Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: “Công nghệ tạo đột phá quan trọng trong đổi mới giáo dục”

(Dân trí) - Công nghệ giáo dục đang xóa dần khoảng cách vùng miền, quốc gia trong tiếp cận giáo dục, giúp mọi người dễ dàng học tập mọi lúc, mọi nơi theo điều kiện, sở thích và mong muốn. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin sẽ tạo nên những đột phá quan trọng trong triển khai đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh điều này khi phát biểu khai mạc Triển lãm quốc tế về công nghệ giáo dục - Bess 2019 diễn ra sáng nay tại TPHCM.

Ứng dụng công nghệ sẽ tạo những đột phá quan trọng trong đổi mới giáo dục

Theo Bộ trưởng, sự phát triển của công nghệ ngày càng có những tác động đến ngành Giáo dục theo hướng tích cực.

“Ngày nay, chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp một học sinh ở vùng sâu vùng xa được tiếp cận với những bài giảng của giáo viên ở thành thị; hay một sinh viên đang học tập ở Việt Nam có thể được nghe trực tiếp bài giảng của những giáo sư từ các trường đại học danh tiếng trên thế giới thông qua mạng internet. Một tiết học cũng trở nên phong phú, sinh động, hấp dẫn, tạo hứng thú hơn với người học bởi những phần mềm mô phỏng, các thí nghiệm ảo, phần mềm dạy học, nội dung số…”, ông Nhạ dẫn chứng.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: “Công nghệ tạo đột phá quan trọng trong đổi mới giáo dục” - 1

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu khai mạc Triển lãm Công nghệ giáo dục quốc tế BESS 2019

 

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh: “Công nghệ giáo dục đang xóa dần khoảng cách vùng miền, quốc gia trong tiếp cận giáo dục, giúp mọi người dễ dàng học tập mọi lúc, mọi nơi, học tập theo điều kiện, sở thích và mong muốn. Công nghệ cũng giúp việc quản lý giáo dục khoa học và minh bạch hơn; các cơ sở dữ liệu ngành, công nghệ dữ liệu lớn (big data) giúp công tác dự báo chính xác hơn, việc ban hành và thực thi chính sách giáo dục hiệu quả hơn”.

Trước xu hướng phát triển ngày càng nhanh của công nghệ và trước yêu cầu của cuộc cách mạng 4.0, ông Nhạ khẳng định “ngành giáo dục nhận thức rằng, đẩy mạnh các hoạt động dạy và học ngoại ngữ (đặc biệt là tiếng Anh) và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) sẽ tạo nên những đột phá quan trọng trong triển khai đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo”.

80% trường học đã áp dụng phần mềm quản lý trực tuyến

Cũng theo lãnh đạo ngành Giáo dục, từ năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Đề án “Tăng cường ứng dụng CNTTtrong quản lý và hỗ trợ các hoạt động dạy - học, nghiên cứu khoa học góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025”, đây là một trong những giải pháp trong Chương trình hành động của Chính phủ nhằm triển khai đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, làm cơ sở pháp lý quan trọng để các bộ ngành, địa phương ưu tiên đầu tư ứng dụng CNTT trong giáo dục và đào tạo có hiệu quả. 

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: “Công nghệ tạo đột phá quan trọng trong đổi mới giáo dục” - 2

Lãnh đạo bộ GD-ĐT cho biết, ngành giáo dục đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để tạo đột phá trong triển khai đổi mới căn bản toàn diện giáo dục

Thành quả đạt được đến nay, toàn ngành đã xây dựng được cơ sở dữ liệu lưu trữ thông tin chi tiết của gần 52.000 trường mầm non và phổ thông với hơn 1,5 triệu giáo viên, 24 triệu học sinh. “Đây là kho dữ liệu lớn rất tin cậy phục vụ công tác quy hoạch và quản lý ngành”, ông Nhạ khẳng định.

Bên cạnh đó, 80% trường học đã áp dụng phần mềm quản lý nhà trường trực tuyến. Bộ GD-ĐT đã triển khai thành công hệ thống quản lý hành chính điện tử (e-office) và kết nối quản lý tới 63 Sở GD-ĐT và hơn 300 cơ sở đào tạo; cổng dịch vụ công trực tuyến được đưa vào sử dụng với 20 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4.

Chia sẻ tiếp, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết: “Ngành Giáo dục cũng đang tích cực tham gia xây dựng Hệ Tri thức Việt số hóa của Chính phủ, qua đó hơn 5.000 bài giảng trong chương trình giáo dục phổ thông đã được số hóa dưới dạng thức e-learning và cung cấp trực tuyến. Ngân hàng trắc nghiệm trực tuyến xây dựng, hệ thống luận văn, luận án được số hóa; xây dựng kho học liệu số phục vụ dạy học được xây dựng chính từ sự đóng góp và chia sẻ của giáo viên trên toàn quốc.

Đặc biệt, Bộ GD-ĐT đã ban hành chính sách đào tạo đặc thù về nguồn nhân lực công nghệ thông tin đảm bảo phát triển mạnh cả về số lương và chất lượng. Môn Tin học đã được đưa vào giảng dạy từ lớp 3 trong chương trình giáo dục phổ thông. Thông qua việc bồi dưỡng giáo viên sử dụng thành thạo CNTT, đến nay hơn 60% giáo viên có thể ứng dụng được CNTT trong dạy học, trong đó 22% giáo viên có thể tự soạn được bài giảng e-learning trực tuyến”.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: “Công nghệ tạo đột phá quan trọng trong đổi mới giáo dục” - 3

Các học sinh tham gia trải nghiệm các công nghệ tại triển lãm diễn ra sáng ngày 5/3

Cũng theo Bộ trưởng, thời gian tới, ngành Giáo dục sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp cụ thể để đẩy mạnh áp dụng công nghệ tiên tiến vào giáo dục đào tạo. Đây sẽ là một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục.

Tập trung rà soát và ban hành các chính sách để tạo hành lang pháp lý để triển khai có hiệu quả các mô hình trường học điện tử, lớp học thông minh, sổ điểm, học bạ điện tử, học điện tử (e-learning). Bộ GD-ĐT cũng sẽ tăng cường các giải pháp nhằm thúc đẩy hợp tác và chuyển giao công nghệ giáo dục với các đối tác trong và ngoài nước, nhằm tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục được tiếp cận với công nghệ giáo dục mới, tiên tiến, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học. 

Triển lãm công nghệ giáo dục quốc tế BESS Vietnam 2019 diễn ra trong hai ngày 5-6/3 tại TPHCM là sự kiện đầu tiên Hiệp hội các nhà cung cấp công nghệ giáo dục Anh Quốc (BESA) và Cục Công nghệ thông tin và Cục Hợp tác quốc tế (Bộ GD-ĐT) tổ chức tại Việt Nam. Triển lãm thu hút gần 60 doanh nghiệp công nghệ giáo dục trong và ngoài nước tham gia, trong đó có 30 doanh nghiệp đến từ Anh quốc, Israel, Singapore… mang đến những sản phẩm và dịch vụ công nghệ giáo dục hàng đầu thế giới.

 

Đây là dịp mở ra nhiều cơ hội hợp tác giữa các đối tác trong và ngoài nước khi Bộ GD-ĐT đang đẩy mạnh triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới.

 

Bên cạnh việc trưng bày, giới thiệu sản phẩm, trình diễn các mô hình công nghệ giáo dục hiện đại ứng dụng vào giáo dục, triển lãm còn có một chuỗi các hội thảo chuyên đề với chủ đề: Ứng dụng công nghệ trong đổi mới nội dung, phương pháp dạy - học, kiểm tra đánh giá, đào tạo và bồi dưỡng giáo viên; Ứng dụng công nghệ trong quản lý và triển khai chính phủ điện tử ngành giáo dục và đào tạo; Ứng dụng công nghệ trong dạy và học ngoại ngữ; Khởi nghiệp sáng tạo, STEAM và trải nghiệm các công nghệ.

Lê Phương