham khảo như câu II phần 1b, câu III phần 2b, câu IV học sinh tương đối khá mới làm được. 

 

Nếu học sinh chỉ học theo sách giáo khoa mà không chịu khó tìm tòi học hỏi thêm bên ngoài sách  thì chỉ được 7 điểm là cùng. Về mặt nội dung như thế là hợp lý. 

 

Mạnh Cường - Hằng Phương ghi

Dòng sự kiện: Kỳ thi ĐH 2005