Bất ngờ, tiến sĩ Văn học khen ngợi đề thi Văn "hại não"

(Dân trí) - Đề thi kiểm tra học kì 2, môn thi Ngữ văn năm học 2015-2016 của Sở GD & ĐT Gia Lai đang gây “bão” trên các diễn đàn, mọi người đều cho là đề thi gây "hại não" cho học sinh. Tuy nhiên, ngược lại với các ý kiến trên, tiến sĩ Văn học Trịnh Thu Tuyết cho rằng: "Đây là một đoạn văn với những phát hiện độc đáo, những dẫn dắt thông minh, với thông điệp giàu giá trị nhân văn về tình yêu thương và nhiệt huyết...".

Từ đề thi gây “bão”

Tâm “bão” nằm ở câu hỏi đọc hiểu của đề, khi người soạn đề chọn ngữ liệu đọc hiểu từ một đoạn văn trong bài viết “Thắp mình để sang xuân” của tác giả Đoàn Công Lê Huy, đoạn trích như sau: “Hòn đá có thể cho lửa, cành cây có thể cho lửa. Nhưng chỉ có con người mới biết nuôi lửa và truyền lửa. Lửa xuất hiện khi có tương tác, ít ra là hai vật thể tạo lửa. Lửa là kết quả của số nhiều. Cô bé bán diêm là số đơn. Cô đã chết vì thiếu lửa. Để rồi từ đó loài người đã cảnh giác thắp nến suốt mùa Giáng sinh để cho không còn em bé bán diêm nào phải chết vì thiếu lửa?

Nước Việt hình chữ “S”, hiện thân của số nhiều, lẽ nào không biết nuôi lửa và truyền lửa, lẽ nào thiếu lửa? Không có lửa, con rồng chẳng phải là rồng, chỉ là con giun, con rắn. Không có lửa làm gì có “nồng” nàn, “nhiệt” tâm! Làm gì có “sốt” sắng, “nhiệt” tình, đuốc tuệ! Làm gì còn “nhiệt” huyết, “cháy” bỏng! Sẽ đâu rồi “lửa” yêu thương? Việc mẹ cha, việc nhà, việc nước, làm gì với đôi vai lạnh lẽo, ơ hờ? Không có lửa em lấy gì “hun” đúc ý chí, “nấu” sử sôi kinh? Em... sống đời thực vật vô tri như lưng cây, mắt lá, đầu cành, thân cỏ.... Cho nên: Biết ủ lửa để giữ nhân cách – người, nhân cách – Việt. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội. Thế nhưng: Nếu không có lửa làm sao thành mùa xuân?”

Đề thi đã ra 4 câu hỏi để trò đọc và hiểu đoạn trích.

Khi đưa ra công luận, đề thi đã đưa đến hiệu ứng khá tiêu cực. Hầu hết các ý kiến đều phản đối cách ra đề " hại não", " rối"..., thậm chí có ý kiến cho rằng " đoạn trích dẫn này làm hỏng đi ý nghĩa đề thi". Hiệu ứng tiêu cực lan rộng diễn đàn giáo dục cả nước…

Tôi đã đọc bài viết này của Đoàn Công Lê Huy với cảm giác được chiêm ngưỡng một áng văn đẹp, sâu sắc, trí tuệ. Khi đọc đề kiểm tra học kỳ 2 của Gia Lai. Tôi thấy Ban ra đề đã thực sự sáng tạo, tâm huyết và...dũng cảm để chọn một đoạn văn đẹp, hay, không dễ hiểu... làm ngữ liệu đọc hiểu, hướng tới ít nhất hai mục đích: giúp học trò được tiếp cận một áng văn có khả năng khơi gợi những xúc cảm thẩm mĩ, xúc cảm đạo đức, đồng thời rèn kĩ năng đọc - hiểu một đoạn trích không hời hợt, dễ dãi với những tầng nghĩa hiển ngôn như một số văn bản thông thường.

Và đó cũng là mục đích cao nhất của môn Ngữ văn nói chung, của kiểu câu hỏi đọc - hiểu nói riêng. Sau này ra đời, các tú tài, rồi cử nhân...tương lai sẽ phải tự mình đọc, suy ngẫm, tìm hiểu và tiếp nhận các văn bản giữa một thế giới đầy ắp thông tin, khi ấy, ai sẽ cầm tay chỉ nghĩa cho các em, hay đợi một ông bụt nào đó dắt các em sang nẻo khác, nơi chỉ có những văn bản "vừa sức"?

Đề thi môn Ngữ Văn của Sở GD&ĐT Gia Lai
Đề thi môn Ngữ Văn của Sở GD&ĐT Gia Lai

Giúp học sinh có thêm “chút lửa”

Trở lại với đoạn văn của Đoàn Công Lê Huy trong đề thi của Gia Lai. Để không bị chủ quan bởi cảm nhận cá nhân, tôi có trao đổi với một số bạn bè, đồng nghiệp và cả học trò, tôi yên tâm khi thấy hầu hết các ý kiến đều chia sẻ đầy hứng thú về một đề thi " thắp lửa"!

Đoạn văn đưa ra thông điệp về một cách sống nhiệt tình, nhiệt huyết, nhân văn, nhân ái, cách sống đẹp ấy được dẫn dắt từ hình tượng " nuôi lửa... thắp lửa...truyền lửa", cao nhất là " thắp mình để sang xuân"!

Từ so sánh giữa những vật vô tri như cành cây, hòn đá có thể tạo ra lửa với việc " nuôi lửa và truyền lửa" duy nhất chỉ của con người, tác giả Đoàn Công Lê Huy đã đề cập tới ý nghĩa đầu tiên của ngọn lửa, đó là ngọn lửa mang tới hơi ấm của lòng nhân ái, sự chia sẻ yêu thương giữa con người với con người trong cộng đồng người.

Ý nghĩa này được dẫn dắt từ câu chuyện cảm động về Cô bé bán diêm ( H. Andersen), trong đó, khái niệm " số đơn" gợi liên tưởng xót xa về sự đơn độc, cô lẻ của con người trong cuộc đời. Tôi ngạc nhiên khi đọc một phân tích trong một bài báo: “Cô bé bán diêm là SỐ ĐƠN, cô đã chết vì thiếu lửa, tôi không hiểu số đơn ở đây là thế nào. Theo tôi được biết, cô bé bán diêm chết không phải vì thiếu lửa mà vì cô ấy có nguyên hộp diêm để tạo ra lửa".

Đoạn văn sau của Đoàn Công Lê Huy bắt đầu từ một nhận xét về "Nước Việt hình chữ “S”, hiện thân của số nhiều", có thể coi là một " phát hiện" nho nhỏ nhưng thú vị về hình chữ S của đất nước với dấu hiệu "s" sau các danh từ số nhiều trong tiếng Anh, phát hiện giúp người viết triển khai thông điệp, ý tưởng của mình.

Có thể một ai đó băn khoăn về tính hệ thống giữa hai khái niệm " số đơn" và " số nhiều" trong một đoạn văn ngắn. Tuy nhiên, đây là văn chương, không phải bài viết về các danh từ số ít, số nhiều trong tiếng Anh, mà văn chương thì sẽ tuân thủ những logic của liên tưởng, của cảm nhận, và logic tâm hồn thì nhiều khi chỉ chạm vào lòng người bởi sự....phi lí!

Ở đoạn trên, tác giả Đoàn Công Lê Huy nói về " số đơn" với ý nghĩa về sự đơn độc, khi bao nhiêu người ngồi bên lò sưởi, trên giường ấm nệm êm, nghe nhạc, đọc truyện hoặc tâm tình, còn một cô bé nghèo loay hoay, bất lực cô đơn ngoài trời tuyết rơi lạnh giá, bên những que diêm và những giấc mơ ấm lửa!

Đoạn dưới, tác giả nói tới "số nhiều" từ liên tưởng về hình hài đất nước để nói về nhiệt huyết, nhiệt tình, về ngọn lửa của đam mê và khát vọng trong mỗi tâm hồn, nhân cách công dân. Đến đây lại là một phát hiện thú vị nữa khi tác giả tìm ra một hệ thống các từ ngữ nói về vẻ đẹp trong tâm hồn, nhân cách, trí tuệ con người, liên quan trực tiếp tới lửa và sức nóng nồng nàn mãnh liệt của lửa như "nồng” nàn, “nhiệt” tâm...“sốt” sắng, “nhiệt” tình, đuốc tuệ... “nhiệt” huyết, “cháy” bỏng....“lửa” yêu thương...“hun” đúc ý chí, “nấu” sử sôi kinh...

Thông điệp sống trong đoạn văn ngắn đã làm sáng rõ tư tưởng chủ đạo của bài viết trong nhan đề " Thắp mình để sang xuân"! Thông điệp đã từng xuất hiện trong rất nhiều điển tích, tác phẩm xưa nay, từ câu chuyện về Promete bị xiềng khi lấy lửa của thần Dớt trao cho loài người, từ trái tim Đanko và ngọn lửa yêu thương đồng loại, khao khát tự do, cho đến hình tượng cháy bỏng trong bài thơ của Nadim Hitmét:“Nếu tôi không cháy lên/Nếu anh không cháy lên/Nếu chúng ta không cháy lên/Thì làm sao bóng tối/Trở thành ánh sáng”...

Một đoạn văn với những phát hiện độc đáo, những dẫn dắt thông minh, với thông điệp giàu giá trị nhân văn về tình yêu thương và nhiệt huyết, đoạn văn ấy, sao không thể trao cho các học sinh lớp 12, giúp các em có thêm một chút lửa trong hành trang vào đời! Và nhất là với học sinh Tây Nguyên, những chàng trai cô gái luôn ủ sẵn trong lòng ngọn lửa cao nguyên, ngọn lửa tình yêu và khát vọng với đời!

TS Văn học Trịnh Thu Tuyết

(nguyên giáo viên Trường THPT chuyên Chu Văn An, Hà Nội)