Đắk Nông:

Cả năm giữ chân học trò vùng biên nhờ bữa cơm có thịt, cá

(Dân trí) - Từ năm học 2019-2020, bữa ăn của học trò xã biên giới Đắk Wil (Cư Jút, Đắk Nông) có thêm thịt, cá, canh rau. Ngoài số tiền giáo viên tự bỏ ra, mỗi phụ huynh góp thêm 1.000 đồng để duy trì bữa ăn này.

Gần kết thúc năm học cũng là thời điểm trường Mẫu giáo Đắk Wil (huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông) đánh giá lại hiệu quả mô hình bán trú dân nuôi dành cho học sinh mà trường đang thực hiện. Mô hình được triển khai từ đầu năm học 2019-2020, tại 2 điểm trường - thôn 18 và thôn 4, phục vụ 91 em học sinh.  

Đây là các lớp học có độ tuổi khác nhau, dành cho học sinh xã biên giới Đắk Wil, trong đó có nhiều em là người đồng bào dân tộc thiểu số.  Mỗi phụ huynh sẽ đóng góp 1.000 đồng/học sinh, số tiền còn lại sẽ được các giáo viên trong trường trích tiền lương hoặc vận động tài trợ.

Cả năm giữ chân học trò vùng biên nhờ bữa cơm có thịt, cá - 1
Trường Mẫu giáo Đắk Wil là trường đầu tiên triển khai mô hình bán trú dân nuôi

Cô giáo Nguyễn Thị Hường, giáo viên lớp chồi 4, phân hiệu thôn 4 cho biết, công tác trong ngành Giáo dục hơn 20 năm tại vùng khó khăn của huyện Cư Jút, cô và các giáo viên khác từng chứng kiến rất nhiều hoàn cảnh khó khăn của phụ huynh trong trường.

Nhiều em đến lớp mà không có tiền ăn bán trú, hoặc chỉ ăn trưa với cơm trắng, đường mía. Chứng kiến cảnh thiếu thốn, thiệt thòi của học trò, hàng tháng các giáo viên trong trường đã tự nguyện trích một phần lương để mua đồ ăn nấu cho các em học sinh.

“Một người thì không làm nổi, nhưng mỗi người góp một chút thì sẽ thực hiện được. Chúng tôi công tác ở đây nhiều năm, thấu hiểu vất vả của phụ huynh, thương học trò của mình nên ai cũng vui vẻ, đồng ý”, cô Hường nói.

Cả năm giữ chân học trò vùng biên nhờ bữa cơm có thịt, cá - 2

Sau giờ học, các cô giáo tại 2 điểm trường là người trực tiếp vào bếp nấu đồ ăn

Bà Bùi Thị Hải Yến, Phó Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Đắk Wil cho biết, theo quy định các trường mầm non phải tổ chức học bán trú. Thế nhưng, những năm trước tại hai điểm trường này, nhà trường không thể triển khai được do điều kiện khó khăn.

“Từ đầu năm học này, cứ tan học là cô giáo vào bếp tự chế biến thực phẩm, nấu canh phục vụ bữa ăn các cháu ngay tại các điểm trường.

Mỗi bữa, chúng tôi chỉ thêm cho các cháu miếng thịt, con tôm hay một chén canh, nhưng thực sự rất hạnh phúc khi chứng kiến các cháu ngon miệng, ăn hết cơm hộp cơm trắng mang từ nhà đi”, cô Yến xúc động kể lại.

Chia sẻ thêm về bữa cơm này, nữ Hiệu phó tâm sự, ở đây chủ yếu là bà con đồng bào dân tộc thiểu số, đi làm nương rẫy cả ngày, thậm chí cả tuần.

Khi chưa tổ chức bán trú, buổi trưa các cháu cứ lang thang ngoài đường, có trường hợp bị xâm hại. Chính vì thế, từ đầu năm học 2019- 2020, nhà trường đã tổ chức học bán trú cho học sinh.

Cả năm giữ chân học trò vùng biên nhờ bữa cơm có thịt, cá - 3

91 đứa trẻ đang được ăn bán trú dân nuôi tại trường

Sau gần 1 năm triển khai mô hình bán trú theo cách này, phụ huynh yên tâm cho con đến lớp, các em được chăm sóc, dạy dỗ tốt hơn.

“Chúng tôi chỉ hy vọng, bữa cơm giúp các cháu đủ chất, khỏe mạnh và an toàn, phát triển như những đứa trẻ khác. Bữa cơm cũng là cách chúng tôi giữ chân các cháu ở lại trường, đảm bảo việc học cho các cháu”, cô Yên nói thêm.

Theo Ban giám hiệu trường mẫu giáo Đắk Wil, đây là năm đầu tiên triển khai mô hình. Để hoạt động, ngoài sự đóng góp của giáo viên thì nhà trường còn huy động các nhà tài trợ đóng góp ủng hộ vật dụng đưa cơm đến trường như: thìa, cà mèn... để phụ huynh đưa cơm cho các em. Còn phụ huynh mỗi em đóng 1.000 đồng/bữa.

Có con đang học tại điểm trường này, nhưng do cuộc sống khó khăn nên chị Dương Thị Sìa (dân tộc H’Mông, trú thôn 5, xã Đắk Wil) không có thời gian chăm sóc hai con nhỏ. Từ khi có “bếp ăn” của trường, gia đình chị cũng đỡ đi một phần chuyện đón con đi học, cho con ăn vào buổi trưa.

“Mỗi buổi sáng, tôi chỉ cần nấu cơm cho con mang đi. Ở lớp, cháu được các cô nấu cho món ăn mặn kèm nên cháu rất thích. Sự giúp đỡ dù nhỏ nhưng cũng đỡ đần được gia đình vì cháu được ở trường cả ngày”, chị Sìa phấn khởi.

Cả năm giữ chân học trò vùng biên nhờ bữa cơm có thịt, cá - 4

Mỗi sáng chị Dương Thị Sìa đưa hai con đến trường với hai hộp cơm

Ông Phạm Văn Hiệp, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông cho biết, Đắk Wil là xã vùng sâu, vùng biên giới của huyện Cư Jút. Cuộc sống người dân còn gặp nhiều khó khăn, nhất là người dân vùng dân tộc thiểu số.

Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, thành tích học tập mà nó còn khiến cho một số gia đình phải cho con bỏ học giữa chừng.

“Đây là mô hình đầu tiên và duy nhất tính đến thời điểm này của tỉnh Đắk Nông. Từ khi bếp ăn bán trú ở Trường mẫu giáo Đắk Wil đi vào hoạt động đã mang lại niềm vui cho người dân ở xã Đắk Wil và giảm bớt khó khăn trong công tác quản lý của nhà trường, cũng như của địa phương.

Số học sinh bỏ học của địa phương những năm qua đã giảm hẳn, chất lượng giáo dục các cấp học vì thế cũng tăng lên”, ông Hiệp vui mừng nói.

Dương Phong