Bằng đại học có thể trở nên lỗi thời?

Vĩnh Ngọc

(Dân trí) - Nhiều chuyên gia cho rằng, năm 2023, các công ty sẽ tập trung vào tuyển dụng nhân viên dựa trên kỹ năng hơn là yêu cầu bằng cấp.

Các trường đại học ở Mỹ đang dần bỏ SAT, bài kiểm tra đánh giá năng lực chuẩn hóa được sử dụng rộng rãi cho xét tuyển đại học trong hệ thống giáo dục Mỹ.

Các trường luật thì bỏ LSAT, bài thi tuyển sinh trường luật. Và bây giờ, một số công ty đang bỏ yêu cầu ứng viên tuyển dụng phải có bằng cử nhân. Các chuyên gia cho rằng điều đó sẽ trở thành sự bình thường trong năm nay.

Công ty tư vấn và nghiên cứu Gartner của Mỹ dự đoán: Năm 2023, các công ty sẽ tập trung vào tuyển dụng dựa trên kỹ năng hơn là yêu cầu bằng cấp, ít nhất là tại các công ty nổi tiếng. Gartner giải thích, các công ty phải mở rộng và đa dạng hóa nguồn nhân lực để duy trì hoạt động.

Gartner viết: "Để tuyển người cho các vai trò quan trọng trong năm 2023, các công ty và tổ chức sẽ cần trở nên "dễ chịu" hơn. Họ sẽ đánh giá các ứng viên dựa trên khả năng làm việc thay vì bằng cấp và kinh nghiệm trước đây của người đó".

Điều đó có thể giống như tiếp cận trực tiếp với các ứng viên không theo kiểu mẫu, những người có thể đã không nộp đơn theo phong cách truyền thống hoặc có bằng cấp linh hoạt.

Một số công ty đã sẵn sàng triển khai tuyển dụng theo cách mới. Các công ty như Google, IBM và Apple đã bỏ qua các yêu cầu về bằng cấp lâu nay của họ.

Bằng đại học có thể trở nên lỗi thời? - 1

Sinh viên tốt nghiệp đại học ở Mỹ (Ảnh: The University of Texas at El Paso).

Vào tháng 11/2022, chỉ 41% tin tuyển dụng tại Mỹ yêu cầu bằng cử nhân, theo một phân tích từ viện nghiên cứu Burning Glass. Con số này là 46% vào đầu năm 2019.

Quay trở lại năm 2016, IBM đã đặt ra thuật ngữ mới để mô tả các công việc yêu cầu các kỹ năng cụ thể hơn là bằng cấp cụ thể. Từ năm 2011 đến năm 2021, danh sách công việc yêu cầu bằng đại học bốn năm của công ty đã giảm từ 95% xuống dưới 50%.

Ginni Rometty, giám đốc điều hành của IBM vào thời điểm đó, nói với Alan Murray, nhà báo nổi tiếng của Fortune, rằng, những người được tuyển dụng không có bằng cấp cũng làm việc tốt như những người có bằng tiến sĩ.

Gartner không đơn độc trong dự đoán của mình. Kỷ nguyên tiếp theo của công việc sẽ ưu tiên kỹ năng hơn bằng cấp, những chuyên gia của LinkedIn và Jobs for the Future đã viết trong một bài bình luận cho tạp chí Fortune vào tuần này.

Chỉ 50% người Mỹ có bằng đại học. Tháng 3 năm ngoái, LinkedIn, trang mạng xã hội dành riêng cho cộng đồng những người đi làm và muốn tìm việc, đã tung ra một bộ công cụ làm nổi bật các kỹ năng của ứng viên trong quá trình đăng ký tuyển dụng. Thông báo nhấn mạnh "kỹ năng công việc là chìa khóa quan trọng".

Ryan Roslansky, giám đốc điều hành LinkedIn, nói với Harvard Business Review vào tháng 11 năm ngoái rằng, nhiều năm trước, các nhà quản lý tuyển dụng không có cách nào tốt hơn để đánh giá nhân sự ngoài việc xem qua lịch sử quá trình làm việc, bằng cấp hoặc nhờ những người họ quen biết.

"Nhưng khi thị trường lao động đang chuyển đổi nhanh hơn, chúng ta cần tìm ra cách khác và con đường thay thế linh hoạt, dễ tiếp cận. Đó thực sự sẽ dựa trên các kỹ năng", ông Ryan nói.

Anna Stansbury, giáo sư nghiên cứu về công việc và tổ chức tại Trường Quản lý MIT Sloan, Mỹ, cho biết, với những công việc có thể làm từ xa, nếu bất kỳ ai trên toàn cầu đều có thể làm tốt công việc đó, thì khả năng cao là một công ty sẽ tuyển dụng nhân viên ở nước ngoài với chi phí thấp hơn.

Việc các công ty từ bỏ thói quen tuyển dụng dựa trên bằng cấp và hướng tới các kỹ năng sẽ công bằng hơn. Điều này tốt cho cả người tìm việc và doanh nghiệp.

Sau khi General Motors, hãng sản xuất ô tô lớn thứ nhì thế giới, loại bỏ các yêu cầu về bằng cấp khi tuyển dụng, Telva McGruder, giám đốc phụ trách lĩnh vực Đa dạng, Công bằng và Hòa nhập của General Motors, nói với phóng viên rằng, bằng cấp không phải thứ duy nhất chỉ ra tiềm năng của một người nào đó.

Chủ tịch các vấn đề toàn cầu của Google, Kent Walker, đã chia sẻ vào năm 2020 rằng: "Chúng tôi cần các giải pháp đào tạo nghề mới, dễ tiếp cận từ các chương trình dạy nghề nâng cao đến giáo dục trực tuyến để giúp nước Mỹ phục hồi kinh tế".

Theo Yahoo