Bí quyết chinh phục nhà tuyển dụng cho SV mới ra trường

Điều gì khiến nhà tuyển dụng ấn tượng với một ứng viên là sinh viên mới ra trường? Câu hỏi đã được tháo gỡ trong những chia sẻ của sinh viên và cựu SV ĐH FPT, các chuyên gia CNTT có mặt trong khuôn khổ Ngày hội việc làm dành cho SV khối CNTT do ĐH FPT tổ chức.

Trong vòng Phỏng vấn vị trí thực tập ở một ngân hàng nổi tiếng, đối mặt với các nhân sự cấp cao với bầu không khí căng thẳng đến ngột ngạt, Cao Thị Thanh Huyền - nữ sinh ĐH FPT hoàn toàn bất ngờ khi được hỏi: “Em cảm thấy như thế nào nếu làm việc ở vị trí phải thường xuyên tiếp xúc với những nhân vật thuộc hàng VIP?”.

 

Trấn tĩnh vài giây, Huyền thong thả trả lời: Theo em, những nhân vật như vậy chắc chắn sẽ có rất nhiều điều để học hỏi, có cơ hội được tiếp xúc với họ là may mắn để một người mới đi làm như em trao đổi, trò chuyện và tiếp thu những kinh nghiệm hay. Họ là những nhân vật VIP không có nghĩa là họ đáng sợ hay xa cách. Em nghĩ được gặp họ hẳn sẽ rất thú vị.

 

Cô vừa dứt lời, những gương mặt cực kì khắt khe bỗng giãn ra những nụ cười. Ngay sau đó, Huyền nhận thông báo trúng tuyển. Cô đã vượt qua rất nhiều hồ sơ xuất sắc của sinh viên các trường ĐH lớn của Việt Nam cũng như các du học sinh từ nước ngoài về nhờ phần phỏng vấn ấn tượng ấy.

 

“Một tâm lý thoải mái, cởi mở và cầu tiến sẽ giúp mình xử lý tốt những câu hỏi, ghi điểm với nhà tuyển dụng” - Huyền chia sẻ.

 

Còn Nguyễn Lưu Bách, cựu SV FPT, hiện đang làm việc cho một công ty ở Mỹ cũng rất hào hứng nói về kỉ niệm phỏng vấn qua mạng của mình.

 

Lưu Bách tại đại lộ Danh vọng trong thời gian làm việc dài kì tại Mỹ.
Lưu Bách tại đại lộ Danh vọng trong thời gian làm việc dài kì tại Mỹ.

 

“Cuộc phỏng vấn qua skype diễn ra khoảng 20 - 30 phút, hoàn toàn bằng tiếng Anh và được sắp xếp trong phòng họp của cơ quan mình tại Việt Nam. Hai người nước ngoài, một Việt Kiều Mỹ ngồi phỏng vấn ở bên kia địa cầu nhìn chằm chằm mình qua màn hình máy tính, chờ đợi những câu trả lời. Run, lo lắng hơn phỏng vấn bình thường lắm chứ” - Bách nhớ lại.

 

Cách xử lý của Bách là dồn vào những biểu cảm trên gương mặt như nụ cười, giọng nói… Trước những câu hỏi khó, hay khi mất bình tĩnh, Bách chỉ nhẹ nhàng đưa mắt ra hướng khác trong vài giây để trấn tĩnh. Những câu hỏi bằng tiếng Anh mà mình nghe chưa ra, Bách khéo léo “viện cớ” đường truyền không tốt để hỏi lại. Ngoài kiến thức chuyên môn vững, cậu cố gắng thể hiện được thái độ thân thiện, tự tin để đối tác cảm nhận được mình là người có thể hợp tác.

 

“Có những lúc, mình còn chủ động hỏi lại họ một vấn đề mà họ đã hỏi mình, vừa giúp mình đỡ bị hỏi sâu vào cái mình không biết, lại vừa cho họ thấy mình sẵn sàng học hỏi, có tinh thần cầu thị” - Bách chia sẻ.
 

Nhờ đó Bách đã được nhận vào dự án, được khách hàng mời sang Mỹ đào tạo trong 6 tuần. “Giấc mơ Mỹ” của cậu trở thành hiện thực như một cơ duyên.

 

Lưu Bách tại đại lộ Danh vọng trong thời gian làm việc dài kì tại Mỹ.
Ngày hội việc làm mới đây của ĐH FPT là mô hình cầu nối hiệu quả giúp SV và nhà tuyển dụng đến gần nhau hơn.

 

Ở góc độ một nhà tuyển dụng, anh Vũ Tiến Đức - Trưởng phòng thiết kế phần mềm trung tâm công nghệ Viettel cho rằng, với sinh viên mới ra trường, để chiếm cảm tình của nhà tuyển dụng khi đi phỏng vấn không khó.

 

“Đừng tham dự cuộc phỏng vấn với một tâm lý “cố đỡ”, tức là, cố gắng chống đỡ, đối phó với các câu hỏi nhà tuyển dụng đưa ra. Thông thường, người hỏi sẽ tìm kiếm tới điểm mạnh của ứng viên nên hãy bình tĩnh, mạnh dạn thể hiện điểm mạnh của mình. Trong nhiều trường hợp, kể cả chỉ ra điểm yếu của bản thân cũng là một cách thể hiện rõ tố chất của bạn. Bên cạnh đó, hãy thể hiện được cái “lửa nghề” khi ứng tuyển bất cứ công việc nào. “Lửa” ở đây là sự nhiệt tình, sẵn sàng dấn thân của bạn vì công việc ấy. Nó thể hiện qua việc bạn tìm hiểu vị trí mình ứng tuyển kĩ càng, hay có thể biến cuộc phỏng vấn thành cuộc trò chuyện thân mật về nghề nghiệp, định hướng tương lai…” - anh  Đức chia sẻ.

 

Một giám đốc ngành CNTT thường xuyên tiếp xúc với các ứng viên trẻ lưu ý những khía cạnh mà anh quan tâm khi tuyển dụng là: Sự thành thực, tự tin, ngôn ngữ và kĩ năng mềm. Thứ nhất, những người có kinh nghiệm rất không thích sự thổi phồng hoặc các thông tin sai sự thật. Họ có thể nhận ra ngay ứng viên có thành thật hay không và sẽ “loại thẳng tay” nếu có dấu hiệu thiếu trung thực. Thứ hai, người tuyển dụng cũng không thích những người quá rụt rè. Tốt nhất hãy xây dựng sự tự tin từ hiểu biết và kinh nghiệm, và sẵn sàng trao đổi thẳng thắn với nhà tuyển dụng. Thứ ba, trong quá trình phỏng vấn hãy diễn đạt thật chuẩn với những gì mình nói, và phải phù hợp với văn cảnh của người nghe. Diễn tả chính xác sẽ cho thấy trình độ nắm bắt vấn đề của ứng viên. Và cuối cùng, hãy cố gắng tìm hiểu thật nhiều không chỉ về kiến thức chuyên môn.

 

“Ngoài kiến thức chuyên môn, kỹ năng quản lý, làm việc nhóm... đều phải được chuẩn bị và có kinh nghiệm từ trước. Nếu một đơn vị tuyển dụng chỉ quan tâm đến chuyên môn, thì sau này các bạn sẽ làm việc dưới góc độ của một công nhân không hơn không kém” - vị Giám đốc đưa ra lời khuyên.

 

Ngày hội việc làm của Trường Đại học FPT được tổ chức với mong muốn làm cầu nối đưa sinh viên và doanh nghiệp đến gần nhau hơn. Đây cũng là dịp để Trường ĐH FPT lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp về chương trình đào tạo để có những cập nhật phù hợp với xu hướng phát triển, nhu cầu nguồn nhân lực trong tương lai. Năm 2013, ngày hội này đã thu hút 16 doanh nghiệp uy tín tới tuyển dụng, gần 400 sinh viên tham gia với hàng trăm cơ hội việc làm đúng chuyên môn. Các SV đến với ngày hội cũng được lắng nghe những kinh nghiệm, lời khuyên thực tế và hữu ích của các chuyên gia, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp để tìm kiếm những cơ hội việc làm, khởi nghiệp.