Bố mẹ mừng rớt nước mắt: “Con em có chỗ học lớp 1 rồi!”

Hoài Nam

(Dân trí) - Sau những ngày lo âu khi sắp tựu trường mà con vẫn không có chỗ học, nhiều phụ huynh ở Quận 12, TPHCM thở phào khi con có tên trong danh sách. Nhưng đi cùng niềm vui này là lo lắng sĩ số lớp quá cao.

Bố mẹ mừng rớt nước mắt: “Con em có chỗ học lớp 1 rồi!” - 1

Chị Đặng Thị Thanh thở phào khi con sẽ có chỗ đi học lớp 1 

Chia sẻ với PV Dân trí, chị Đặng Thị Thanh, ngụ Phường Tân Chánh Hiệp, Quận 12, TPHCM rối rít kể, chị vừa lên phường cập nhật lại danh sách vào lớp 1 cho con là cháu Nguyễn Minh Trí.

Sáng sớm 25/8, chị cùng rất nhiều phụ huynh đến UBND Phường được người phụ trách hướng dẫn lấy giấy báo từ tổ dân phố, chắc chắn sẽ có giấy báo trước ngày nhập học.

"Hiện tại, chưa biết cháu được phân bổ vào trường nào nhưng có chỗ để học là gia đình tôi mừng lắm rồi", người mẹ cho hay.

"Tôi cũng lưu ý với người thân, người quen nên cân nhắc, tính toán đến việc học của con từ sớm nếu có ý định chuyển về TPHCM sinh sống, lập nghiệp", anh Nguyễn Văn Tuấn cho biết.

Chị Thanh kể, hành trình làm hồ sơ cho con đi học lớp 1 của chị và không ít phụ huynh thời gian qua vô cùng gian nan, toàn gặp cảnh "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược".

Lên hỏi nơi này thì chỉ đến nơi kia, nơi khác thì bảo chờ, chờ đến ngày không thông báo kết quả, đến sát ngày tựu trường thì phía Phòng Giáo dục... nói đem con về quê học hoặc học trường tư. Cả gia đình ăn ngủ không yên, không biết phải thế nào. 

Lo lắng quá tải sĩ số 

"Sau khi cân nhắc, chúng tôi quyết định cho con theo học trường tư. Dù điều này nằm ngoài kế hoạch của gia đình cũng như thêm gánh nặng tài chính", anh Tuấn nói.Anh Nguyễn Văn Tuấn, ngụ ở Quận 12, TPHCM cho biết, gia đình anh cũng là trường hợp KT3 dưới 12 tháng, đến gần ngày con không có tên trong danh sách nhập học lớp 1. 

Bố mẹ mừng rớt nước mắt: “Con em có chỗ học lớp 1 rồi!” - 2

Nhiều địa bàn ở TPHCM bị áp lực rất lớn về sĩ số học sinh (Ảnh minh họa) 

Mới đây, anh biết quận sẽ bố trí nhận hết học sinh trên địa bàn bằng cách tăng sĩ số, giảm hai buổi. Chưa kịp mừng vì con sẽ được nhận học, vợ chồng anh lo lắng khi thấy sĩ số lớp học quá kinh khủng. Kế hoạch hiện tại đã là 50 học sinh/lớp, tăng nữa thì không biết thế nào. 

Chị Đặng Thị Thanh bày tỏ, phụ huynh vừa chủ quan, vừa bị động trong việc này. Danh sách trẻ trên địa bàn, quận đã cập nhật từ lâu, nắm được số lượng... nhưng đến sát ngày nhập học mới báo không có chỗ học thì phụ huynh xoay không kịp. Tình hình hay quyết định thế nào, cần thông báo sớm để phụ huynh có kế hoạch. 

Bố mẹ mừng rớt nước mắt: “Con em có chỗ học lớp 1 rồi!” - 3

Tốc độ xây dựng trường lớp ở TPHCM "đuổi không kịp" với tốc độ tăng dân số cơ học (Ảnh minh họa)

Về phía phụ huynh, nghe thông tin phổ cập, thành phố có đủ chỗ học cho học sinh, tâm lý cũng chủ quan. 

Người mẹ cũng lo lắng trước phương án quận tăng sĩ số lớp để tiếp nhận học sinh lớp, trong khi hiện tại đã là 50 học sinh/lớp. Theo chị Thanh, đây chỉ nên là phương án trước mắt để trẻ nhập học, còn sau đó cần mở rộng trường lớp để giảm tải. 

Tốc độ xây trường "đuối" trước tốc độ tăng dân số cơ học 

Đối với ba quận áp lực nhất, trong buổi làm việc với Đoàn đại biểu Quốc hội vào giữa tháng 7/2020, ông Lê Hoài Nam, Phó GĐ Sở GD&ĐT TPHCM cho biết, để thực hiện cuốn chiếu chương trình giáo dục phổ thông mới, từ nay đến 2025, Q. Bình Tân cần xây thêm 947 phòng học, Q. Tân Phú cần thêm 777 phòng học, Q.12 cần xây thêm 989 phòng học. 

Trước sự việc hàng ngàn học sinh ở quận 12 không có chỗ học lớp 1, mới đây TPHCM thống nhất phương án trước mắt là tăng sĩ số lớp, giảm tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày để tiếp nhận học sinh. 

Một số địa bàn ở TPHCM, tốc độ xây dựng trường lớp không theo kịp tốc độ tăng dân số cơ học. Nhiều nơi, tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày rất thấp, chỉ khoảng 30%, không đáp ứng được yêu cầu của chương trình mới. 

Về công tác đầu tư xây dựng trường lớp chuẩn bị cho khai giảng năm học mới 2020-2021 và các công trình dự kiến hoàn thành cuối năm 2020 là 90 dự án với trên 1.370 phòng học mới. Theo báo cáo của Sở GD&ĐT TPHCM, năm học này tăng thêm 54.000 học sinh ở tất cả các bậc học.

TPHCM hiện đạt 291 phòng học/10.000 dân số trong độ tuổi đi học (3-18 tuổi), gần đạt mốc 300 phòng học/10.000 dân số theo Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ Thành phố lần thứ X.

Tuy nhiên, không đồng đều ở các quận huyện, có nơi chỉ có 230 phòng học/10.000 dân, không đáp ứng được việc tổ chức cho học sinh học 2 buổi/ngày. 

Đề xuất hỗ trợ học phí cho học sinh ngoài công lập

Tại buổi làm việc về tình hình tuyển sinh đầu cấp năm học 2020-2021 ngày 24/8, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TPHCM đề nghị Sở GD&ĐT TPHCM chủ trì, tham mưu UBND TPHCM phương án, kế hoạch hỗ trợ học phí cho học sinh tiểu học khối ngoài công lập. Căn cứ theo Luật Giáo dục và dựa trên nguồn lực thực tế của thành phố, xem xét cụ thể đối tượng, hình thức và định mức hỗ trợ phù hợp.

Đại diện Sở GD&ĐT TPHCM đang nghiên cứu, tham mưu UBND TP đề án hỗ trợ học phí cho đối tượng học sinh tiểu học ngoài công lập để trình HĐND TP xem xét.