Bốn sinh viên Việt Nam chiến thắng giải công nghệ của Google

(Dân trí) - Bốn sinh viên của Trường ĐH Bách khoa - ĐH Quốc gia TPHCM là nhóm đầu tiên và duy nhất của Việt Nam giành chiến thắng giải Solution Challenge 2020 - giải công nghệ của Google trên toàn thế giới.

Bốn sinh viên Việt Nam chiến thắng giải công nghệ của Google - 1

Bốn sinh viên của Trường ĐH Bách khoa TPHCM chiến thắng tại giải thưởng công nghệ của Google

Bốn sinh viên này gồm: Võ Ngọc Khánh Linh, Trần Lâm Bảo Khang (cùng là sinh viên năm 2 khoa Quản lý Công nghiệp), Nguyễn Đăng Huy (năm 3 khoa Khoa học Máy tính) và Nguyễn Thành Nhân (năm 2 khoa Khoa học Máy tính) vừa nhận tin từ Google, sản phẩm dự thi của nhóm đã xuất sắc trở thành 1 trong 10 đội chiến thắng Solution Challenge 2020 trên toàn thế giới.

Cuộc thi này thu hút hơn 800 trường đại học của trên 60 quốc gia đến từ khắp nơi trên thế giới. Vượt qua hàng trăm dự án, sinh viên Trường ĐH Bách khoa TPHCM đã xuất sắc trở thành 1 trong 10 đội chiến thắng của cuộc thi năm nay, cùng với các đội đến từ 9 trường đại học ở các quốc gia và vùng lãnh thổ khác: Mỹ, Đức, Hàn Quốc, Indonesia, Pakistan, Hong Kong, Zimbabwe, Ấn Độ, Ghana.

Solution Challenge là cuộc thi thường niên do cộng đồng Developer Student Clubs tổ chức với mong muốn cùng các bạn sinh viên phát triển, tìm ra giải pháp giải quyết các vấn đề của cộng đồng địa phương bằng cách sử dụng một hoặc nhiều sản phẩm hoặc nền tảng của Google. Cuộc thi không chỉ tìm kiếm những đề tài công nghệ tiên tiến nhất, mà còn nhấn mạnh vào sức ảnh hưởng đến xã hội cũng như khả năng mở rộng phạm vi trong tương lai. Mỗi giải pháp sẽ được chấm trên thang điểm 100, dựa trên ba tiêu chí: Tác động (50%), Công nghệ (40%), Khả năng mở rộng (10%).

Bốn sinh viên Việt Nam chiến thắng giải công nghệ của Google - 2

Thông báo của Google về top 10 đội chiến thắng tại giải Solution Challenge 2020 trong đó có đại diện của Việt Nam

Giải pháp các đội top 10 mang đến rất linh hoạt, đa dạng và thông minh, ví dụ như ứng dụng WorthyWalk của Pakistan cung cấp cho người dùng nền tảng để đạt được các mục tiêu về sức khỏe bằng cách đi bộ, chạy hoặc đạp xe; ứng dụng Free-Speak đến từ nhóm sinh viên Đức là phần mềm sử dụng các công cụ phân tích video và âm thanh và máy học hiện đại để phân tích các bài thuyết trình, đưa ra phản hồi và lời khuyên, tư vấn chi tiết cho người dùng nâng cao chất lượng thuyết trình của mình tựa như một huấn luyện viên ảo; ứng dụng SIMHAE của Hàn Quốc giúp con người chia sẻ, tâm sự và thông cảm với nhau, giảm bớt số ca tự tử ở một số nơi nhờ sự chia sẻ và đoàn kết của con người.

Đặc biệt, ứng dụng “Shareapy” của Việt Nam - đến từ sinh viên trường ĐH Bách khoa - ĐH Quốc gia TP.HCM là một ứng dụng hết sức nhân văn, giúp kết nối con người, chia sẻ những vấn đề tương tự bất kể tuổi tác, giới tính, tôn giáo, tình trạng tài chính...

PGS.TS Phạm Trần Vũ - trưởng khoa Khoa học và Kỹ thuật Máy tính của Trường ĐH Bách khoa TPHCM cho biết rất tự hào về thành tích mà sinh viên trường đạt được. Theo ông Vũ, nhà trường luôn khuyến khích sinh viên tham gia các hoạt động ngoại khoá liên quan đến khoa học và công nghệ, đặc biệt là các cuộc thi có tính quốc tế cao. Việc tham dự các cuộc thi sẽ giúp các sinh viên mở rộng sự hiểu biết của mình ngoài những kiến thức được giảng dạy trong nhà trường.

Đối với các cuộc thi qui mô quốc tế như Google Solution Challenge, các sinh viên có cơ hội tiếp cận và vận dụng được những công nghệ mới nhất trong lĩnh vực công nghệ thông tin vào thực tiễn. Việc trường có đội tham dự đạt giải trong kỳ thi này thể hiện năng lực mang tầm quốc tế của sinh viên, đồng thời cũng cho thấy được sự đúng đắn của nhà trường trong việc xây dựng các chương trình đào tạo theo các chuẩn mực quốc tế.

Được biết, theo kế hoạch, 10 đội chiến thắng sẽ nhận được lời mời đến gặp gỡ, giao lưu với nhân viên của Google tại Sunnyvale, California (Mỹ) nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên bị hoãn lại. Tuy nhiên, các đội chiến thắng sẽ nhận được giấy chứng nhận, quà từ Google cũng như tham dự sự kiện ảo để giới thiệu sản phẩm của nhóm đến các thành viên Google trên toàn thế giới.

Lê Phương