Brexit, kịch bản lạc quan cho tương lai du học sinh Việt?

(Dân trí) - Với Brexit, thị trường lao động tại xứ sở sương mù dường như sẽ được “san phẳng”, nghĩa là người EU và không EU (trong đó có du học sinh Việt) đều sẽ cạnh tranh cho những công việc đòi hỏi tài trợ visa một cách công bằng.

Vì sao người Anh không cảm thấy bị “đe dọa” bởi người Việt?

Ngày 24/6, Anh chính thức công bố kết quả cuộc trưng cầu dân ý lịch sử về việc rời khỏi Liên minh châu Âu. Theo đó, 51,9% người tham gia bỏ phiếu ủng hộ Brexit (từ ghép giữa Britain (nước Anh) và exit (thoát) để chỉ việc Anh rời khỏi EU).

Các tác động “nhãn tiền” của Brexit nhanh chóng trở thành chủ đề quan tâm của không chỉ người dân Anh mà cả du học sinh và phụ huynh Việt. Tuy nhiên, đa phần các du học sinh Việt vẫn “bình chân, bình tâm” sau cuộc “ly hôn” này, bởi lẽ ở thời điểm hiện tại, Brexit chưa gây tác động sâu sắc đến họ.


Hiếu Vương, tốt nghiệp ĐH H Warwick; đang hoàn thành bằng thạc sỹ về Kinh doanh quốc tế tại Anh và sắp đi làm tư vấn quản trị tại công ty PwC.

Hiếu Vương, tốt nghiệp ĐH H Warwick; đang hoàn thành bằng thạc sỹ về Kinh doanh quốc tế tại Anh và sắp đi làm tư vấn quản trị tại công ty PwC.

Chàng trai Hiếu Vương (SN 1991, cử nhân ngành Chính trị và Quan hệ quốc tế, ĐH Warwick, Anh) cho rằng, cuộc bầu cử mới chỉ quyết định được hướng đi của nước Anh trong tương lai mà thôi, chứ nó chưa làm rõ cho chúng ta thấy quá trình sẽ ra sao và tương lai cụ thể sẽ như thế nào.

Các chuyên gia thế giới cũng nhận định quá trình đàm phán về những thay đổi của quan hệ Anh - EU có thể mất tới 2 năm để hoàn tất. Do đó, ở tương lai gần, Brexit không có nhiều tác động đến du học sinh Việt.

Xét về nguyên nhân, ngoài những lý do về hệ thống phúc lợi xã hội bị đe doạ, bản sắc dân tộc bị phai nhoà, sự cạnh tranh khốc liệt trong thị trường lao động cũng là một trong những lý do chính khiến kết quả cuộc bầu cử nghiêng về hướng ra đi.

Cụ thể là với quyền tự do đi lại ở Châu Âu, phe ủng hộ ra đi cảm thấy tương lai họ bị đe doạ khi những người EU đổ xô vào đất nước mình và chiếm lấy những công việc mà “đáng ra” người Anh phải được hưởng…

Vậy Brexit có ảnh hưởng đến tương lai việc làm của du học sinh Việt? Vì sao người bản địa Anh không cảm thấy bị đe doạ khi người Việt xin được việc làm tại Anh?

Hiếu Vương phân tích: “Muốn biết được điều này thì chúng ta cần nhìn đến quy định xin visa làm việc cho những du học sinh và chuyên gia không thuộc EU tại Anh. Theo luật Anh, để được chấp nhận visa Tier 2 General để sinh sống và làm việc tại Anh, những người nằm ngoài EU (non-EU) nói chung và du học sinh Việt nói riêng cần phải vượt qua quá trình tuyển dụng của những tổ chức có khả năng tài trợ visa để được phép ở lại và làm việc tại Anh.

Điều quan trọng là để có thể được tài trợ cho việc bạn ở lại và làm việc cho họ thì mức lương khởi điểm của bạn phải đạt được một mốc cao nhất định (thường là trên trung bình thu nhập ở Anh tương đối).

Vì vậy, chúng ta có thể dễ dàng thấy những công việc đạt những tiêu chuẩn trên thường thuộc về những tổ chức và những tập đoàn đa quốc gia lớn. Chính vì thế đối với phần lớn người dân Anh trung bình, những bạn du học sinh ngoài EU như Việt Nam đủ khả năng kiếm được việc làm ở Anh thường sẽ làm ở những ngành nghề với mức thu nhập cao (high-end jobs), và sẽ không cạnh tranh những công việc phổ thông với họ (low-end jobs)”.

Hiếu Vương cho rằng, đó là lý do khiến cá nhân anh cảm thấy cuộc sống và tương lai việc làm của du học sinh Việt Nam tại Anh Quốc sẽ không bị ảnh hưởng tiêu cực nhiều trong tương lai gần sau cuộc trưng cầu dân ý này.


Nguyễn Kim Chi, SV trường Cambridge School of Visual & Performing Arts, Anh.

Nguyễn Kim Chi, SV trường Cambridge School of Visual & Performing Arts, Anh.

Nữ du học sinh Nguyễn Kim Chi - SV trường Cambridge School of Visual & Performing Arts, Anh Quốc cho rằng, về trước mắt thì Brexit còn có tác động giúp cuộc sống du học sinh Việt tại Anh “dễ thở” hơn: “Là một du học sinh đang học tập ở Anh quốc, em thấy nếu Anh có rời khỏi EU, theo em được biết thì đồng bảng Anh sẽ mất giá và tỷ giá sẽ giảm đáng kể.

Chính vì vậy mà đây là cơ hội tốt để có thể giao dịch cũng như mua sắm các thứ. Những bạn nào cần đóng học phí thì đó là thời điểm rất thuận lợi”.

Tương lai và nhiều “biến số”

Nữ sinh Vũ Hồng Ngọc, Chủ tịch Hội sinh viên Việt Nam tại ĐH Huddersfield chia sẻ: “Trường/ chỗ làm cũng email trấn an là sẽ không có bất cứ thay đổi gì lập tức”. Tuy nhiên, nhìn ở tương lai, Ngọc cho rằng, Brexit sẽ có tác động đến mối liên kết và chất lượng giáo dục Anh quốc.

Theo Hồng Ngọc: “Nước Anh được EU hỗ trợ hơn 15% chi phí cho công tác nghiên cứu. Vì thế, "cuộc ly hôn" này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các trường trong việc đảm bảo nguồn đầu tư cho giảng dạy và nghiên cứu.

Anh vốn được coi là một trong những quốc gia hàng đầu về giáo dục và nghiên cứu nhờ việc thu hút nhân tài nước ngoài, đặc biệt từ các nước thành viên EU. Chính lãnh đạo nhiều trường ĐH tại Anh cũng lo ngại, Brexit sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến đội ngũ chuyên gia, giảng viên của trường”.


 Vũ Hồng Ngọc, SV năm cuối ĐH Huddersfield, Anh.

Vũ Hồng Ngọc, SV năm cuối ĐH Huddersfield, Anh.

Nhìn đến tương lai xa, Hiếu Vương cảm thấy 2 kịch bản sau sẽ có khả năng xảy ra hậu Brexit: “Thứ nhất, do những yếu tố không chắc chắn cùng với những rủi ro đi kèm, nhiều công ty và tập đoàn lớn sẽ chuyển trụ sở và những chi nhánh của họ sang châu Âu thay vì ở lại Anh. Điều này có thể sẽ giảm đi đáng kể lựa chọn công việc cho du học sinh Việt về sau.

Thứ hai, chúng ta có thể sẽ thấy một quan hệ Anh - EU không có sự phân biệt giữa người EU và những người không thuộc EU trong tương lai. Mình cảm thấy đây là một kịch bản lạc quan cho du học sinh Việt mong muốn sinh sống và làm việc tại Anh quốc bởi vì thị trường lao động dường như sẽ được ‘san phẳng’ và người EU và không EU đều sẽ cạnh tranh cho những công việc đòi hỏi tại trợ visa một cách công bằng”, Hiếu lí giải.

“Hiện nay, với cùng một công việc và khi phải lựa chọn giữa một ứng cử viên nằm trong EU và một ứng cử viên nằm ngoài EU, mình thấy người nằm trong EU thường sẽ được rất nhiều lợi thế khi nhà tuyển chọn phải cân nhắc về vấn đề tài trợ visa. Tất nhiên là có thể sẽ có vô vàn những kịch bản khác có thể xảy ra và vì thế những nhận định hiện tại chỉ mang tính phỏng đoán”, Hiếu nói thêm.

Do đó, anh chàng này nghĩ rằng, trong tương lai xa, vẫn tồn tài quá nhiều biến số để đưa ra một nhận định cụ thể về "số phận” của con em người Việt tại Anh.

Lệ Thu