“Bó tay” trước nạn bạo hành học trò?

(Dân trí) - Đối với tất cả hành vi bạo hành học trò bị phát hiện, các thầy, cô vi phạm đều ngay lập tức bị đình chỉ việc đứng lớp, hoặc tạm thời hoặc vĩnh viễn. Nhưng, dù xử lý kiên quyết thì các vụ việc vi phạm vẫn không ngừng tái diễn.

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, trong thời gian vừa qua, có khoảng gần 20 vụ bạo hành học sinh đã xảy ra liên tiếp tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước.10 địa phương xảy ra các vụ điển hình là Hà Nội có 5 vụ, TPHCM 3 vụ, Đồng Tháp 2 vụ, Thanh Hoá 2 vụ, Hải Phòng, Nghệ An, Vĩnh Phúc, Trà Vinh, Kon Tum, Đắc Lắc mỗi nơi có 1 vụ.

Đây không phải là lần đầu tiên các vụ bạo hành nở rộ trong ngành giáo dục mà chỉ cách đây khoảng 6, 7 tháng cũng đã có lần “nở rộ” kiểu như lần này.

Non yếu + Bất lực = Đánh học trò?

Tuy nhiên, theo Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo (Bộ GD-ĐT)Trương Đình Mậu thì: “Không thể nói là các vụ việc vi phạm gần đây mới nở rộ. Do hiện nay, khi báo chí và các loại hình thông tin mạng phát triển, dân trí được nâng lên, nên số vụ bạo hành “được” phát hiện nhiều hơn.

Tình trạng này xuất phát từ nhiều nguyên nhân như: vai trò của gia đình, cách thức đào tạo và tuyển dụng nhà giáo những năm trước đây có vấn đề, quá tải ở các lớp học… Một phần các vụ bạo hành xuất phát từ nguyên nhân sự thiếu chăm nom từ gia đình đã “khoán trắng” cho nhà trường”.

Cũng theo ông Mậu thì đứng về góc độ cơ quan quản lý giáo dục, xảy ra các vụ bạo hành của giáo viên với học sinh (kể cả giáo viên đạt chuẩn cũng bạo hành với học sinh) là vì trình độ của giáo viên vẫn còn non yếu và tỏ bất lực trong việc giáo dục.

Giải thích này của ông Mậu chưa thật thoả đáng. Bởi lẽ, cứ non yếu và bất lực trong việc giáo dục là xuống tay với học trò? Vấn đề ở đây không phải là non yếu và bất lực mà là cái Tâm của mỗi người thầy.

Chẳng hạn như trong sự việc cô giáo Trường Tiểu học Trưng Vương (Hà Nội) tát cô bé học trò lớp 3 chỉ vì cô bé đó không viết hoa đầu dòng. Nếu một cái tát chỉ vì cảm thấy bất lực khi nhắc một vài lần mà cháu bé vẫn không nghe thì không đến mức, sau 10 tiếng đồng hồ, năm đầu ngón tay của cô giáo vẫn hằn trên má của cháu bé.

Đây cũng là một cô giáo được Hiệu trưởng nhận xét là giáo viên dạy giỏi của trường. Cô giáo này cũng có con còn nhỏ. Cộng cả hai điều này để nhìn nhận thì càng thấy vi phạm của cô giáo thực sự đã đi lạc với truyền thống hướng thiện vốn rất tốt đẹp của người dân Việt Nam. Là một người bình thường đã khó thể chấp nhận được hành vi đó, huống hồ đó lại là một cô giáo.

Vì sao nạn bạo hành học trò luôn tái diễn?

Mặc dù hiện nay đang tồn tại ít nhất 7 văn bản liên quan đến các quy định về đạo đức nhà giáo cũng như biện pháp xử lý vi phạm, nhưng có vẻ như ngành giáo dục luôn trong tình trạng thụ động với tiêu cực.

Các hình thức xử lý kỷ luật giáo viên vi phạm đạo đức thường không được xử lý theo quy định “cứng” nào mà chủ yếu xử lý theo hình thức “nóng”. Chẳng hạn như vụ việc xử lý vi phạm của một cô giáo ở tỉnh N, nhà trường luôn lúng túng, thậm chí Ban giám hiệu đã nhiều lần phải gọi cho báo chí để hỏi: “Nên xử lý hình thức kỷ luật thế nào cho thích hợp?”

Sự lúng túng này cũng là điều dễ hiểu khi văn bản, quy định của Bộ ban hành luôn “chậm chân” sau tiêu cực khi đến tận thời điểm này, chuẩn nghề nghiệp của giáo viên vẫn chưa được hoàn thành. Theo dự tính, phải đến năm 2008 mới có chuẩn nghề nghiệp của giáo viên THCS, chuẩn nghề nghiệp giáo viên THPT và năm 2009 là chuẩn nghề nghiệp giáo viên mầm non.

Tuy nhiên, kể cả khi các chuẩn giáo viên được ban hành thì tình hình bạo hành học sinh liệu cũng có được cải thiện? Vì, theo như GS Phạm Đỗ Nhật Tiến: “Trong quá trình xây dựng Luật Giáo dục ở nước ta, vấn đề quy định về sư đức cũng đã từng được đưa ra bàn thảo. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng đạo đức giáo viên là một phạm trù được điều chỉnh bởi quy ước xã hội chứ không phải luật pháp Nhà nước.

Vì vậy, đến nay, trong các văn bản pháp quy của ta, vấn đề sư đức chỉ được quy định một cách chung nhất, mang tính hình thức, không có giá trị pháp lý trong việc điều chỉnh cách ứng xử và đạo đức nghề nghiệp của giáo viên”.

“Đánh thức” chữ Tâm

Trước nạn baọ hành học sinh, ngành giáo dục đã thành thật nhận lỗi về phần mình: Cho đến nay, ngành giáo dục vẫn chưa có hệ thống tư vấn tâm lý cho học sinh trong nhà trường, khâu tuyển chọn giáo viên của một số cơ sở chưa chặt chẽ...

Sau khi nhận lỗi, Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo Trương Đình Mậu đã đưa ra một số giải pháp như: Xử lý kịp thời với những vụ việc đã xảy ra, tổ chức thanh tra các cơ sở giáo dục ngoài công lập, rà soát số giáo viên ngoài biên chế và kiên quyết chấm dứt hợp đồng với những giáo viên không đạt tiêu chuẩn.

Đối với bậc học mầm non, chỉ cơ sở đáp ứng được yêu cầu chăm sóc và đảm bảo an toàn cho trẻ mới được cấp phép và hoạt động; nơi nào chưa đảm bảo các điều kiện an toàn đề nghị không cấp phép hoặc thu hồi giấy phép. Khi bổ sung đầy đủ yêu cầu đảm bảo an toàn cho trẻ mới cho phép hoạt động tiếp...

Nhưng, để chấm dứt được nạn bạo hành học trò thì tất cả những giải pháp đó chỉ mang tính hỗ trợ chứ không có tính quyết định. Ví dụ, ngành giáo dục có thể tuyển chọn giáo viên rất chặt nhưng như trong số những giáo viên vi phạm đạo đức ở các vụ bạo hành kể trên, vẫn có những giáo viên đạt chuẩn, thậm chí là giáo viên giỏi.

Có lẽ, bên cạnh việc “Nói không với vi phạm đạo đức nhà giáo” thì ngành giáo dục nên tìm ra một giải pháp quyết liệt để “đánh thức” chữ tâm trong mỗi người thầy.

Mai Minh