Bộ GD&ĐT phủ nhận việc in sách giáo khoa trước khi đấu thầu

Mỹ Hà

(Dân trí) - 79% sách giáo khoa trong báo cáo của Bộ GD&ĐT là số liệu Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng để lựa chọn nhà thầu, không phải con số đã in trước khi đấu thầu.

Chiều 5/6, Bộ GD&ĐT trả lời, làm rõ ý kiến đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đoàn ĐB Quốc hội TP Đà Nẵng) về một số vấn đề bức xúc trong giáo dục.

Bộ GDĐT phủ nhận việc in sách giáo khoa trước khi đấu thầu - 1

Học sinh Hà Nội tại triển lãm sách giáo khoa phổ thông mới tại Hà Nội (Ảnh: Nguyễn Mạnh).

Tiếp tục điều tra NXB Giáo dục Việt Nam

Trong phiên thảo luận về kinh tế - xã hội sáng 1/6, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng) đã có ý kiến phát biểu về một số nội dung liên quan đến ngành giáo dục.

Theo đại biểu này: "Chưa đầy 2 năm Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển giáo dục Phương Nam- một trong những công ty con của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, đã chi gần 100 tỷ để phát triển thị trường và tập huấn.

Không rõ Bộ GD&ĐT đã thanh tra nội dung chi này chưa? Nếu chúng ta không kiên quyết phát hiện, xử lý những hiện tượng chạy chọt, đi đêm trong việc này, rồi có ngày hối không kịp, giống như vụ "Việt Á" trong giáo dục". 

Chiều 5/6, Bộ GD&ĐT cho biết, Công ty Cổ phần đầu tư Phương Nam có 43% vốn điều lệ do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam góp vốn, là công ty cổ phần, hoạt động theo điều lệ của công ty và theo quy định của pháp luật, hàng năm đều có kiểm toán độc lập, thanh tra thuế.

Kết quả về doanh thu, lợi nhuận của công ty này đều đã được kiểm toán và được thông qua tại Đại hội cổ đông. Các số liệu đều công khai qua báo cáo tài chính.

Theo báo cáo của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, chi phí bán hàng của công ty gồm: Lương nhân viên, chi phí thuê kho tàng, văn phòng, khấu hao tài sản cố định, chi phí phát triển thị trường, dịch vụ mua ngoài, chi phí khác.

Trong đó, chi phí phát triển thị trường năm 2020 là 29,7 tỉ đồng và năm 2021 là 24,2 tỉ đồng, chiếm tỷ lệ 4,9% và 3,5% so với doanh thu.

Thời gian từ năm 2019 tới năm 2022, Thanh tra Chính phủ, Ủy ban Kiểm tra trung ương, Ủy ban kiểm tra của Đảng Ủy Khối các cơ quan trung ương đã tiến hành thanh tra, kiểm tra Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an tiếp tục điều tra các hoạt động của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam dưới sự phối hợp của Bộ GD&ĐT.

Bộ GDĐT phủ nhận việc in sách giáo khoa trước khi đấu thầu - 2

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy, Đoàn ĐB Quốc hội TP Đà Nẵng (Ảnh: Quochoi.vn).

Bộ GD&ĐT phủ nhận việc in sách giáo khoa trước khi đấu thầu

Trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội về 79% sách giáo khoa mà Nhà xuất bản báo cáo với Phó Thủ tướng đã được in trước khi đấu thầu, Bộ GD&ĐT phủ nhận.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết, số lượng in 79% trong báo cáo của Bộ GD&ĐT là số liệu Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng để lựa chọn nhà thầu, không phải con số đã in trước khi đấu thầu. 

Về việc thiếu minh bạch trong lựa chọn SGK, Bộ GD&ĐT cho biết, đã tổ chức 8 đoàn thanh tra về việc lựa chọn sách giáo khoa ở một số địa phương.

Qua quá trình thanh tra, trao đổi, phỏng vấn với giáo viên, tổ trưởng chuyên môn, hiệu trưởng cơ sở giáo dục, Bộ GD&ĐT không nhận được phản ánh có sức ép từ cơ quan quản lý cấp trên trong việc lựa chọn sách giáo khoa.

Các phiếu chọn sách giáo khoa của giáo viên tại tổ chuyên môn trùng với danh sách đề xuất lựa chọn sách giáo khoa của cơ sở giáo dục gửi về Sở GD&ĐT để tổng hợp trình Hội đồng lựa chọn cấp tỉnh, trùng với phiếu nhận xét sách giáo khoa của giáo viên.

Bộ trưởng có phê duyệt quyết định sửa SGK không? 

Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về những sai phạm ở Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phải xử lý hình sự có phần trách nhiệm của cơ quan chủ quản là Bộ Giáo dục và Đào tạo ra sao? Bộ GD&ĐT cho rằng, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã có nhiều đóng góp với ngành giáo dục nhưng trong quá trình thực hiện đã có sai phạm của một số đơn vị và cá nhân.

Năm 2021 và 2022, Thanh tra Chính phủ, Ủy ban kiểm tra Trung ương, Đảng ủy khối Cơ quan Trung ương đã phối hợp với Bộ GD&ĐT kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

Cơ quan chức năng đã có kết luận về những sai phạm của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam trong giai đoạn trước đó.

Một số đơn vị và một số cá nhân của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã bị xử lý kỷ luật.

Hiện nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam vừa phối hợp tốt với cơ quan chức năng để làm rõ mọi vấn đề theo quy định, vừa tổ chức in ấn, phát hành, bảo đảm đủ sách giáo khoa cho học sinh trước khi bắt đầu năm học mới bắt đầu.

Bộ GDĐT phủ nhận việc in sách giáo khoa trước khi đấu thầu - 3

Sách giáo khoa phổ thông mới được bày bán tại nhà sách (Ảnh: Mỹ Hà).

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy thắc mắc: "Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã thu hồi để sửa chữa 110.000 cuốn, đồng thời hủy và in lại 38.000 cuốn sách Khoa học tự nhiên lớp 6 của Bộ kết nối tri thức với cuộc sống.

Thế nhưng giáo viên nhiều trường cho biết, họ vẫn chưa được thay sách bằng sách mới.

Vậy việc sửa chữa sách diễn ra vào thời gian nào, quyết định thành lập Hội đồng thẩm định và biên bản của Hội đồng thẩm định, quyết định phê duyệt của Bộ trưởng có hay không,…"?

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết, việc chỉnh sửa sách giáo khoa môn Khoa học tự nhiên lớp 6 (Kết nối tri thức với cuộc sống) của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã được thực hiện theo đúng quy định tại Thông tư số 33/2017/TT-BGDĐT.

Khi phát hiện có một số nội dung cần chỉnh sửa ở 3 trang (157, 160, 189), Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã báo cáo xin ý kiến Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa thông qua.

Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã báo cáo Bộ GD&ĐT về việc đã thu hồi để sửa chữa hơn 110.000 cuốn, hủy sửa in lại 38.000 cuốn (gửi kèm Báo cáo số 1867/BC-NXBGDVN ngày 06/8/2021).

Việc thu hồi để thay 3 trang sách có nội dung chỉnh sửa được thực hiện khi sách còn đang trong quá trình lưu kho và vận chuyển, chưa được phát hành rộng rãi đến học sinh, giáo viên.

Việc hủy sửa in lại, đã được Nhà xuất bản thực hiện ngay trong quá trình in ấn chưa đóng quyển bằng cách hủy các bản in có chứa các trang phải chỉnh sửa để in lại và đóng quyển.

Vì vậy, Bộ GD&ĐT khẳng định, không có việc phải đổi sách giáo khoa cho giáo viên, học sinh đã mua sách.