"Bối rối" với môn Lịch sử: Đại biểu Quốc hội nói gì?

Mỹ Hà

(Dân trí) - Chỉ còn 3 tháng nữa là năm học mới bắt đầu, việc sửa môn Lịch sử trong bối cảnh này có phù hợp không hay "đẽo cày giữa đường"? Đó là những vấn đề chúng ta phải xem xét thật kỹ.

Trên đây là ý kiến của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn Đà Nẵng), Ủy viên Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, tại phiên họp toàn thể lần thứ 3 của Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội về việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với môn Lịch sử cấp THPT.

Theo quy định ở Chương trình giáo dục phổ thông 2018, bậc THPT là giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp. Từ lớp 10, học sinh sẽ học các môn bắt buộc gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; Nội dung giáo dục địa phương.

Ngoài các môn học bắt buộc, học sinh sẽ lựa chọn 5 môn học từ 3 nhóm cụ thể: Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật); Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học); Công nghệ và nghệ thuật (Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật).

Các trường có thể xây dựng các tổ hợp môn học từ 3 nhóm môn học và chuyên đề học tập để đáp ứng nhu cầu người học vừa đảm bảo phù hợp điều kiện đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của các nhà trường.

Không chỉ sửa từ "lựa chọn" thành "bắt buộc" là xong

Theo đại biểu Thúy, bà đồng tình khi cho rằng phải thay đổi nội dung, phương pháp dạy học môn Lịch sử để tạo sự yêu thích, hứng thú cho học sinh khi học môn học này.

Tuy nhiên, không phải vì học sinh không yêu thích mà bắt buộc các em phải học môn lịch sử khi đã lên đến cấp THPT.

Bối rối với môn Lịch sử: Đại biểu Quốc hội nói gì? - 1

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn Đà Nẵng) (Ảnh:T.L).

Việc xây dựng và ban hành Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã mất nhiều năm chuẩn bị và thực hiện. Do đó, đại biểu này cho rằng, việc sửa môn Lịch sử thành bắt buộc không đơn giản như gõ bàn phím, thay từ "lựa chọn" thành "bắt buộc" là xong".

Cũng theo đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy, nếu sửa chương trình môn Lịch sử thành bắt buộc ở cấp THPT thì phải sửa cả chương trình môn học này ở cấp THCS vì hiện nay chương trình phân môn Lịch sử ở cấp học này đã đưa toàn bộ những nội dung nhằm trang bị cho học sinh những kiến thức phổ thông, cơ bản, cốt lõi về lịch sử Việt Nam và thế giới.

Nếu bắt buộc ở cấp THPT, phải hiểu dạy học bắt buộc là đại trà. Do vậy, nếu đưa chương trình môn Lịch sử vốn được thiết kế, biên soạn theo hướng lựa chọn, phân hóa, "nâng cao" ở cấp THPT để bắt tất cả học sinh học là hoàn toàn không phù hợp.

"Hiện chỉ còn 3 tháng nữa là năm học mới bắt đầu, đây cũng là năm đầu tiên đổi mới dạy học theo hướng lựa chọn với lớp 10, trong đó có môn Lịch sử. Vì thế, sửa vào bối cảnh này có phù hợp không hay là "đẽo cày giữa đường"? bà Thúy đặt câu hỏi.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương cũng băn khoăn với quy định môn học Lịch sử là môn lựa chọn, không phải là môn bắt buộc.

Đại biểu cho rằng, "Khi đưa Lịch sử vào môn học tự chọn, có nghĩa là tất cả mọi người đều hiểu là có thể chọn và có thể không. Học sinh cảm thấy cần thiết thì chọn.

Khi chúng ta đưa bộ môn Lịch sử vào môn tự chọn tôi e rằng, cách nhìn nhận đánh giá của học sinh và của xã hội về bộ môn lịch sử đã có sự khác nhau rồi. Nghĩa là không cần thiết thì thôi, nhưng giáo dục lịch sử không bao giờ là không cần thiết".

Bối rối với môn Lịch sử: Đại biểu Quốc hội nói gì? - 2

Ông Lưu Bình Nhưỡng, đại biểu Quốc hội khóa XIV (Ảnh: T.L).

Đánh giá đúng về môn Lịch sử

Trao đổi với PV Dân trí, ông Lưu Bình Nhưỡng, đại biểu Quốc hội khóa XIV cho biết, ông đã tham gia góp ý liên quan đến môn Lịch sử, sao cho thứ nhất tuân thủ đường lối, chính sách pháp luật; thứ hai, bám sát đòi hỏi thực tiễn của cuộc sống, làm sao chống được lợi ích nhóm trong quá trình biên soạn sách giáo khoa.

"Hiện nhiều người muốn đưa môn Lịch sử vào môn bắt buộc và quan điểm của bản thân tôi cũng mong muốn đưa môn Lịch sử thành môn bắt buộc. Tuy nhiên, trước khi xem xét nó ở khía cạnh bắt buộc hay không, cần có cách hiểu đúng về môn học này", ông Lưu Bình Nhưỡng cho hay.

Theo quan điểm của đại biểu này, chúng ta không nên đánh đồng giữa lịch sử dân tộc với môn Lịch sử nhưng phải làm sao để môn Lịch sử thực sự góp phần vào việc gìn giữ lòng tự hào dân tộc, không nên câu nệ giữa môn thi hay không thi, môn bắt buộc hay không bắt buộc.

"Sở dĩ có nhiều tranh cãi bởi một số người lo ngại, học sinh sẽ không chọn môn Lịch sử vì coi đấy là môn học thuộc, khó tìm việc làm hoặc không kinh tế sau khi ra trường nhưng nhiều người đang hiểu sai về môn học rất quan trọng.

Thực chất Lịch sử là môn khoa học lớn, được sử dụng trong nhiều lĩnh vực kể cả kinh tế, chính trị, văn hóa.

Chính vì cách hiểu như vậy, nên nhiều người muốn đưa nó vào môn bắt buộc. Vì vậy, tôi cho rằng những môn học được xem là phương tiện, không phải để "hành nghề", cần được đánh giá sao cho phù hợp", ông Lưu Bình Nhưỡng nói.

Trong chương trình phổ thông mới, Bộ GD-ĐT sắp xếp, cân đối thời gian, thời lượng, nội dung cho môn Lịch sử như sau:

Ở cấp học THCS - giai đoạn giáo dục cơ bản, nội dung Chương trình phân môn Lịch sử được bố trí dạy ở tất cả các lớp (từ lớp 6 đến lớp 9). Nội dung Chương trình phổ thông phân môn Lịch sử trang bị cho học sinh những kiến thức phổ thông, cơ bản, cốt lõi của toàn bộ lịch sử thế giới, lịch sử Việt Nam từ nguyên thủy đến cổ đại, trung đại, cận đại và hiện đại. Ở giai đoạn giáo dục cơ bản, trong toàn cấp THCS, tất cả học sinh đều được học lịch sử dân tộc Việt Nam đầy đủ, toàn diện.

Cấp THPT - giai đoạn định hướng nghề nghiệp, môn Lịch sử được bố trí là một môn trong tổ hợp xã hội. Các chuyên đề, chủ đề của môn Lịch sử cấp THPT là những nội dung chuyên sâu, giúp học sinh hiểu sâu sắc hơn các nội dung cơ bản ở cấp THCS.

Giai đoạn này, học sinh bắt buộc phải học 5 môn lựa chọn trong 3 tổ hợp. Học sinh nào chọn tổ hợp xã hội đã có môn Lịch sử. Học sinh chọn tổ hợp tự nhiên vẫn phải chọn một môn trong tổ hợp xã hội có môn Lịch sử (học sinh hoàn toàn có thể chọn môn Lịch sử nếu thấy môn này cần thiết cho bản thân hoặc cần thiết để phục vụ định hướng nghề nghiệp mà học sinh lựa chọn). 

Bên cạnh đó, trong Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể còn dành 20% thời lượng cho Chương trình địa phương - do các địa phương tự biên soạn đưa vào giảng dạy theo quy định. Các nội dung Lịch sử địa phương tiếp tục được đưa vào giảng dạy bắt buộc ở tất cả các lớp từ lớp 6 đến lớp 12.