Bạn đọc viết:

Bàn thêm về cách vượt khó khăn khi học vần tiếng Việt lớp 1

(Dân trí) - Khi học tiếng Việt, học sinh gặp một số khó khăn và phụ huynh còn có nhiều bàn luận. Bài viết này xin góp một bình luận nhằm giúp các em học sinh thân yêu vượt khó khăn khi học vần tiếng Việt.

Thứ nhất: Muốn nắm được cách học vần, ta cần phân biệt âm và chữ. Âm là yếu tố có trước, sau đó người ta đặt ra chữ để ghi lại âm - chữ tiếng Việt gọi là chữ ghi âm. Chữ a ghi âm a; chữ bê ghi âm bờ... Âm (âm vị), trong tài liệu khoa học, người ta ghi theo hình thức phiên âm: âm /a/; âm /z-/ (dờ); âm /g/" (gờ) - Để dễ đọc, chúng tôi xin không viết bằng hình thức phiên âm.

Tên chữ là a, bê, xê... âm của nó là a, bờ, cờ... Chữ để viết, âm để đánh vần.

Bàn thêm về cách vượt khó khăn khi học vần tiếng Việt lớp 1 - 1

Trẻ học lớp 1 học đánh vần (ảnh minh họa: Thu Hạnh)

Vì thế, chữ C đánh vần là cờ: Chữ "câm" đánh vần là: cờ - âm - câm. Nhưng nói: "Em học lớp 1 xê" - Không nói "Em học lớp 1 cờ". Vì ta lấy "tên" chữ cái để đặt cho tên lớp. (Tên chữ cái C là "xê")

Tiếng Việt có 29 chữ cái, nhưng có 40 âm. Vì thế, từ 29 chữ cái người ta ghép thêm chữ để ghi đủ 40 âm. Như: ghép chữ C với chữ H thành chữ "xê hát" ghi âm chờ; T ghép với R thành chữ "tê-e-rờ" ghi âm trờ... U ghép với Ô thành chữ UÔ ghi nguyên âm đôi UÔ, chữ này đứng cuối vần thì viết thành UA... Có 2 trường hợp một âm được ghi bằng 2 chữ (Âm /gờ/ ghi bằng chữ G hoặc chữ GH, âm /ngờ/ được ghi bằng chữ NG hoặc NGH. Tổng có 42 chữ ghi 40 âm.

Chữ Quốc ngữ truyền thống không có các chữ z, j, f, oo, ôô... Chữ q, chữ p không đứng một mình để ghi âm; chữ q ghép với chữ u thành chữ quờ, chữ p thường phải ghép với chữ h ghi âm phờ. (Trừ trường hợp dùng chữ Việt để ghi một "ngôn ngữ thứ hai" như Sa Pa, ghi tiếng nước ngoài như Pa - ri, ghi âm địa phương như ôông nội)

Những cách viết "đặc biệt" như: oo, ôô, w, Krông Păk...v.v. là để ghi trường hợp đặc biệt. Chữ oo ghi âm o dài có trong từ vay mượn tiếng nước ngoài (cái soong); chữ ôô là cách viết tự phát ghi âm địa phương ( ôông nội - âm cổ vùng khu IV). Trường hợp này xin không bàn kĩ vì lớp 1 chưa học.

Thứ hai: Phân biệt được âm vị khác với con chữ, ta bàn đến việc đánh vần.

Đánh vần có 2 đơn vị phải đánh vần: đánh vần vần và đánh vần tiếng.

Ví dụ: Đánh vần vần "am": a-mờ-am

Đánh vần tiếng "cám": cờ-am-cam-sắc-cám.

Lịch sử đánh vần đã trải qua 2 thời điểm:

Năm 1939, tác giả Hoàng Xuân Hãn - sách "Truyền bá Quốc ngữ"- cuốn sách giáo khoa Học vần đầu tiên của Việt Nam, đánh vần từng âm từ trái qua phải và dấu thanh ghép cuối cùng.

Ví dụ: Đánh vần tiếng "toán" là: tờ - o - to - o - a - nờ - oan - là toan - sắc toán.

Đánh vần vần "oan" là: o - a - nờ - oan

Thời điểm này, có người đánh vần là: tê - o - to - o - a - en nở - oan - là toan - sắc toán - Lấy tên con chữ để đánh vần.

Cải cách giáo dục, năm 1981, thay đổi cách đánh vần tiếng:

Trước khi đánh vần một tiếng thì tách ra đánh vần vần trước, sau đó ghép âm đầu vào với vần và ghép thanh điệu sau cùng thành một tiếng.

Ví dụ:  tiếng "toán"

Bước 1: Đánh vần vần oan:  o-a-nờ-oan;

Bước 2: Đánh vần tiếng toán: tờ-oan-toan; sắc toán.

Phương pháp của Cải cách giáo dục năm 2000 và phương pháp của Sách giáo khoa năm 2020 cũng đánh vần như trên. Trường hợp học sinh thành thạo rồi thì không đánh vần phần vần nữa mà chỉ đánh vần tiếng.

Chúng ta thấy rằng: Phương pháp Hoàng Xuân Hãn là ghép âm thành tiếng rất dễ học, phương pháp Cải cách giáo dục là phân tích tiếng thành 3 bộ phận (âm đầu, vần và thanh) để tổng hợp thành một tiếng - nhằm rèn tư duy phân tích - tổng hợp.

Tóm lại về đánh vần hiện nay: Khi đánh vần, không phải phát âm là "a bê xê...", mà phát âm là: a, bờ, cờ, dờ, di (GI), quờ (QU)... chờ (CH), khờ (KH), trờ (TR)... Đánh vần phần vần trước (nếu vần có nhiều âm), sau đó đánh vần tiếng: ghép âm đầu (nếu có) vào với vần và thanh ghép sau cùng (trừ thanh ngang không có dấu thì không cần ghép).

Thứ ba: Một số hiện tượng gây tranh luận.

Trong việc đọc âm vị tiếng Việt và viết chữ Quốc ngữ còn có hiện tượng bất thường. Có người gọi là hiện tượng bất cập, có người nói là bất hợp lí, là trường hợp đặc biệt... Chúng tôi tạm gọi là trường hợp cá biệt. (Cá biệt tức là trường hợp này ít hơn trường hợp phổ biến - Nhưng nó có lí của nó).

- Một âm có thể được ghi bằng nhiều chữ:

 âm cờ được ghi bằng 3 chữ: C, K, QU

 âm /z-/ (dờ) - D, G; âm /g/" (gờ) - G, GH

âm ngờ/ (ngờ) - NG, NGH; âm /i/ - I, Y

âm /iê/ - IÊ, IA; âm /uô/ - UÔ, UA; âm /ươ/ - ƯƠ, ƯA...v.v

- Các trường hợp "cá biệt" khác mà chúng ta thấy trong Sách giáo khoa.

Vì sao có hiện tượng này? Như đã nói trên, chữ Việt Nam là chữ ghi âm. Các nhà khoa học nghe phát âm của người Việt cổ rồi lấy chữ La tinh ghi lại làm ra chữ Quốc ngữ. Mà phát âm của người Việt cổ có một số âm khác với chúng ta hôm nay. Đó là tính lịch sử. Chẳng hạn họ phát âm âm /d/ trong từ "da thịt" khác âm /gi/ trong từ "gia đình", sinh ra có 2 chữ d và gi để ghi lại cách phát âm khác nhau.

Tiếp theo là tính võ đoán của ngôn ngữ. Trong ngôn ngữ, có hiện tượng quy ước không giải thích rành mạch được gọi là tính võ đoán. Người ta quy định trường hợp nào thì viết chữ "cá biệt".

Trường hợp một cặp chữ cùng ghi một âm: C- K, G - GH, NG - NGH... quy ước là: đứng trước nguyên âm hẹp thì viết chữ "cá biệt" .

Ví dụ: Đứng trước các nguyên âm hẹp /e/, /ê/, /i/, /iê/ thì viết chữ K, GH, NGH. Còn lại thì viết đại trà.

Nhà nước quy định cách viết thống nhất theo thói quen từ xưa để lại theo tính võ đoán. (Xem Quyết định số 240/QĐ ngày 5-3-1984 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục "Quy định về chính tả tiếng Việt và về thuật ngữ tiếng Việt trong các sách giáo khoa")

Trong Quyết định này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quy định cách viết các trường hợp cá biệt nói trên. Chẳng hạn: Viết chữ y khi chữ y đứng một mình (Y tá), chữ y đứng đầu tiếng (Yết), chữ y đứng sau âm đệm u (quy, khuyên, uyên- trường hợp này chữ u là chữ ghi âm đệm); còn lại viết chữ i.

Cần nhắc lại rằng: Lớp 1 không nói nguyên âm, phụ âm, âm đệm... nguyên âm đôi cũng cho là vần.

 Vì thế, thái độ của chúng ta dạy cho con em lớp 1 là tuân thủ quy định viết chính tả trong nhà trường. Thái độ học sinh lớp 1 là "võ đoán" theo thầy (cô) giáo. Không thể giải thích cặn kẻ được vì lớp 1 chưa học đầy đủ mà mục tiêu là đánh vần để đọc viết tiếng Việt làm công cụ để học các môn.

- Hiện tượng viết bớt chữ cái.

Chúng ta thấy, ngôn ngữ Án Âu, tiếng Anh chẳng hạn, người ta có thể viết 2 chữ cái gần nhau để ghi 1 âm vị (too, miss ...). Tiếng Việt không có trường hợp 2 chữ cái viết liền nhau. Vì thế, khi gặp trường hợp này, người ta quy ước bỏ bớt một chữ khi viết, còn khi đọc vẫn phải đọc 2 âm. (Cũng là sự võ đoán).

Ví dụ: chữ "giếng". Thay vì viết là "giiếng" có hai chữ i, người ta quy ước bỏ bớt 1 chữ lặp lại để viết là "giếng";

Chữ "quy" chỉ viết 1 chữ u. (quuy viết thành quy).

Biết được như vậy, học sinh dễ dàng viết chữ và đánh vần: gi-iêng-giêng-sắc-giếng; quờ-uy-quy.

Có người vin vào câu tục ngữ "phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam" để thành kiến với tiếng Việt. Thực ra, đọc và viết tiếng Việt dễ hơn các tiếng khác. Chẳng hạn tiếng Anh, chữ o đọc nhiều kiểu khác nhau  - đọc là /o/ (of), đọc là /âu/ (no), đọc là /u/ (to)... Trong lúc đó, tiếng Việt viết thế nào đọc thế ấy, mỗi chữ chỉ đọc một âm - Dễ dàng cho học vần tiếng Việt. Vì thế, có người đọc sai do phương ngữ nhưng vẫn viết rất đúng chữ Việt.           

Tóm lại: Chữ Việt là chữ ghi âm, viết thế nào đọc thế ấy; tiếng Việt có lịch sử lâu đời, có tính vùng miền đa dạng và tính võ đoán. Cho nên, tuy học phân môn học vần có gặp khó khăn nhưng dễ tìm quy luật để khắc phục.

"Trẻ lên ba cả nhà tập nói". Con vào lớp một cả nhà cùng đánh vần. Khi đón con, hỏi hôm nay học vần gì, trả lời vần "iêng" là quá giỏi, mẹ nói thêm "gi-iêng-giêng" "tháng giêng" tức là giúp con học bài cũ xong rồi.