Quảng Trị:

Băn khoăn đường đến giảng đường của nữ sinh nghèo đỗ ĐH Y dược Huế

(Dân trí) - Hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, chồng ốm đau nhưng vì thương con nên người mẹ nghèo cũng đành bấm bụng chạy vạy khắp nơi để vay tiền chuẩn bị cho con nhập học Đại học Y dược Huế. Nhưng để hoàn thành chương trình đại học vẫn là câu chuyện dài, nhiều chông gai đối với nữ sinh nghèo...

Câu chuyện về nữ sinh Lê Thị Mỹ Luyên trúng tuyển ngành Y học cổ truyền Đại học Y Dược Huế với 26,75 điểm khiến nhiều người trầm trồ, cảm phục về tinh thần hiếu học, ý chí vượt qua khó khăn của em. Nhưng đằng sau niềm vui ấy là cả chặng đường dài, nhiều trở ngại đối với cô học trò nghèo như Luyên. 6 năm học đại học, gia cảnh khó khăn, liệu em có thể hoàn thành được ước mơ như bao năm qua em ấp ủ?

Gập ghềnh đường đến giảng đường Đại học của nữ sinh nghèo

Tranh thủ thời gian nghỉ trước ngày nhập trường, Luyên cùng mẹ mình phơi sắn cho chóng khô để xuất bán. Sắn cũng là thứ nông sản đã nuôi sống gia đình và tiếp bước cho hai chị em Luyên đến trường.

Em Luyên phụ giúp mẹ phơi sắn cho khô để xuất bán
Em Luyên phụ giúp mẹ phơi sắn cho khô để xuất bán

Dẫn chúng tôi về nhà, Luyên bảo vài ngày nữa em mới nhập trường, em lo lắng lắm, không biết mẹ có đủ sức nuôi em học đại học mấy năm hay không.

Căn nhà nơi gia đình Luyên sinh sống nép mình bên bờ sông Vĩnh Định, thuộc thôn Ngô Xá Đông, xã Triệu Trung, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Căn nhà này được chính quyền địa phương và các nhà hảo tâm góp sức xây tặng.

Hai mẹ con trăn trở, lo lắng về quãng thời gian nhiều vất vả sắp tới
Hai mẹ con trăn trở, lo lắng về quãng thời gian nhiều vất vả sắp tới

Nghe tin con gái đậu đại học, chị Nguyễn Thị Hoa (49 tuổi) vừa mừng vừa lo. Trò chuyện với chúng tôi, chị Hoa cho biết: “Nghe cháu Luyên đạt được số điểm cao, người làm mẹ như tui cũng mừng lắm, mừng đến rơi nước mắt. Nhưng vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, một mình tui phải lao động chật vật để nuôi sống gia đình và các con ăn học. Lúc cháu Luyên học đến lớp 9 cũng dự định cho cháu ở nhà, nhưng thấy con học khá nên cũng cố gắng cho con học đến bây giờ”.

Chồng chị Hoa là anh Lê Quang Côn (SN 1963) bị bệnh hơn 20 năm qua. Anh Côn mắc bệnh thần kinh, sức khỏe không ổn định nên chỉ làm được việc nhẹ. Khi khỏe anh chẻ tre đan nông cụ bán cho người dân địa phương. Tuy vậy, nguồn thu nhập khá bấp bênh, mọi gánh nặng đều dồn lên vai chị Hoa.

Để nuôi sống gia đình và cho các con đi học, chị Hoa phải làm thuê làm mướn đủ nghề. Gia đình có 3 sào ruộng, đến mùa thì làm đất, gieo sạ lúa, trồng màu. Khi nhàn rỗi thì ai thuê gì chị làm nấy: cuốc đất, làm vườn, làm thợ hồ…

Chị Hoa lo lắng trước quyết định cho con nhập học và chặng đường 6 năm con ngồi trên ghế nhà trường
Chị Hoa lo lắng trước quyết định cho con nhập học và chặng đường 6 năm con ngồi trên ghế nhà trường

Trăn trở về kế hoạch cho con nhập học, chị Hoa cho hay, khi biết cháu Luyên đậu đại học, nhiều người quen và hàng xóm có động viên cháu, nhiều thì trăm ngàn, ít thì năm bảy chục tui gom lại cho cháu nhập học. Nhưng, để lo đủ khoản học phí ban đầu hơn 5 triệu đồng cho con vào trường, tui cũng phải vay mượn khắp nơi.

“Học ngành Y cũng là ước mơ của cháu từ lâu, con đã quyết tâm như vậy mà mình cho con nghỉ học cũng không đành, thấy tội lắm. Trước mắt tui cố gắng vay mượn cho con nhập trường. Chưa biết tui có nuôi được cháu 6 năm học đại học hay không, nhưng tui chấp nhận vất vả thêm một chút, nhịn ăn, nhịn mặc để cho con đi học. Hy vọng sau này cháu nó tốt nghiệp, kiếm được việc làm cho tương lai đỡ vất vả”, chị Hoa lo lắng.

Mặc dù hoàn cảnh khó khăn nhưng Luyên luôn cố gắng phấn đấu vươn lên trong học tập. 12 năm học vừa qua em luôn đạt danh hiệu học sinh khá, giỏi. Ngoài ra, Luyên còn đạt nhiều giải ở các cuộc thi học sinh giỏi cấp tỉnh: Giải Ba môn Toán cấp tỉnh, giải Ba giải Toán bằng máy tính Casio, giải Khuyến khích cuộc thi giải Toán qua mạng…

Em trai Luyên là Lê Quang Lưu, năm nay học lên lớp 9. Noi gương chị gái, em Lưu luôn cố gắng và đạt lực học Khá.

Căn nhà gia đình Luyên sinh sống được các nhà hảo tâm góp sức xây tặng
Căn nhà gia đình Luyên sinh sống được các nhà hảo tâm góp sức xây tặng

Chia sẻ về dự định sắp tới, Luyên cho biết: “Sắp tới khi vào Huế, cháu được một người chị quen biết cùng quê cho ở ghép nên cũng đỡ chi phí thuê trọ. Vào học, cháu sẽ cố gắng thu xếp thời gian để đi làm thêm, đỡ đần cho mẹ cháu. Cháu biết mẹ sẽ vất vả hơn khi nuôi cháu học đại học và nuôi em trai, nhưng cháu sẽ cố gắng. Học nghề Y cũng là ao ước của cháu từ rất lâu, cháu muốn học để sau này đem kiến thức, kinh nghiệm ấy giúp cha chữa bệnh”.

Lời tâm sự đẫm nước mắt của nữ sinh nghèo khiến chúng tôi không cầm nổi lòng. Với hoàn cảnh khó khăn của Luyên, chưa biết em có hoàn thành được ước mơ của mình hay không nhưng tiếp xúc với Luyên, ai cũng sẽ tin tưởng trước nghị lực, ý chí phấn đấu không ngừng của em. Các cá nhân, tổ chức hảo tâm có thể giúp đỡ, tạo cho em cơ hội hoàn thành được ước mơ và chia sẻ với em Lê Thị Mỹ Luyên theo số điện thoại 0915 140 615.

Đăng Đức