Bí quyết chi tiết các bước xin thực tập ngành Khoa học máy tính tại Mỹ

Lệ Thu

(Dân trí) - Tuấn Dũng, nam du học sinh Việt nhận loạt lời mời thực tập tại hơn 10 công ty, tập đoàn công nghệ hàng đầu Mỹ chia sẻ bí quyết cụ thể để chinh phục vị trí thực tập ngành Khoa học máy tính tại Mỹ.

Tuấn Dũng biết đến việc đi du học Mỹ từ đầu những năm cấp 3 tại trường Hà Nội - Amsterdam. Biết đến du học sớm là vậy, nhưng phải đến giữa năm lớp 11 em mới bắt đầu quá trình trau dồi khả năng tiếng Anh học thuật của mình với việc luyện thi các bài thi chuẩn hóa như TOEFL và SAT.

Việc quyết định đi du học khá muộn vậy khiến em phải khá vất vả trong cuối năm lớp 11 và đầu năm lớp 12, nhưng nhờ sự nỗ lực cao độ em đạt kết quả như mình kì vọng.

Chàng trai trúng tuyển vào nhiều trường đại học Mỹ như University of Rochester, Northeastern University, Case Western Reserve University, Syracuse University, University of Minnesota, University of Massachusetts Amherst, Worcester Polytechnic Institute, University of Miami - Ohio, Drexel University…

Dũng hiện là sinh viên trường Đại học Rochester - nơi cấp cho em mức học bổng hơn 5,2 tỷ đồng (204.000 USD).

Bí quyết chi tiết các bước xin thực tập ngành Khoa học máy tính tại Mỹ - 1

Tuấn Dũng (áo trắng) có kinh nghiệm xin thực tập thành công tại hơn 10 tập đoàn công nghệ hàng đầu Mỹ.

Khi nói về bí quyết giành loạt lời mời thực tập tại hơn 10 công ty, tập đoàn công nghệ hàng đầu Mỹ như Citadel, Facebook, Microsoft, Amazon, Tesla, Nvidia, Snapchat, Uber, Akuna Capital, Roblox, Quora…, Tuấn Dũng cho hay: "Một điều khá hay của những cộng đồng CS (Khoa học máy tính) là một số người trong cộng đồng sẽ đứng ra lập một danh mục, hay một kho lưu trữ trên Github mà tổng hợp rất nhiều các vị trí thực tập tại các công ty Mỹ và sẽ được cập nhật thường xuyên bởi những người trong cộng đồng.

Những ai muốn tìm hiểu có thể lên Google và gõ: <Season> <Year> internships Github (ví dụ: Summer 2021 internships Github) thì sẽ ra link của kho thông tin thực tập đó.

Theo Tuấn Dũng, quy trình tuyển dụng của các công ty ở Mỹ sẽ được chia thành các giai đoạn: Nộp hồ sơ -> Làm đánh giá trực tuyến - Online Assessment (OA) -> Phỏng vấn với Recruiters (nhà tuyển dụng) (Vòng này có thể có hoặc không) -> Phỏng vấn kỹ thuật chuyên môn - Technical Interview 1 -> Technical Interview 2 (vòng này có thể có hoặc không) -> Vòng phỏng vấn cuối - Finals Onsite Interview -> Phỏng vấn từ Ban quản lý nhóm/ phòng/ ban (Vòng này có thể có hoặc không) -> Lời mời thực tập/ từ chối tuyển dụng.

Với những bạn trẻ muốn tìm cơ hội thực tập ở những công ty lớn ở ngành CS (và có thể áp dụng ở những ngành khác nhau), Tuấn Dũng có những lời khuyên như sau, dựa theo từng bước trong quy trình tuyển dụng đưa ra ở trên, như sau:

Vòng nộp hồ sơ

Ứng viên nên chuẩn bị sẵn sàng resume (hồ sơ lý lịch), hồ sơ LinkedIn, và website của mình (optional) sớm cho vòng này. Với những vị trí thực tập và làm việc toàn thời gian, các công ty thường sẽ tuyển sớm 6-9 tháng trước khi kỳ làm việc bắt đầu.

Ví dụ các bạn muốn ứng tuyển vị trí thực tập sinh kì mùa hè của năm sau, các bạn phải bắt đầu nộp hồ sơ từ tháng 7, 8, 9, 10 của năm trước, vì lúc đó là lúc mà các công ty bắt đầu mở đơn để các bạn có thể nộp.

Một số công ty sẽ xét hồ sơ theo kiểu rolling admissions (nộp sớm xét sớm), nên việc nộp sớm sẽ cho các bạn lợi thế là được nhà tuyển dụng xem hồ sơ sớm, và gần như đảm bảo công ty đó chưa tuyển đủ hết các suất thực tập và làm việc toàn thời gian.

Trước khi nộp hồ sơ, hãy đảm bảo mình đã xem lại 2 lần để sửa hết những lỗi về chính tả, định dạng, và từ ngữ chuyên ngành mình bỏ vào trong hồ sơ. Nếu như trường các bạn có Career Center (Trung tâm định hướng nghề nghiệp), các bạn có thể nhờ bộ phận tư vấn sơ yếu lý lịch hồ sơ của trung tâm chỉnh sửa của mình một cách hợp lý hơn. Ngoài ra, nếu như các bạn có quen những anh chị đi trước mà có kinh nghiệm làm hồ sơ cũng có thể nhờ họ chỉnh sửa và góp ý hộ.

Bí quyết chi tiết các bước xin thực tập ngành Khoa học máy tính tại Mỹ - 2
Dũng (phải, ngoài cùng) và bạn bè quốc tế.

Lưu ý, trước khi nộp resume vào một công ty, nên đi tìm những người mình quen biết hoặc có thể xác nhận đánh giá cho khả năng của mình để xin giới thiệu của những người đó.

Giới thiệu của nhân viên công ty rất giá trị trong mắt nhà tuyển dụng, vậy nên hãy cố gắng tìm càng nhiều giới thiệu chất lượng càng tốt. Nếu như có giới thiệu chất lượng, các bạn có thể chắc một chân vào vòng phỏng vấn. Một số kênh có thể tìm người giới thiệu như LinkedIn, group Intern Candidates Meet Referrers trên Facebook, Jumpstart, ...

Vòng Online Assessment và Technical Interview

Tiếp đến là bước làm đánh giá trực tuyến - Online Assessment (OA) và phỏng vấn với Recruiters (nhà tuyển dụng).

Tuấn Dũng cho hay, thường những kiến thức được hỏi trong OA và technical interview với ngành Khoa học máy tính sẽ là Data Structures & Algorithms (Giải thuật và lập trình), nên ứng viên hãy cố gắng trau dồi khả năng giải quyết một bài toán dưới áp lực thời gian một cách nhuần nhuyễn nhất có thể. Một số các nguồn để luyện tập như: Leetcode, HackerRank, Codeforces, Topcoder…

Ngoài ra việc giải được bài, việc giao tiếp với người phỏng vấn trong lúc làm việc rất quan trọng. Hãy tập phỏng vấn với bạn hoặc một ai đó cũng có nhu cầu phỏng vấn để trau đồi khả năng diễn đạt bày tỏ suy nghĩ "thinking out loud" của mình trước khi có phỏng vấn. Cả hai người hãy tập dùng một số công cụ thường dùng cho phỏng vấn online như: codeinterview.io, coderpad.io.

Ngoài những câu hỏi về mặt kĩ thuật, người phỏng vấn có thể hỏi thêm "behavioral questions" (câu hỏi phỏng vấn hành vi - PV). Về chủ đề của những câu hỏi dạng này, Tuấn Dũng gợi ý các bạn hãy dùng Google để tra thử dạng câu hỏi, và dùng format STAR để trả lời câu hỏi.

Một điều cuối cùng cho những cuộc phỏng vấn kiểu này là hãy học kĩ hồ sơ! Người phỏng vấn thường rất hay hỏi về một trải nghiệm làm việc hoặc một dự án cụ thể trong hồ sơ để đảm bảo những gì mình nói trong hồ sơ là đúng.

Bí quyết chi tiết các bước xin thực tập ngành Khoa học máy tính tại Mỹ - 3

Lê Tuấn Dũng hiện là du học sinh trường Đại học Rochester, Mỹ.

Phỏng vấn với người quản lý phòng, ban, đội nhóm

Những câu hỏi thường gặp trong vòng này sẽ dùng để xác định xem mình có hợp với một nhóm hoặc một dự án cụ thể không. Hãy tra google phòng, ban chuyên môn hoặc tìm người phỏng vấn trên LinkedIn, học kĩ về công nghệ, công cụ, vấn đề của phòng ban đó và tập trả lời trước một số câu hỏi thường được hỏi về sử dụng format STAR (STAR: Situation, Task, Action, Results - Tình huống, Nhiệm vụ, Hành động, Kết quả). Phỏng vấn kiểu Mỹ thường xuyên dùng STAR format để xem người dự tuyển có nhanh nhẹn ứng biến, suy nghĩ logic, trả lời lưu loát và giãi bày được kết quả của tình huống đã nêu không.