Cô giáo chia sẻ:

Bầu Hội phụ huynh: Ai can đảm “vác tù và hàng tổng”?

(Dân trí) - Đọc bài viết “Bầu Hội phụ huynh, ai cũng… cúi gằm mặt” trên báo Dân trí cùng những bình luận của bạn đọc, tôi bắt gặp được nhiều nỗi niềm gắn liền với vai trò “vác tù và hàng tổng” trong nhà trường. Đó là Hội phụ huynh, còn gọi là Ban đại diện cha mẹ học sinh (CMHS).

Hơn chục năm đứng lớp, tôi tham gia nhiều cuộc họp phụ huynh và không ít lần rơi vào cảnh bối rối đúng như tình huống trong bài viết: “ai cũng… cúi gằm mặt”. Sở dĩ nhiều người e ngại, né tránh mỗi khi bầu ban đại diện CMHS của lớp cũng bởi vì trách nhiệm thì nhiều mà tai tiếng đi kèm cũng không ít.

Nhận nhiệm vụ phối kết hợp với nhà trường và giáo viên để chăm lo cho hoạt động học tập của con trẻ, những người xung phong vào hội thật sự đã hy sinh thời gian cá nhân ít nhiều để chạy đôn chạy đáo theo hoạt động trường lớp.

Đối với các lớp mầm non và tiểu học, đơn cử mỗi khi có hoạt động văn nghệ, hội thao là y như rằng Hội phụ huynh phải đến sớm lo trang điểm và chuẩn bị cơ sở vật chất… Đó là còn chưa kể trước đó mấy hôm đã lo toan cùng giáo viên mượn trang phục, đạo cụ…

Trách nhiệm cùng với nhiệt tâm muốn lo lắng chu toàn đã khiến nhiều người trong hội sẵn sàng “vác tù và”, còn đại đa số phụ huynh khác cứ thảnh thơi rảnh thì đến, không rảnh thì thôi, con thì đã có giáo viên cùng Hội phụ huynh lớp lo.

Còn đối với học sinh cấp hai, tôi cùng các anh chị, cô chú trong Hội phụ huynh lớp nhiều lần cùng nhau đi vận động học sinh bỏ học. Và thú thật có những “ca” khó mà nếu không có những phụ huynh nhiệt tình tìm đến tận nhà, miệt mài tác động làm thay đổi nhận thức của cha mẹ học sinh cố ý định bỏ học đó thì coi như lớp tôi nắm chắc nguy cơ giảm sĩ số.

Những công việc thầm lặng ấy không hề có tên, không hề được ghi nhận, ngợi khen. Và nhiều người vẫn lặng thầm cống hiến như thế.  

Vậy nhưng nhiều khi Hội phụ huynh bị “kẹt” giữa yêu cầu, đòi hỏi của nhà trường và ý kiến phản đối của đại bộ phận cha mẹ học sinh. Đa phần vẫn chủ yếu xoay quanh chuyện vận động đóng góp các khoản dưới danh nghĩa “tự nguyện”.

Đầu năm học, nhà trường lại gợi ý các khoản thu này nọ để lấy ý kiến của hội phụ huynh rồi triển khai đến cuộc họp toàn thể CMHS trong từng lớp. Lúc này có những khoản đóng góp vượt quá khả năng của số đông liền bị phản ứng và tiếng xấu lại đổ dồn lên Ban đại diện CMHS.

Những khoản vận động làm mái che, làm sân bóng đá, lót sàn gỗ, trang bị máy chiếu… đều được hợp thức hóa dưới danh nghĩa vận động một cách tự nguyện trong phụ huynh. Và rồi khi bị phanh phui dấu hiệu lạm thu, nhiều lãnh đạo trường học đã đá “quả bóng” trách nhiệm sang hội phụ huynh.

Những cụm từ một thời “làm mưa làm gió” trên mạng xã hội như “cánh tay nối dài của hiệu trưởng”, “hội phụ thu”, “hội họa sĩ” hay “BOT trường học” đã làm đau lòng không ít phụ huynh nhiệt thành muốn góp sức cho sự học của con trẻ. Ai sẽ can đảm “vác tù và hàng tổng” trong bối cảnh bao nhiêu “gạch đá” vẫn đang ném về phía Hội phụ huynh như thế chứ? Tiếc thay!

Nguyễn Thùy

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn.  

Xin trân trọng cảm ơn!