“Bộ sưu tập” giải thưởng của cô giáo tương lai người Tày

(Dân trí) - Nông Thị Thúy sinh viên năm 3 chuyên ngành Lịch sử, trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã sở hữu cho riêng mình bảng thành tích học tập đáng nể và nhiều giải thưởng, được tuyển thẳng vào trường đại học. Nhưng ít ai biết rằng, đằng sau những giải thưởng này là những giọt nước mắt của cô gái nhà nghèo.

“Bộ sưu tập” giải thưởng của cô giáo tương lai người Tày - 1

Sinh viên Nông Thị Thúy

Quyết tâm học giỏi vì bố mẹ và anh trai

Thúy là con út trong gia đình người dân tộc Tày ở bản Viện, xã Đức Long, huyện Thạch An (Cao Bằng). Nhà nghèo, đông anh em nên ngay từ nhỏ Thúy đã nỗ lực vươn lên trở thành một học sinh xuất sắc. Rồi thành một cô sinh viên ưu tú, luôn dẫn đầu trong phong trào học tập của trường, của lớp.

Khi tôi hỏi, động lực nào để Thúy có được thành tích như ngày hôm nay? Thúy bùi ngùi, áy náy, em kể: “Lúc em thi đậu vào trường chuyên trung học phổ thông cũng là lúc anh trai Nông Văn Mút nhận được giấy báo đỗ đại học. Nhà nghèo nên anh đã nói dối gia đình thi trượt, ở nhà đi kiếm việc làm lấy tiền phụ giúp bố mẹ nuôi cô em. Mãi sau này vào nhập học rồi em mới biết chuyện”.

Thương anh, Thúy đã miệt mài học tập, đặt ra quyết tâm phải học thật giỏi để không phụ lòng mong đợi của anh. Đáp lại sự hi sinh của anh, sự vất vả của bố mẹ, suốt 12 năm liền Thúy luôn đạt được những thành tích xuất sắc: 12 năm liền đạt học sinh giỏi; giành giải 3 giải Toán trên máy tính cầm tay, giải nhất môn Lịch sử cấp tỉnh. 3 năm học trung học phổ thông, Thúy có mặt trong đội tuyển của tỉnh Cao Bằng tham dự các kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia và được nhiều thưởng lớn như: giải Khuyến khích môn Lịch sử cấp quốc gia năm lớp 11, giải Nhì cấp quốc gia môn Lịch sử năm lớp 12 và được nhận học bổng Odon Vallet của Tiến sĩ khoa học người Pháp Odon.

Chia sẻ với tôi, Thúy bảo: “Trước em thích học Toán, nhưng khi lớn lên em lại mê môn Lịch Sử. Người truyền lửa cho em chính là thầy Lục Thế Vân, giáo viên dạy em thời trung học. Học Lịch sử em hiểu và trân trọng tình yêu quê hương, đất nước; thấu hiểu những đớn đau, hi sinh của cha ông”.

Vượt qua quãng đường hơn 300km từ nhà đến trường, Thúy đã không phụ lòng gia đình khi tiếp tục ẵm về những thành tích đáng tự hào trong 2 năm học đại học vừa qua: được nhận giấy khen của Hiệu trưởng về xếp loại sinh viên xuất sắc; nhận giấy khen của Đoàn trường vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác Đoàn; là Chủ nhiệm CLB sinh viên rèn luyện Nghiệp vụ sư phạm của khoa Lịch Sử; nhận học bổng trong 4 kỳ học vừa qua...

 

“Bộ sưu tập” giải thưởng của cô giáo tương lai người Tày - 2

Sinh viên Nông Thị Thúy trong điệu múa chào mừng khai giảng năm học mới

Mong muốn các em nhỏ ở quê đều biết chữ

Nói về những dự định của tương lai Thúy hào hứng kể: “Em đặt mục tiêu sau này ra trường với tấm bằng giỏi để đáp lại sự vất vả, kỳ vọng của cha mẹ, thầy cô, bạn bè. Rồi xin chuyển công tác về quê, về mảnh đất thân yêu nơi đã nuôi lớn, bao bọc em. Em muốn tất cả các em nhỏ quê em đều biết chữ, được đến trường”.

Ngoài việc học trên lớp, Thúy còn tham gia rất nhiều các hoạt động văn nghệ, thể thao của trường, của lớp. Bạn Nguyễn Thị Phương Anh, khoa Văn, cùng phòng với Thúy cho biết: “Thúy là người dễ gần, hòa đồng, chịu khó, hay giúp đỡ mọi người. Một trong những cây văn nghệ nổi trội của lớp, của khoa”.

Một trong những động lực tinh thần lớn nhất giúp em đạt được kết quả như ngày hôm nay chính là nhờ thầy giáo Nguyễn Mạnh Hưởng. Thúy kể, thầy luôn động viên, giải đáp mọi thắc mắc, câu hỏi khó của sinh viên, sẵn sàng cho em mượn các tài liệu để phục vụ môn học.

Một vinh dự nữa đến với em, khi Thúy được diện kiến Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, được tham dự và được Ủy ban dân tộc tặng bằng khen tại Lễ tuyên dương các học sinh giỏi người dân tộc thiểu số năm 2013. Đây cũng là một động lực lớn giúp Thúy quyết tâm theo đuổ đam mê. Chia sẻ về những kinh nghiệm học sử em cho hay, để học được môn sử phải niềm đam mê với nó. Ngoài học trên lớp thì cần phải lên thư viện, tự học, tìm tài liệu, ghi chép, xem video...

Tất cả những thành quả trên là bước đà để cô giáo tương lai Nông Thị Thúy đến gần hơn với nghề giáo, nghề “gieo chữ” thiêng liêng, cao quý. Thúy tâm sự: “Em sẽ trở thành một người thầy giỏi thực sự, trách nhiệm với nghề. Nhưng em vẫn còn nhiều khuyết điểm, để thực hiện được ước mơ đó, em cần phải hoàn thiện mình hơn...”.

Hạ Vũ