Bạo lực ở trẻ em: Một góc nhìn mới

(Dân trí) - Lâu nay xã hội đều cho rằng, bạo lực học đường gia tăng trong thời gian gần đây có phần trách nhiệm chính của ngành giáo dục. Tuy nhiên, những phân tích của nhóm nghiên cứu Trường ĐH Y tế Công cộng dưới đây sẽ khiến nhiều người phải suy nghĩ lại.

Những kiến thức này đã được nhóm nghiên cứu đưa vào giáo trình giảng dạy cho sinh viên Trường ĐH Y tế Công cộng ở chuyên ngành Sức khỏe Môi trường và Nghề nghiệp.

Nhóm nghiên cứu cho biết, trong những năm gần đây, tình trạng bạo lực trẻ em diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng. Trong nhiều trường hợp, trẻ em bị chính cha mẹ, người thân, thầy cô giáo, người sử dụng lao động và những người có trách nhiệm nuôi dưỡng chăm sóc trẻ em có hành vi bạo lực trẻ em.

Bên cạnh đó, tình trạng bạo lực ở trong và ngoài trường học của học sinh (HS) vẫn tiếp tục xảy ra đang là nỗi bức xúc của nhà trường, gia đình và xã hội. Hiện tượng bạo lực của HS không phải là một hiện tượng mới, nhưng mức độ nghiêm trọng ngày càng gia tăng như HS đánh nhau gây thương tích, thậm chí tử vong; giáo viên sử dụng các biện pháp giáo dục có tính chất bạo lực gây hậu quả nghiêm trọng đối với HS; HS hành hung thầy, cô giáo. Đối tượng HS có hành vi bạo lực xuất hiện ở cả hai giới nam và nữ.

Phần lớn các trường hợp HS đánh nhau do nguyên nhân xích mích nhỏ giữa các HS. Các HS dùng tay, chân đánh nhau nhưng được can ngăn kịp thời nên không để xảy ra hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên, vẫn có một số trường hợp mang tính chất hoặc gây hậu quả nghiêm trọng, đáng lưu ý là các hiện tượng HS nữ đánh nhau hội đồng, làm nhục bạn, quay phim rồi tung lên mạng, gây tổn thương cả về tình thần và thể chất cho nạn nhân; HS đánh nhau có tổ chức, có sử dụng hung khí, gây thương tích nặng thậm chí gây ra chết người.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo lực nêu trên, trước hết là nhận thức của các gia đình, cộng đồng về vấn đề bảo vệ trẻ em chưa đầy đủ và phần nào còn bị xem nhẹ. Nhiều thói quen, phong tục tập quán có hại cho trẻ em vẫn còn tồn tại như đánh con là việc “bình thường”, “thương cho roi cho vọt”. Việc ngược đãi, xâm hại, bạo lực, bóc lột đối với trẻ em chưa được cộng đồng chủ động phát hiện sớm và cho các cơ quan chức năng xử lý, can thiệp kịp thời vì họ không muốn có sự “rắc rối” liên quan đến họ.

Nhóm nghiên cứu cũng cho biết, bên cạnh các nguyên nhân từ gia đình, xã hội, có những nguyên nhân thuộc về chính trẻ em do đặc điểm tâm lý của trẻ, đây là giai đoạn phát triển mạnh mẽ về thể chất và tâm lí, với một số biểu hiện. Cụ thể, nhu cầu tự thể hiện mình rất cao: Những trẻ em học kém, gia đình và nhà trường ít quan tâm thì càng chứng tỏ mình. Ở lứa tuổi này, mọi suy diễn để chứng minh bằng hành động của trẻ đều bắt đầu bằng sự tự phát và không có định hướng.

Phát triển tâm lý xúc cảm đa dạng: Trẻ thấy bỡ ngỡ và nghi ngờ bản thân. Tình cảm mạnh mẽ và biến đổi thất thường. Nhu cầu tự khẳng định mình trở nên mạnh mẽ hơn, tuy nhiên vẫn còn phụ thuộc vào người lớn. Trẻ có thể dễ cáu giận, ưa tranh chấp, thích nổi loạn và đòi hỏi quyền được quyết định và thích phá vỡ các quy tắc, luật lệ.

Các mối quan hệ tình cảm đa dạng: Ở lứa tuổi này, yếu tố đạo đức, tình cảm cũng hình thành mạnh mẽ. Thế giới tình cảm của người chưa thành niên nói chung và trẻ em nói riêng rất đa dạng. Song nỗi bật ở lứa tuổi 13-15 là quan hệ tình cảm gia đình, tình bạn và tình yêu nam nữ.

Bên cạnh đó, về mặt kỹ năng sống, trẻ chưa được trang bị một cách hệ thống các kỹ năng sống cơ bản như: Kỹ năng tự nhận thức, kỹ năng kiên định, kỹ năng ra quyết định và giải quyết vấn đề, kỹ năng ứng phó với căng thẳng, kỹ năng thương lượng, kỹ năng giải quyết mâu thuẫn... chưa được các em chú ý rèn luyện, bởi vậy việc giải quyết các mâu thuẫn thường được trẻ ứng xử một cách tự phát, thiếu sự kiềm chế và có khi sử dụng vũ lực để đạt được mục tiêu.

S.H (ghi)