Biến tướng của thi

Hôm qua là hạn cuối cùng các trường THCS nổi tiếng ở Hà Nội, nơi thường xuyên có số lượng HS dự tuyển lớn gấp nhiều lần chỉ tiêu, phải gửi phương án tuyển sinh đầu cấp tới Sở GD&ĐT để xét duyệt.

Trong danh sách này ít nhất có tới 6 trường, đứng đầu là trường chuyên THPT Hà Nội - Amsterdam, tiếp đến là các trường THCS Cầu Giấy, Lương Thế Vinh, Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Siêu và Marie Curie.

(Hình minh họa)
(Hình minh họa)
 
Câu chuyện tuyển sinh vào các trường này bỗng gây xôn xao dư luận, tốn không ít giấy mực của báo chí bởi quy định “cấm thi tuyển đầu vào” các môn văn hóa một cách đột ngột của Bộ GD&ĐT. Suốt gần hai chục năm nay kể từ năm 1996, theo quy định mô hình trường chuyên bậc THCS đã không còn tồn tại.

Thế nhưng trên thực tế, suốt bao năm qua, hầu như tỉnh thành nào cũng có “trường chuyên, lớp chọn” bậc THCS một cách không chính thức. Việc thi vào một số trường nổi tiếng như Hà Nội - Amsterdam, THCS Cầu Giấy, Lương Thế Vinh… ở Hà Nội hay Trần Đại Nghĩa ở TPHCM luôn có tỷ lệ “chọi” rất cao. Rất nhiều chuyên gia giáo dục đã lên tiếng, nếu không thi tuyển đầu vào bằng các môn văn hóa thử hỏi sẽ lấy tiêu chí gì để lựa chọn được những HS ưu tú có tư chất tốt nhất đây?

Có ý kiến một doanh nhân trên báo mạng “thách đố trường nổi tiếng tuyển sinh bằng bốc thăm”, và đặt câu hỏi: Liệu các trường này có dám nhận học sinh có khởi điểm “bình thường” và biến thành những “học sinh giỏi” thì mới xứng đáng với danh hiệu trường giỏi và nổi tiếng đáng tự hào.

Xin thưa, đó là chuyện không tưởng, bởi chúng ta đều biết để làm nên danh tiếng của một ngôi trường, phải hội tụ đủ cả hai yêu tố: Có thầy giỏi và trò giỏi (hay có năng lực tư duy tốt). “Không thầy đố mày làm nên”, một HS dù giỏi đến đâu nhưng nếu không có một môi trường tốt, không có những người thầy giỏi, những bạn học giỏi, HS đó cũng không thể phát triển được.

Ngược lại dù thầy có giỏi và tận tâm đến đâu, nhưng nếu không có những HS có năng lực và năng khiếu trong môn học đó, chắc chắn cũng không thể có một ngôi trường danh giá, một thế hệ HS tài năng được. Điều này, chắc hẳn những người trong cuộc, biết bao thế hệ thầy và trò của các trường chuyên khắp các tỉnh thành trên cả nước đều thấu hiểu.

PGS Văn Như Cương nói, chỉ có khoảng 10% HS tiểu học muốn thi vào các “trường chuyên, lớp chọn”. Như vậy 10% số HS giỏi này chắc chắn không phải nguyên nhân gây ra nạn dạy thêm học thêm tràn lan hiện nay.

Trên thực tế, việc dạy thêm HS bình thường do chính mình đứng lớp mới là vấn nạn cần ngăn chặn. Thêm nữa, chính những HS giỏi thực sự lại không hề cảm thấy “quá tải”, cảm thấy gánh nặng học hành  trong các ngôi trường chuyên. Vậy thử hỏi, việc cấm thi của Bộ GD&ĐT sẽ có tác dụng gì?

Chỉ biết, các trường đang tìm đủ cách để “lách” việc cấm thi này bằng một hình thức thi khác mà thôi. 

Theo Việt Hùng
Tiền Phong