Góp ý dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật GD Đại học:

Bí thư Đảng ủy làm kiêm luôn Chủ tịch Hội đồng trường?

(Dân trí) - TS Lê Viết Khuyến cho rằng, việc ở một số trường bố trí Bí thư Đảng ủy trường làm kiêm luôn Chủ tịch Hội đồng trường cũng là một kinh nghiệm hay, cơ quan quản lý cần tham khảo.

TS Lê Viết Khuyến cho rằng, ở Việt Nam dường như cơ chế Hội đồng trường còn chưa được các trường đại học thực sự ủng hộ bởi vì cho tới nay trong tổng số gần 200 trường đại học công lập mới chỉ có vài trường có hội đồng trường. Và ngay tại những trường này, hội đồng trường hoạt động rất mờ nhạt và hầu như không thể hiện được vai trò của một tổ chức quyền lực.

Do vậy, TS Khuyến đề nghị cần làm sáng tỏ nguyên nhân vì sao một chủ trương quan trọng và đúng đắn như vậy lại không thực sự đi vào cuộc sống của các trường đại học công lập trong thời gian vừa qua.

Hiệu trưởng phải được Hội đồng trường tuyển chọn

TS. Lê Viết Khuyến, cho rằng, tổ chức Hội đồng chỉ thích hợp và cần thiết khi lựa chọn cơ chế điều phối tự quản. Theo cơ chế này, chủ sở hữu của trường đại học công lập là chủ sở hữu cộng đồng, không phải chỉ có cơ quan chủ quản mà còn có cả các giáo chức, cán bộ công nhân viên, sinh viên, giới tuyển dụng, nhà tài trợ, trường bạn, người đóng thuế, người dân trong vùng…

Còn Hội đồng trường chính là người đại diện cho chủ sở hữu cộng đồng nên phải là tổ chức quyền lực cao nhất của trường đại học, phải có nhiều thành viên đại diện cho các nhóm lợi ích có liên quan và phải làm việc theo nguyên tắc đưa ra các nghị quyết tập thể.

"Rõ ràng nếu tuân theo cơ chế này thì sẽ không còn khái niệm “Bộ chủ quản”, như đã được nêu trong Nghị quyết 14/2005/NQ-CP ngày 2/11/2005 về đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006 – 2020" - TS Khuyến nhấn mạnh.

Theo ông Khuyến, việc vẫn tồn tại “Bộ chủ quản”, tức là vẫn khẳng định sự tồn tại song hành mà thực chất là đóng vai trò quyết định của cơ chế kiểu tập quyền làm cho các hội đồng trường đã thành lập hoạt động rất khó khăn, mang tính hình thức và buộc phải chuyển dần qua chức năng tư vấn.

Đối với các trường đại học công lập, chủ sở hữu của trường là cộng đồng. Do đó, theo TS Khuyến, Hội đồng trường với tư cách đại diện cho cộng đồng, để có được các quyết định khách quan phản ánh đúng ý nguyện của cộng đồng, thì trong thành phần của nó phải có rất nhiều thành viên độc lập “bên ngoài” nhà trường.

Một hội đồng trường với thành phần như quy định tại Thông tư số 18/2004/TT-BGD&ĐT ngày 21/6/2004 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, thực chất chỉ đại diện cho ý nguyện của tập thể nhà trường.

Ở hướng dẫn này, có lẽ do vẫn khẳng định cơ chế kiểu tập quyền nên không có đại diện của cơ quan chủ quản trong Hội đồng trường. Khắc phục điểm yếu đó, tổng số thành viên “ngoài trường” trong Hội đồng trường đã được nâng lên ở tỷ lệ trên 20% như ở Điều lệ trường đại học 2014 .

Trong cơ chế Hội đồng, TS Khuyến cho rằng, Hiệu trưởng phải được Hội đồng trường tuyển chọn hoặc mạnh hơn phải được Hội đồng trường tuyển dụng để điều hành quản lý nhà trường.

Hiệu trưởng có trách nhiệm tổ chức triển khai các quyết nghị của Hội đồng trường. Hội đồng trường đóng vai trò lãnh đạo, còn Hiệu trưởng làm nhiệm vụ quản lý nhà trường. Hiệu trưởng không phải là người đại diện toàn quyền của cơ quan chủ quản, lại càng không phải là người sáng tạo ra Hội đồng trường (đứng dưới ô của cơ quan chủ quản).

Bí thư Đảng ủy trường làm kiêm luôn Chủ tịch Hội đồng trường

TS Khuyến đề xuất, chưa nên thành lập đại trà Hội đồng trường ở tất cả các trường đại học. Hội đồng trường chỉ nên thành lập ở những trường đã hội đủ các điều kiện là đã thể hiện đủ năng lực để được Nhà nước trao quyền tự chủ trên cơ sở nhận thức đầy đủ trách nhiệm xã hội của mình đã được giải phóng khỏi cơ chế bộ chủ quản. Sự lãnh đạo của cơ quan chủ quản đối với nhà trường được thực hiện qua vai trò của các đại diện của mình trong Hội đồng trường (chấp nhận có số lượng tham gia chiếm tỷ lệ cao).

Cơ cấu thành viên của Hội đồng trường phải thể hiện tính “cộng đồng” thật sự của chủ sở hữu. Do đó số lượng các thành viên “ngoài trường” trong Hội đồng trường phải chiếm tỷ lệ cao (khoảng 70%).

Ngoài ra để đảm bảo cho Hội đồng luôn có được sự khách quan, các thành viên ngoài trường không được hưởng bất kỳ khoản phụ cấp hoặc lương của nhà trường. Không hạn chế tuổi tác của thành viên Hội đồng trường.

Đặc biệt, phải phân định rạch ròi vai trò lãnh đạo của tổ chức Đảng và của Hội đồng trường đối với Hiệu trưởng và tập thể Ban giám hiệu.

Về vấn đề này nên vận dụng các nguyên tắc đã được áp dụng khi giải quyết các mối quan hệ giữa Ban Chấp hành Trung ương, Quốc hội và Chính phủ. Việc ở một số trường bố trí Bí thư Đảng ủy trường làm kiêm luôn Chủ tịch Hội đồng trường cũng là một kinh nghiệm hay, cơ quan quản lý cần tham khảo.

Đặc biệt, cơ cấu và nhân sự của Hội đồng trường ban đầu không nên do Hiệu trưởng đề xuất mà nên được chỉ định bởi một cơ quan có thẩm quyền cấp cao hơn trường đại học (Chính phủ đối với đại học và Bộ Giáo dục và Đào tạo đối với trường đại học).

Vì sao cơ chế Hội đồng trường lại có sức hấp dẫn rất lớn đối với các hệ thống giáo dục đại học khác nhau trên thế giới? TS Lê Viết Khuyến đã nêu ra 3 lý do sau:

- Chỉ có Hội đồng mới đưa ra được các quyết định thể hiện ý muốn của chủ sở hữu cộng đồng.

- Chỉ có Hội đồng với tư cách đại diện của chủ sở hữu cộng đồng mới dám chấp nhận những hành đồng có nguy cơ “rủi ro” cao để tạo ra được sự đổi mới thật sự.

- Chỉ có cơ chế Hội đồng mới tạo nên sự phù hợp giữa quyền sử dụng của người quản lý nhà trường với quyền sở hữu của chủ sở hữu cộng đồng.

Nhật Hồng (ghi)