Buộc học sinh nghỉ học nếu tái phạm luật giao thông: Văn bản có sai luật?

(Dân trí) - Chủ trương buộc học sinh thôi học 1 tuần nếu nhiều lần tái phạm luật Giao thông của Sở GD&ĐT Hà Nội đang gây nhiều tranh cãi. Theo Cục trưởng Cục Kiểm tra Văn bản Quy phạm Pháp luật (Bộ Tư pháp), cần xem lại tính pháp lý và hợp lý của văn bản này.

Đã tham khảo trước khi đưa ra quy định

Ngay sau khi quy định về việc xử lý học sinh vi phạm an toàn giao thông vừa được đưa ra, nhiều người cho rằng, việc học sinh vi phạm về an toàn giao thông đã có cảnh sát giao thông xử lý. Nếu nhà trường cũng phạt, nghĩa là mỗi học sinh “gánh” án phạt đến 2 lần. Như thế là quá nặng.

PGS Văn Như Cương - Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Trường THPT dân lập Lương Thế Vinh cho rằng, quy định buộc học sinh thôi học 1 tuần hoặc trả về nhà tùy theo mức độ vi phạm là hoàn toàn đúng. Trong lúc toàn xã hội đang vận động thực hiện văn hóa trong giao thông thì tầng lớp HS-SV, những người có tri thức mà bỏ qua thì rất phản cảm. Vì thế, để xử lý triệt để hơn là hoàn toàn đúng.

Một số bạn đọc cho rằng, học sinh phạm luật giao thông đã có cơ quan chức năng chuyên trách thực hiện các hình thức phạt theo quy định, vậy tại sao cần phải đưa quy định này vào trường học? Nhà trường làm như thế liệu có phạm luật không? Về việc này, PGS Cương chia sẻ: “Tôi cho rằng quy định đó không hề phạm luật vì trường học cũng có quy định của trường học. Chẳng hạn một số trường cấm nhuộm tóc, cấm ăn mặc phản cảm, cấm nói tục chửi bậy trong nhà trường...

Nếu các em ra ngoài trường mà thực hiện thì không sao nhưng nếu trong trường học, nhà trường có quyền kỉ luật bởi một khi các em đã đồng ý và cam kết gia nhập cộng đồng nhưng vẫn vi phạm, chúng tôi có quyền loại các em ấy ra khỏi nhà trường”.

Trao đổi với PV Dân trí trước đó, ông Nguyễn Hiệp Thống, PGĐ Sở GD&ĐT Hà Nội cũng cho biết, Sở đã có tham khảo các văn bản trước khi đưa ra quy định này.

Theo đó, nếu học sinh mặc dù đã được tuyên truyền giáo dục, đã cùng gia đình kí cam kết, đã bị nhắc nhở phê bình cảnh cáo nhiều lần mà vẫn cố tình vi phạm thì sẽ bị xử lý đình chỉ học tập 1 tuần để kiểm điểm, giáo dục cho học sinh nhận thức rõ về hành vi sai trái của mình. Đây là hình thức kỉ luật đã được quy định rõ trong Điều 42 của “Điều lệ trường THPT” do Bộ GD&ĐT ban hành từ năm 2011.

Văn bản có sai luật?

Trao đổi với PV Dân trí vào chiều 12/3, ông Đồng Ngọc Ba, Cục trưởng Cục Kiểm tra Văn bản Quy phạm Pháp luật (Bộ Tư pháp) cho biết, văn bản của Sở GD&ĐT ban hành ngày 7/3 quy định: HS-SV vi phạm lần 1, hạ một bậc hạnh kiểm trong liên quan đến việc xử lý học sinh khi vi phạm luật an toàn giao thông, trong đó có quy định: Đối với HS-SV, vi phạm lần 1: Hạ một bậc hạnh kiểm trong tháng mắc lỗi, phê bình trước lớp, trước trường, kiểm điểm và mời gia đình đến cam kết.

Ông Đồng Ngọc Ba (ảnh: Bộ Tư pháp)
Ông Đồng Ngọc Ba (ảnh: Bộ Tư pháp)

Học sinh đã biết lỗi nhưng vẫn vi phạm lần 2 sẽ bị hạ một bậc hạnh kiểm của học kì, trả về gia đình 3 ngày để tự kiểm điểm, thông báo tới địa phương cư trú.

Nếu đã được giáo dục vẫn tái phạm nhiều lần, học sinh sẽ bị xếp loại hạnh kiểm yếu, cảnh cáo trước toàn trường, ghi học bạ, buổi thôi học 1 tuần để gia đình và địa phương quản lý, giáo dục răn đe...

Theo ông Ba, Sở GD&ĐT ra văn bản này dựa trên Thông tư 12/2011 của Bộ GD&ĐT về điều lệ Trường THCS, Trường THPT và trường phổ thông có nhiều cấp; Cùng với Thông tư 58/2011 của Bộ GD&ĐT về Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh THCS và học sinh THPT.

Căn cứ theo đó, Sở GD&ĐT đã đưa ra các quy định trên đây. Tuy nhiên, theo ông Ba, đó là quan điểm của Sở GD&ĐT Hà Nội. Còn về căn cứ pháp lý trên văn bản, ông Ba cho rằng, cần xem xét lại tính pháp lý và hợp lý của văn bản này. Đây là văn bản hành chính nhưng lại có yếu tố quy phạm. Ông cũng chưa tìm thấy nội dung về việc Sở có thẩm quyền ra văn bản có những quy định như vậy.

Ông Ba cho biết thêm, vào đầu tuần tới, Cục Kiểm tra Văn bản Quy phạm Pháp luật (Bộ Tư pháp) sẽ có buổi làm việc trực tiếp với Sở GD&ĐT Hà Nội, các chuyên gia để nắm thông tin, xác minh chặt chẽ để có quyết định cụ thể.

Mỹ Hà

(Email:myha@dantri.com.vn)