Bố mẹ “hụt hơi” vì vắng người giúp việc

(Dân trí) - Đầu năm, nhiều gia đình ở thành phố rối tung sinh hoạt trong nhà cho đến việc nuôi dạy con cái vì ô sin nghỉ việc.

Khủng hoảng vì thiếu người giúp việc

Đầu năm, cảnh ô sin nhảy việc hoặc về quê ăn tết rồi “một đi không trở lại” là tình trạng thường diễn ra ở các thành phố lớn. Điều này đẩy nhiều gia đình rơi vào khủng hoảng, nhất là những phụ huynh có con nhỏ.

Không người giúp việc, nhiều nhà đồng nghĩa với việc không có người thu xếp việc nhà, đón đưa trẻ đến trường, chăm sóc trẻ, thậm chí vui chơi, nuôi dạy con trẻ. Khi phải “thế chỗ” người giúp việc, nhiều phụ huynh hoảng loạn.

Chị Nguyễn Thanh Nga (ở Tân Bình, TPHCM) chia sẻ, sau rằm tháng giêng, không khí tết đã nguôi nhưng gia đình chị vẫn rối bời vì ô sin chuyển chỗ làm, chị chưa tìm được người thay thế.

Nhiều bố mẹ bất lực trong việc chăm sóc, nuôi dạy con khi thiếu người giúp việc
Nhiều bố mẹ "bất lực" trong việc chăm sóc, nuôi dạy con khi thiếu người giúp việc.

Trước đây mọi việc trong nhà chị nằm hết trong tay người giúp việc. Chị và chồng đều là quản lý của doanh nghiệp nước ngoài, công việc bận rộn. Hai anh chị thường đi làm từ sáng đến tối mịt mới trở về nhà, chưa kể đến những chuyến công tác thì có lúc hàng tuần bố mẹ không giáp mặt con.

Những ngày này tự xoay xở, chị phải về sớm đón con, rồi tất bật việc nhà. Được ba hôm, chị đã phải điều động ông bà hai bên nội ngoại vào phụ mình. Tuy nhiên, ông bà chỉ quanh quẩn trong nhà, việc đưa con đi học từ đầu năm đến giờ anh chị nhờ… taxi.

Vắng giúp việc mấy ngày, chị Dung, bà mẹ của hai đứa con, một tiểu học, một mầm non cũng "bấn loạn" không kém. Bé tiểu học nhà chị học một buổi, buổi còn lại có giúp việc trông coi. Còn bây giờ, chị phải nhờ người hàng xóm đưa đón, chiều nhờ đón luôn đứa nhỏ.

Kể cả chị nhờ dịch vụ dọn nhà theo giờ cũng không giải quyết được vấn đề là bao. Riêng việc cho con ăn đã làm chị bở hơi tai, phải dùng đến rất nhiều hình thức từ dụ dỗ đến áp dụng các hình phạt.

Trông con một lúc là chị bải hoải cả người, không đủ kiên nhẫn…, nhất là khi các cháu không hợp tác với mẹ. Có hôm, chị nhốt con vào phòng, thích làm gì thì làm. Chồng không quen việc nhà thấy con khóc lóc thì quát tháo ầm ĩ, nhà cửa càng nặng nề.

“Nhiều hôm tôi phải thức đến 1 - 2 giờ sáng để làm hồ sơ sổ sách của công ty. Năn nỉ người giúp việc quay lên nhưng cô nói đợt này về quê lấy chồng. Tôi sẽ phát khùng mất nếu không tìm được người”, chị Dung than thở.

Không ai có thể thay thế bố mẹ

Việc bố mẹ “khoán trắng” việc nuôi dạy con, chăm sóc nhà cửa cho người giúp việc là việc là hoàn cảnh của nhiều gia đình ở thành phố. Thành ra, khi vắng người giúp việc, bố mẹ “hụt chân” ngay tức thì trong việc chăm sóc con.

Đối với những gia đình “cậy hết” vào người giúp việc, kể cả việc dạy dỗ trẻ thì ô sin có quyền lực rất lớn. Nhiều đứa trẻ quấn với người giúp việc hơn khi chúng không dễ gặp mặt bố mẹ, có gặp thì chỉ là vài ba lời hỏi han, cho tiền chứ chưa đủ chia sẻ để tạo nên sự gắn kết.

Sự tương tác của bố mẹ có tác động lớn trong việc giáo dục con trẻ
Sự tương tác của bố mẹ có tác động lớn trong việc giáo dục con trẻ.

TS Trần Văn Hùng, thầy giáo lớp học xanh Sơn Nam Plaza bày tỏ, nhiều ông bố bà mẹ lao vào kiếm tiền với mục đích để cho tương lai của con nhưng lại đánh đổi bằng việc bỏ bê đứa trẻ mà không tiền bạc nào có thể mua được.

Ông đã từng gặp nhiều trẻ thân thiết với người giúp việc, người tài xế trong nhà hơn cả bố, cả mẹ bởi chỉ họ mới là người dành thời gian cho chúng, gắn liền với cuộc sống của chúng. Những đứa trẻ này rất dễ rơi vào bất ổn khi thiếu tình cảm, sự quan tâm từ bố mẹ mình.

Một trong những vấn nạn đáng lo ngại nhất trong giáo dục con trẻ hiện nay theo các chuyên gia chính là tình trạng bố mẹ không có thời gian dành cho con. Đây chính là nguyên nhân hàng đầu và nguy hiểm nhất đẩy đứa con rơi có thể rơi vào khủng hoảng lối sống, nhân cách.

Các gia đình đang phải đối mặt với những thay đổi của xã hội, chính họ cũng chịu áp lực lớn từ công việc mưu sinh, kiếm tiền cùng các mối quan hệ. Nhiều gia đình không kịp thích ứng để tổ chức mô hình cuộc sống phù hợp hoặc không đủ kiên nhẫn để làm bạn, vui chơi với con. Điều đó dẫn đến tình trạng, ở nhà bố mẹ “đẩy” hết cho giúp việc, con đi học “khoán trắng” cho thầy cô.

Vai trò của rất nhiều ông bố bà đối với con chỉ còn thể hiện ở việc lo cho con về mặt tiền bạc, vật chất. Trong khi, không ai có thể thay bố mẹ dành tình cảm cho những đứa trẻ.

Kể cả việc bố mẹ cố gắng đổ rất nhiều tiền tìm cho con một những người hỗ trợ tốt, những ngôi trường đắt tiền… cũng sẽ không hiệu quả khi bố mẹ không dành thời gian, tâm sức nuôi dạy con. Bởi một khi không cảm nhận được tình thương của đấng sinh thành thì các em rất khó tiếp nhận những giá trị khác của cuộc sống.

Hoài Nam

Mọi thông tin, ý kiến đóng góp về các vấn đề giáo dục, quý độc giả có thể gửi đến ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!