Bức tâm thư đẫm nước mắt của nữ sinh 29 điểm rớt ĐH gửi Bộ trưởng Bộ Công an

(Dân trí) - “…Cháu xin hứa với bác và mọi người rằng, nếu cháu được theo học các Trường Công an Nhân dân thì trong quá trình học cháu sẽ tuân thủ các quy định của trường, của ngành. Cháu cũng muốn góp một phần công sức nhỏ bé của mình để bảo vệ quê hương, đất nước và mong muốn sửa đổi lỗi lầm mà người ba quá cố của cháu đã gây ra!”

Đó là lời hứa trong bức tâm thư của em Bùi Kiều Nhi (SN 1997, xã Đức Hoá, huyện Tuyên Hoá, Quảng Bình) gửi Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang.

Sau khi Báo điện tử Dân trí đăng tải bài viết “Nỗi lòng nữ sinh 29 điểm vẫn rớt đại học”, bản thân Kiều Nhi và gia đình cũng đã nhận được nhiều sự quan tâm của bạn đọc động viên, chia sẻ và ai ai cũng thấy tiếc nuối cho em. Kiều Nhi cũng đã gửi bức tâm thư tới Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang bày tỏ nguyện vọng của mình:

Kính gửi bác Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ Công an!

Cháu sinh ra trong một gia đình nghèo ở huyện miền núi Tuyên Hoá (Quảng Bình), nên từ sớm cháu đã ý thức được chỉ có việc học mới đem lại một cuộc sống bớt cơ cực hơn nơi vùng đất quanh năm chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai bão lụt này.

Bức tâm thư đẫm nước mắt của nữ sinh 29 điểm rớt ĐH gửi Bộ trưởng Bộ Công an - 1

 

Bức tâm thư đẫm nước mắt của nữ sinh 29 điểm rớt ĐH gửi Bộ trưởng Bộ Công an - 2

Bức thư đẫm nước mắt của Kiều Nhi gửi đến Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang

Từ nhỏ, cháu đã ước mơ sau này trở thành một chiến sĩ công an để sau nay góp một ít công sức bé nhỏ của mình bảo vệ quê hương đất nước. Trong suốt 12 năm học, cháu tự ý thức và không ngừng trau dồi đạo đức và kiến thức để phấn đấu trở thành một chiến sĩ công an.

Và trong kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia vừa qua, cháu đã thi được 27,5 điểm khối C (trong đó môn Địa 9,75 điểm, Sử 9 điểm và Văn là 8,75), cộng với 1,5 điểm ưu tiên nữa là 29 điểm. Trước đó, cháu cũng đã đăng ký sơ tuyển vào ngành Học viện Chính trị Công an Nhân dân và đã đảm bảo đủ tất cả các điều kiện để có thể theo học ở ngôi trường này.

Ngay sau khi có kết quả thi, cháu đã làm hồ sơ nguyện vọng vào trường công an như cháu đã từng mong ước. Đối với cháu lúc này, dường như cánh của ước mơ đã dần được mở ra đối với một thí sinh nghèo như cháu khi điểm chuẩn vào trường là 29 điểm.

Bức tâm thư đẫm nước mắt của nữ sinh 29 điểm rớt ĐH gửi Bộ trưởng Bộ Công an - 3

Mong muốn của Nhi là được theo học ngành Công an để đỡ đần mẹ trong học phí suốt những năm học

Thế nhưng, cháu buồn lắm bác ạ! Bởi đang đến ngày cận kề nhập học thì cháu mới hay tin cháu không đủ điều kiện để theo học các Trường Công an Nhân dân vì thiếu trung thực.

Lúc đó, cháu và mẹ cháu buồn lắm. Bởi theo như công văn mà Công an huyện (nơi cháu đăng ký, nộp hồ sơ) gửi về: “Bố cháu, ông Bùi Vĩnh Tường (SN 1965, đã mất năm 2013) đã bị từng bị TAND huyện Tuyên Hoá xử phạt 9 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội "Chống người thi hành công vụ" (theo bản án số 02 HS-TA ngày 18/5/92)”.

Bức tâm thư đẫm nước mắt của nữ sinh 29 điểm rớt ĐH gửi Bộ trưởng Bộ Công an - 4

Kiều Nhi không hề hay biết bố mình, ông Bùi Vĩnh Tường đã từng có án tích

Thực sự, lúc đó cháu và mẹ cháu không ai dám tin vào việc đó hết. Và cháu cũng đã hỏi đi hỏi lại mẹ nhiều lần trước khi cháu đi làm hồ sơ dự tuyển vào nghành Công an Nhân dân. Nhưng mẹ cháu bảo với cháu là mẹ cũng không hề hay biết về việc này, bởi nếu như hồ sơ tại toà án thì lúc đó bố và mẹ cháu chưa lấy nhau và có lẽ vì đó là án treo nên ba vẫn đi làm bình thường cho đến khi cưới nên mẹ cũng không nghĩ rằng lúc đó ba đang thụ án. Cho đến 6 năm sau mới sinh ra cháu và suốt gần 20 năm qua cháu chưa rừng nghe ai nói rằng ba cháu đã từng có án tích. Do đó, trong hồ sơ dự thi cháu đã không ghi vào thông tin này.

Cháu cũng xin thú thực với bác và mọi người rằng: “Cháu và mẹ cháu không hề biết về việc này, bởi ba cháu đã mất cách đây hai năm, còn ông bà nội cũng đã mất từ lâu nên khi làm hồ sơ cháu ghi thông tin hoàn toàn trung thực và chịu mọi hoàn toàn trách nhiệm về những thông tin đó.

Bức tâm thư đẫm nước mắt của nữ sinh 29 điểm rớt ĐH gửi Bộ trưởng Bộ Công an - 5

Từng ngày, từng giờ Kiều Nhi vẫn mong muốn có một phép màu nào đó sẽ đến với em

Giờ đây, khi có công văn của Công an huyện gửi về đến nay, cháu cũng mong muốn có một phép màu nào đó để cháu được theo học. Cháu thực sự rất “sốc” khi không được nhập học và “sốc” khi biết bố cháu trước đây đã từng bị 9 tháng tù treo khi một mình mẹ cháu phải nuôi 4 chị em đang độ tuổi ăn học.

Đó quả là một điều không may mắn đối với cháu và gia đình từ sau khi bố cháu mất. Cháu thương mẹ cháu lắm! Nhà thì nghèo, một mình mẹ phải thức khuya dậy sớm mưu sinh trên mảnh đất cằn cỗi lắm thiên tai này để nuôi 4 chị em cháu ăn học. Nên cháu rất muốn được đi học lắm bác ạ! Để khi học xong ra trường có công việc ổn định để phụ giúp mẹ và các em.

Nhưng có lẽ ước mơ của cháu đã quá muộn màng rồi phải không bác ơi! Nhưng từ sâu thẳm trong đáy lòng, cháu vẫn muốn được theo học ngành công an. Bởi ít nhất thì cháu bớt phần nào gành nặng về học phí cho mẹ cháu. Và cháu xin đảm bảo với bác rằng “thực sự không biết rằng bố cháu đã từng có án tích nếu không ban đầu cháu đã không dám đăng ký dự thi vào các trường Công an đâu”.

Cháu xin hứa với bác và mọi người rằng, nếu cháu được theo học các Trường Công an Nhân dân thì trong quá trình học cháu sẽ tuân thủ các quy định của trường, của ngành. Cháu cũng muốn góp một phần công sức nhỏ bé của mình để bảo vệ quê hương, đất nước và mong muốn sửa đổi lỗi lầm mà người ba quá cố của cháu đã gây ra!

Lời cuối cùng cháu xin chúc bác sức khoẻ và cảm ơn bác đã bớt chút thời gian quý báu của mình để lắng nghe những lời tâm sự từ tận sâu thẳm đáy lòng cháu!

“Mong cảm thông và có một điều đặc cách với Kiều Nhi”

Trước đó, báo Dân trí đã đăng tải bài viết về nữ sinh Kiều Nhi và đã nhận được gần 10 nghìn lượt chia sẻ qua Facebook và các mạng xã hội. Cùng với đó, ngay trên mục comment của báo Dân trí cũng đã ghi nhận được hơn 300 lượt bình luận bày tỏ sự cảm thông và mong muốn các bộ ban ngành liên quan có chính sách giúp đỡ cho em Kiều Nhi được đến trường.

Bạn đọc có nick name Hanhvphnd bày tỏ: “Mong Đại tướng Trần Đại Quang xem xét, em Kiều Nhi là người giỏi, tâm huyết với ngành Công an”.

Bạn đọc NguyenVanGiang chia sẻ: “Đáng tiếc cho Kiều Nhi quá! Tuyên Hóa nhà mình có một nhân tài như thế này mà phải chờ đến năm sau mới có cơ hội học ĐH thì quá là tiếc... Mong em sớm vượt quá cú sốc và vững tin cho ngày mai”.

Một số coment đăng trên báo Dân trí thể hiện sự cảm thông với Nhi và mong muốn Bộ Công an vào cuộc
Một số coment đăng trên báo Dân trí thể hiện sự cảm thông với Nhi và mong muốn Bộ Công an vào cuộc

Độc giả Lê Thị Kính phân tích: “Bố em Kiều Nhi bị "án treo" đến nay đã 23 năm, khi đó cũng chưa kết hôn với mẹ em Nhi. Như vậy thì ngay đến cả mẹ em cũng không biết chứ chưa nói gì đến em Nhi. Mặt khác, bố em đã mất trước thời đểm em Nhi thi đại học, do đó việc con cái không nắm được lý lịch quá khứ của bố mẹ là chuyện "phổ biến". Vì vậy, trường hợp của em Nhi có thể nói là "Tình ngay", nếu Nhi biết được "lịch sử" của Bố mình thì chắc chắn em không giám thi vào ngành Công an. Vì vậy, đề nghị Bộ Công an và Bộ GD - ĐT xem xét lại việc tuyển sinh đối với trường hợp của em Nhi. Cũng cần phải xem xét lại quy văn bản pháp luật quy định về "xoá án tích", nếu bố em Nhi thuộc trường hợp được xoá án tích thì việc em Nhi có khai báo chưa đúng thì cũng không có gì nghiêm trọng. Một học sinh nghèo miền núi mà thi được số điểm như vậy hiện là "của hiếm", đặc biệt là môn Lịch sử”.

Còn độc giả Võ Đình Dũng bày tỏ: “Qua nội dung bài viết, em kính mong Bộ trưởng Bộ Công an cứu cháu Nhi và cũng như cứu một nhân tài đất nước. Hãy cho cháu phát huy năng lực để xây dựng quê hương và bảo vệ bình yên cuộc sống cho nhân dân. Kính mong Bộ trưởng xem xét tuyển dụng”.

Còn độc giả Trí Nguyễn Minh cho rằng: “Theo các Điều 63-64-65-66-67 Bộ luật Hình sự, trường hợp của ông Bùi Vĩnh Tường đã được xóa án tích nên em Bùi Kiều Nhi khai lý lịch là hoàn toàn hợp lý. Việc cần xem xét lại ở đây là Công an huyện Tuyên Hóa phải chăng đã quá máy móc và cứng nhắc? Đạt thành tích học tập cao ở một huyện miền núi nghèo phải có ý chí phấn đấu không ngừng nghỉ. Tiếc cho em và cũng tiếc cho huyện nhà em đã lãng phí nguồn nhân lực chất lượng cao”.

Nickname Nguyễn Quốc Tiến có cách giải thích khá thú vị về sự việc như sau:·Hai mẹ con như thất thần vì không hề hay biết ông Bùi Vĩnh Tường đã từng có án tích. Đúng vậy, khi lấy nhau CA có cung cấp "án tích" của Ô.Tường cho vợ con ông không? (lúc bị án thì Ô.Tường chưa là bố của Kiều Nhi). Tôi được biết Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Bộ trưởng Bộ Giáo dục đã từng “cứu” một số em khác, nay kính đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an xem xét "cứu" em Nhi cho em vào học theo điểm đã đỗ.Trân trọng!"

Và còn rất nhiều comment chia sẻ với Kiều Nhi cũng như mong muốn Bộ Công an và Bộ GD – ĐT xem xét đặc cách cho nữ sinh còn nhà nghèo, mồ côi cha học giỏi này.

Văn Lịnh – Đặng Tài