Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Cần thực hiện tốt 5 nhóm vấn đề trong năm học mới

(Dân trí) - Đó là đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Phùng Xuân Nhạ tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa và ngành giáo dục địa phương này vào sáng ngày 28/8.

Cụ thể, Bộ trưởng lưu ý ngành giáo dục Thanh Hóa cần thực hiện tốt 5 nhóm vấn đề trong năm học mới 2019-2020, như: Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất cho các nhà trường, tập trung vào vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa; chủ động phối hợp với Sở Nội vụ để tuyển dụng giáo viên theo quy định; khuyến khích thực hiện xã hội hóa trên tinh thần tự nguyện và phải được thực hiện công khai, minh bạch.

Báo cáo tại buổi làm việc, bà Phạm Thị Hằng, Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa cho biết, năm học 2018 - 2019, địa phương này có 2.106 trường học; tổng số học sinh là 824.666, tăng hơn 20.000 học sinh so với năm học trước.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Cần thực hiện tốt 5 nhóm vấn đề trong năm học mới - 1
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa.

Về đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên cơ bản ổn định. Toàn tỉnh có 50.031 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Tuy nhiên, so với quy định, ngành giáo dục Thanh Hóa còn thiếu 2.783 giáo viên mầm non, 1.753 giáo viên tiểu học, dư 948 giáo viên THCS, khối THPT thiếu 280 giáo viên và hơn 200 nhân viên hành chính.

Đặc biệt, trong năm học 2018 - 2019, ngành giáo dục Thanh Hóa chịu ảnh hưởng nặng nề bởi mưa lũ. Sở GD&ĐT đã phối hợp với các địa phương, đơn vị tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị, trường học khắc phục hậu quả do mưa, lũ gây ra tại các huyện miền núi vào những ngày đầu năm học với nguồn kinh phí hỗ trợ gần 100 tỷ đồng để các nhà trường sớm ổn định giảng dạy.

Về chất lượng giáo dục toàn diện được duy trì. Tháng 7/2019, Thanh Hóa được Bộ GD&ĐT có quyết định công nhận tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3 (mức độ cao nhất hiện nay).

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Cần thực hiện tốt 5 nhóm vấn đề trong năm học mới - 2
Bà Phạm Thị Hằng, Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa báo cáo tại buổi làm việc.

Điểm thi bình quân trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 của tỉnh Thanh Hóa nằm trong tốp trung bình cả nước, song có nhiều học sinh đạt từ 27 điểm trở lên (tổng điểm 3 môn xét tuyển vào đại học), trong đó có học sinh đỗ thủ khoa dẫn đầu cả nước.  

Đặc biệt, chất lượng giáo dục mũi nhọn liên tục trong tốp đầu cả nước về thành tích thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế. Thi học sinh giỏi quốc gia có 65 học sinh đạt giải; thi khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đoạt 1 huy chương Đồng (môn Vật lý); thi Olympic quốc tế, đoạt 3 Huy chương Vàng (môn Lý, Hóa, Tin học), 1 huy chương Bạc (môn Sinh).

Ngoài ra, ngành giáo dục Thanh Hóa quan tâm đẩy mạnh phong trào xã hội hóa giáo dục, công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập; thực hiện có hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho giáo dục thông qua công tác xã hội hóa giáo dục, công tác khuyến học, khuyến tài, thu hút đầu tư phát triển giáo dục.

Từ năm 2017 đến nay có 20 dự án được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt đầu tư, gồm: Bậc học mầm non 14 dự án; cấp phổ thông 6 dự án với tổng mức đăng ký đầu tư gần 3.000 tỷ đồng. Trong năm học, ngành giáo dục Thanh Hóa đã phối hợp với Hội Khuyến học tỉnh, các cơ quan thông tin truyền thông tổ chức kêu gọi xây dựng quỹ và trao thưởng hàng chục tỷ đồng cho học sinh đạt giải quốc gia, quốc tế, học sinh đạt giải nhất cấp tỉnh các môn văn hóa, học sinh đạt điểm cao trong kỳ thi THPT quốc gia; học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn vươn lên học giỏi...

Bên cạnh những kết quả đạt được thì tiến độ sắp xếp lại trường học ở một số địa phương còn chậm, chưa đảm bảo lộ trình, kế hoạch của tỉnh; chất lượng giáo dục tuy được nâng lên song chưa đồng đều ở các vùng miền trong tỉnh, nhất là các trường học khu vực vùng cao biên giới, vùng bãi ngang ven biển, khu vực nông thôn chất lượng còn thấp so với yêu cầu; chất lượng giảng dạy môn tiếng Anh tuy có chuyển biến, tiến bộ song còn chậm; đội ngũ nhà giáo vừa thừa, vừa thiếu, chưa đồng bộ về cơ cấu bộ môn...

Cũng theo bà Phạm Thị Hằng, để chuẩn bị cho năm học mới, Sở đã chỉ đạo các đơn vị, trường học huy động các lực lượng tham gia khắc phục hậu quả mưa lũ. Đối với các trường học bị hư hỏng, thiếu phòng học, sẽ tổ chức học 2 ca/ngày...

Tại buổi làm việc, một số kiến nghị được đưa ra như vấn đề cần đơn giản hóa thủ tục hành chính như chuyển trường cho học sinh thì không cần phải đến làm thủ tục tại trung tâm hành chính công; vấn đề định biên giáo viên, dạy thêm phải được thu tiền để giáo viên có thêm thu nhập; tình trạng thiếu giáo viên tiểu học ở bậc tiểu học, bình quân học sinh trên lớp quá quy định....

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đánh giá cao sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền tỉnh Thanh Hóa trong điều kiện của địa phương, nhất là các huyện miền núi vẫn còn nhiều khó khăn nhưng địa phương đã quan tâm phát triển sự nghiệp giáo dục.

Đối với những kiến nghị, đề xuất của Thanh Hóa, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng đã phân tích, làm rõ, đặc biệt là việc xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị dạy học; việc giao biên chế cho các cơ sở giáo dục, thực hiện tự chủ trong các cơ sở giáo dục.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Cần thực hiện tốt 5 nhóm vấn đề trong năm học mới - 3
Ngành giáo dục Thanh Hóa bị thiệt hại nặng nề do mưa lũ trong năm học vừa qua.

Đồng thời, Bộ trưởng lưu ý, tuyệt đối không được lạm thu trong trường học; đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của những người làm công tác giáo dục; không ngừng nâng cao giáo dục đạo đức, kỹ năng mềm, giáo dục toàn diện cho học sinh…

Về phía lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa, ông Phạm Đăng Quyền, Phó Chủ tịch UBND khẳng định sẽ tập trung thực hiện những vấn đề đối với ngành giáo dục theo quy định. Cũng theo ông Quyền, mới đây, trung ương cũng đã đồng ý cho tỉnh Thanh Hóa tuyển dụng thêm 3.000 giáo viên mầm non.

Duy Tuyên