Các bài báo quốc tế về biển Đông của Việt Nam chưa tới 3%

(Dân trí) - Tính chung các công bố quốc tế, số bài báo về biển Đông của các học giả Việt Nam chiếm chưa tới 3%. Còn trên cơ sở dữ liệu toàn cầu Scopus, có hàng chục ngàn nghiên cứu về biển Đông nhưng Việt Nam không có công bố nào.

Tại hội thảo Công bố quốc tế trong lĩnh vực Khoa học Xã hội và Nhân văn (KHXHNV) tại Việt Nam diễn ra mới đây, nhiều học giả cho rằng việc số lượng các công bố quốc tế trong lĩnh vực này còn ít ỏi là một thiệt thòi mang tầm quốc gia vì nó ảnh hưởng đến vị thế và sức ảnh hưởng của Việt Nam trong khu vực và thế giới.

Các bài báo quốc tế về biển Đông của Việt Nam chưa tới 3% - 1

Các học giả tham dự hội thảo Công bố quốc tế trong lĩnh vực Khoa học xã hội và nhân văn tại Việt Nam diễn ra mới đây

Theo PGS.TS Phạm Văn Phúc, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Phát triển Khoa học và Công nghệ, ĐHQG TPHCM dẫn lại một kết quả tìm kiếm số lượng công bố trên thế giới về từ khóa “biển Đông”, dựa trên cơ sở dữ liệu toàn cầu lớn nhất, có phản biện là Scopus. Kết quả rất đáng suy ngẫm: “Chúng ta thấy 10 tạp chí công bố nhiều nhất về biển Đông, hầu hết 90% các tạp chí này được xuất bản từ Trung Quốc. Tất cả các tạp chí này đều đạt chuẩn Scopus. Vậy các nước công bố nhiều nhất về biển Đông, đương nhiên là các học giả Trung Quốc. Cụ thể, công bố từ Trung Quốc có 8.647 bài về biển Đông; từ Mỹ thì có 2.139 bài; Đài Loan có 1.070 bài. Trong top 10 quốc gia công bố nhiều nhất về biển Đông thì không có Việt Nam chúng ta”, ông Phúc nói.

Từ kết quả nghiên cứu trên để thấy rằng, việc xuất bản tạp chí về lĩnh vực Khoa học xã hội và nhân văn tại Việt Nam đạt chuẩn quốc tế, là một nhu cầu cấp thiết và hướng đi chiến lược trong hội nhập quốc tế toàn diện.

Tương tự, bài tham luận "Công bố quốc tế về biển đảo: Sự cấp thiết và các định hướng thúc đẩy" của TS Lê Thanh Hòa, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Biển và Đảo, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG TPHCM được gửi tới hội thảo này đã cung cấp những con số đáng lưu tâm.

Theo TS Lê Thanh Hòa, cả nước chúng ta chỉ có các Trung tâm nghiên cứu về biển đảo trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn với số lượng chưa tới 20 cơ quan. Trong khi đó, tại Trung Quốc, con số này gấp 10 lần chưa kể các cơ quan nước ngoài, thậm chí công việc nghiên cứu cũng được sắp xếp trong các ngành, lĩnh vực khác nhau và có tính liên ngành cao, số lượng công bố cũng áp đảo.

Kết quả phân tích từ khóa trên các trang khoa học uy tín cũng cho thấy sự ít ỏi về số lượng các nghiên cứu khoa học về biển đảo được công bố quốc tế của Việt Nam. 

Với từ khóa “Spratly Islands” - quần đảo Trường Sa, kết quả thống kê được thực hiện vào ngày 21/1/2013 cho thấy có 4.630 bài báo khoa học và 317 bài báo về khía cạnh pháp lý. Trong số các bài báo về khía cạnh pháp lý thì 7 bài từ Việt Nam. 

Đối với từ khóa “Paracel Islands” - quần đảo Hoàng Sa, kết quả thu được là 1.870 bài báo khoa học và 41 bài báo về khía cạnh pháp lý. Trong các bài về pháp lý thì có 6 bài từ Việt Nam.

Các số liệu thống kê cho thấy ở thời điểm này mỗi năm Việt Nam có khoảng trên dưới 20 công bố quốc tế về biển Đông nhưng tập trung chủ yếu vào các vấn đề pháp lý, chính trị, ngoại giao. Trong 3 năm gần đây, sau sự kiện giàn khoan Hải Dương 981, các học giả Việt Nam đã ý thức hơn trong công bố quốc tế về biển đảo.

Cũng phân tích tương tự, với từ khóa “Spratly Islands” - quần đảo Trường Sa, có 246 bài báo khoa học. Còn với từ khóa “Paracel Islands” - quần đảo Hoàng Sa, có 171 bài báo khoa học. 

Các bài báo quốc tế về biển Đông của Việt Nam chưa tới 3% - 2

Tình hình nghiên cứu biển Đông của các học giả Việt Nam trong thời gian qua.

 

Trong số bài báo toàn cầu về vấn đề biển Đông, số lượng bài của các học giả Trung Quốc chiếm hơn 60%, của các học giả Việt Nam chỉ chưa tới 3%. Con số này quả thật rất khiêm tốn và rất đáng lo ngại.

Nhóm nghiên cứu của TS Lê Thanh Hòa cũng thống kê số lượng công bố khoa học về biển Đông của Việt Nam (chủ yếu bằng Tiếng Việt) từ năm 1970-2018. Trong đó, giai đoạn từ 2010-2018 số lượng công bố khoa học có sự gia tăng. Cụ thể: năm 2010 là 48 nghiên cứu. Con số này của năm 2011 là 54, năm 2012 là 49, năm 2013 là 81, năm 2014 là 104, năm 2015 là 123, năm 2016 là 154, năm 2017 là 191, năm 2018 là 202.

Trong khi đó, dẫn thông tin từ cơ sở dữ liệu học thuật toàn văn của Trung Quốc - CNKI, cho kết quả các số liệu như sau: Số bài viết về chủ đề biển Đông - Hoàng Sa - Trường Sa mà phía Trung Quốc công bố trên các tạp chí trong và ngoài Trung Quốc tính tới ngày 15.6.2015 là 35.864 bài. Trong đó năm 2007 là 1.592 bài, năm 2008 là 1.577 bài, năm 2009 là 1.733 bài, năm 2010 là 1.813 bài, năm 2011 là 2.126 bài, năm 2012 là 3.013 bài, năm 2013 là 5.868 bài, năm 2014 là 20.722 bài, năm 2015 là 6.422 bài…

Theo TS Lê Thanh Hòa, số lượng các chuyên gia bài bản, chuyên nhất về biển đảo hiện nay ở Việt Nam là tương đối ít ỏi, còn chủ yếu vẫn là các nhà nghiên cứu “thuyên chuyển chuyên môn”. Họ là nhà nghiên cứu tự do hoặc các nhà ngoại giao, nên việc công bố trên môi trường quốc tế với họ sẽ rất khó khăn.

Vì thế, các đề tài, dự án, các viện nghiên cứu, các nhà nghiên cứu hiện vẫn chỉ đang là thực hiện nhiệm vụ khoa học trước mắt, mang tính thời sự nóng hổi như đấu tranh chủ quyền (luật biển), nghiên cứu kinh tế biển, thương mại biển… chứ chưa thấy một chiến lược tổng thể mang tính vĩ mô để thúc đẩy tất cả các chuyên ngành khác nhau trong nghiên cứu biển Đông.

Trong bài tham luận, TS Lê Thanh Hòa nêu kiến nghị rằng “đã đến lúc, trên cơ sở chiến lược nghiên cứu biển Đông của Nhà nước, các nhà nghiên cứu phải cùng ngồi lại với nhau để phác thảo nên một lộ trình nghiên cứu dài hơi và tổng thể về biển Đông. Cần phân định rõ các đối tượng trước mắt, các nhiệm vụ lâu dài, với những quy hoạch tổng thể về các phân ngành chuyên biệt trong nghiên cứu biển Đông để chuyên ngành này có thể phát triển trong vòng 30 - 50 năm tới, tránh tình trạng luôn luôn phải ứng phó với những tình huống không lường trước”.

“Đấu tranh trên lĩnh vực học thuật là một nhiệm vụ, tư vấn chính sách cho Nhà nước về lộ trình công việc cũng là một nhiệm vụ không thể không nghĩ đến”, TS Lê Thanh Hòa nhấn mạnh.

Lê Phương