Băn khoăn của giáo viên gửi tân Bộ trưởng giáo dục Phùng Xuân Nhạ

(Dân trí) - “Là những người trực tiếp đứng lớp, chúng tôi nhận thấy thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã có nhiều đổi mới tích cực. Tuy nhiên, nhiều quy định vẫn còn gây khó khăn cho giáo viên”, một số giáo viên đã chia sẻ ý kiến với mong muốn trong nhiệm kì tới, tân Bộ trưởng Bộ GD&ĐT sẽ có những quyết sách đúng đắn để thúc đẩy nền giáo dục.


Điểm trường Xéo Mả Pán- xã Khao Mang, Mù Cang Chải, Yên Bái đang dtrong tình trạng xuống cấp (ảnh: Giáo viên cung cấp)

Điểm trường Xéo Mả Pán- xã Khao Mang, Mù Cang Chải, Yên Bái đang dtrong tình trạng xuống cấp (ảnh: Giáo viên cung cấp)

TS Tùng Lâm, Chủ tịch Hội tâm lý Giáo dục, Hiệu trưởng THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội): "Giáo viên không đủ năng lực phải loại bỏ".

Tôi hết sức hoan nghênh ý kiến của tân Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ khi ông cho biết sẵn sàng nghe ý kiến của người dân, của phụ huynh học sinh và các chuyên gia để làm cho ngành giáo dục được tốt hơn.

TS Tùng Lâm
TS Tùng Lâm

Theo tôi, làm giáo dục phải bỏ tất cả những gì là thành tích, nêu cao vai trò của người học, phải lấy người dạy và học làm trung tâm. Theo đó, phải có kế hoạch đào tạo và bồi dưỡng giáo viên xứng đáng. Giáo viên không đủ năng lực, phẩm chất phải loại bỏ.

Về tồn tại của giáo dục, phải có thời gian thực hiện lâu dài nhưng quan trọng và cốt yếu nhất là chú ý thay đổi vai trò của con người.

Bà Lê Thị Nguyên Hương, nguyên Phó Hiệu trưởng THPT chuyên Nguyễn Huệ: "Việc thi cử phải cập nhật theo xu hướng thế giới nhưng phải được triển khai ổn định, dài hơi, có quy trình"

Vài hôm trước, tôi có nghe Phó Thủ tướng cho rằng, sắp tới chúng ta chỉ thi THPT còn việc tuyển vào ĐH, CĐ phải giao cho các trường tự chủ. Thú thật chúng tôi rất băn khoăn và lo lắng khi nghĩ việc thi cử sẽ quay về theo phương thức cũ trước đây.

Sự thật phương thức thi mới chưa thực hiện được bao lâu. Khi giáo viên và học sinh đã làm quen với phương thức mới mà lại có thay đổi đột ngột thì giáo viên và phụ huynh học sinh đều rất lo lắng hoang mang không biết sẽ đi về đâu.

Việc thi cử chưa thực hiện đến đầu đến đũa, đã lại thay đổi như kiểu mang học sinh ra làm "chuột bạch" thí nghiệm sẽ khiến giáo viên và phụ huynh chạy theo rất mệt mỏi, học sinh thì ngơ ngác không biết sẽ ra sao trong thời gian tới.

Vì thế, chúng tôi mong muốn việc thi cử phải cập nhật theo xu hướng thế giới để hội nhập nhưng phải được triển khai ổn định, dài hơi, có quy trình nhất định để tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh.

Thứ hai, tâm lý của người Việt chúng ta hiện nay ai cũng muốn cho con vào ĐH nên số học sinh vào CĐ sẽ ít hơn. Số lượng sinh viên tốt nghiệp ĐH ra không có việc làm ngày càng nhiều. Do vậy, phải thay đổi nhận thức của phụ huynh học sinh, thay đổi nhận thức của giáo viên và người học về việc không nhất thiết phải cầm tấm bằng ĐH trong tay, quan trọng là phải thành một công dân tốt, phải có kiến thức để hội nhập trên tất cả mọi mặt.

Bà Phạm Thị Cúc Hà, Ths giáo dục tại Đại học Flinders (Úc) : “Ở nước ngoài, việc đánh giá giáo dục được tiến hành độc lập”.

Chúng tôi mong muốn được “nới lỏng” giáo dục hơn, cho các trường chủ động hơn nhưng quản lý chặt bằng một phương thức khác.

Cụ thể, các trường có thể cam kết chất lượng họ đưa ra. Chất lượng được đánh giá không chỉ ở các cơ quan giáo dục mà phải có thanh tra độc lập. Việc đánh giá chất lượng phải gồm cả phụ huynh- những người đang sử dụng giáo dục.

Thứ hai, chúng tôi mong muốn cắt bớt các môn học không cần thiết cho học sinh từ cấp tiểu học trở lên. Các chương trình được kết nối với nhau theo chủ đề.

Bà Phạm Thị Cúc Hà
Bà Phạm Thị Cúc Hà

Thứ 3, cần tập trung vào thể chất cho học sinh, cần đầu tư vào môn thể dục để học sinh nâng cao thể lực và sức khỏe.

Thứ 4, Tiếng Anh thực sự quan trọng, và phải cần có chỗ đứng hơn trong chương trình giáo dục từ mầm non trở lên, Tuy nhiên, với mầm non, sức trường đến đâu thì làm đến đấy, nhưng với giáo dục tiểu học trở lên thì cần phải có sự điều chỉnh về thời lượng tiếng Việt xuống để tiếng Anh có chỗ đứng đàng hoàng trong chương trình"

Cô Đoàn Thị Hồng Thủy, giáo viên Trường tiểu học số 1 Đồng Lê , Tuyên Hóa, Quảng Bình: “Đề xuất rà soát bổ sung tài liệu dạy học phù hợp, khoa học hơn

Là những người trực tiếp đứng lớp, chúng tôi nhận thấy thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã có nhiều đổi mới tích cực. Tuy nhiên, có một số quy định vẫn còn gây khó khăn cho giáo viên.

Hiện tại, trường chúng tôi đang áp dụng mô hình dạy học VNEN. Qua thực tế giảng dạy, tôi thấy mô hình này có những ưu điểm như: Phát huy khả năng tự học và tự tìm tòi của học sinh. Nhưng bên cạnh đó, cũng có những mặt hạn chế.

Thứ nhất, việc đánh giá theo Thông tư 30 có những điểm bất cập. Học sinh không có bài kiểm tra thường xuyên (hàng tháng) nhưng lại có bài kiểm tra cuối kì, cuối năm ( một căn cứ đóng vai trò quan trọng) kết hợp kết quả theo dõi, đánh giá thường xuyên bằng nhận xét ( thông qua ghi chép) của giáo viên, nhận xét của phụ huynh...để đánh giá xếp loại học sinh.

Cô Đoàn Thị Hồng Thủy
Cô Đoàn Thị Hồng Thủy

Đến cuối lớp 5, học sinh phải qua kì kiểm tra (bàn giao chất lượng) có sự tham gia coi và chấm của giáo viên cấp 2. Đây là việc làm k phù hợp với tâm lý lứa tuổi học sinh tiểu học vì các em sẽ lo sợ, bất an khi khi có thầy cô lạ. Điều này sẽ ảnh hưởng đến kết quả bài làm của các em.

Thứ hai, việc dạy theo mô hình mới, giáo viên và học sinh sử dụng chung tài liệu “3 trong 1” nhưng nội dung tài liệu có những bất cập. Chẳng hạn, tên bài học và nội dung bài không ăn khớp với nhau.Ví dụ: bài 29A: Nam và nữ (tiếng Việt lớp 5-tập 2B) nhưng nội dung gồm một bài tập đọc, viết chính tả, ôn dấu câu, cách viết hoa tên danh hiệu, quy tắc viết hoa... Và còn rất nhiều bài kiểu như thế trong tài liệu giảng dạy này. Vì thế, chúng tôi đề xuất rà soát bổ sung tài liệu dạy học “3 trong 1” phù hợp, khoa học hơn.

Ngoài ra, có một số điều mà nhiều giáo viên cũng đã băn khoăn chia sẻ trên báo giới. Chẳng hạn, việc đánh giá học sinh bằng nhận xét. Trước đây, việc đánh giá học lực cuối năm như: Học sinh giỏi phải có trên nửa số môn đạt điểm giỏi (trong đó có toán và tiếng Việt); Học sinh tiên tiến phải có nửa số môn đạt điểm khá trở lên trong đó có một môn Toán hoặc tiếng Việt đạt điểm giỏi)... Chúng tôi thấy áp dụng quy định này hay phù hợp, giáo viên không áp lực vì chất lượng lớp.

Như hiện nay, việc khen tràn lan nên dẫn đến kiểu “hòa cả làng”, phụ huynh cũng khó hình dung được con mình đang học tập ở mức độ nào, trong khi giáo viên cũng rất khổ bởi cuối kì lại rơi vào quá tải vì nhận xét.

Thầy giáo Đỗ Anh Dũng, giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học & Trung học cơ sở Mồ Dề, Mù Cang Chải, Yên Bái: “Mong quan tâm hơn nữa đến giáo dục vùng cao”.

Thầy Đỗ Anh Dũng
Thầy Đỗ Anh Dũng

Chúng tôi là một trong những giáo viên đã gắn bó nhiều năm với trẻ em vùng cao ở Mù Cang Chải, Yên Bái. Vì vậy, chúng tôi hiểu được nỗi khổ của học sinh ở đây cũng như của các tỉnh miền núi rẻo cao. Nhiều người trong số chúng tôi từng có cơ hội để tìm kiếm một nơi làm việc tốt hơn nhưng cuối cùng, chúng tôi vẫn chọn cách ở lại, với mong ước đưa các em đến với con chữ.

Mặc dù trong nhiều năm qua, nhờ sự ủng hộ của các cấp chính quyền, sự quan tâm của các nhóm từ thiện nên cơ sở vật chất ở đây đã khang trang hơn. Tuy nhiên, ở Yên Bái và nhiều địa phương vẫn còn đó những lớp học tồi tàn, mái tranh vách nứa.

Cấp mầm non thì học nhờ tiểu học hoặc nhờ trụ sở thôn. Cấp tiểu học thì học nhờ phòng từ lớp lớn hơn. Có những lớp học trời mưa to quá bị sập, học sinh lại kéo nhau đi học nhờ ở cấp cao hơn. Về mùa đông, nhiều nơi học sinh còn ngồi học trong những lớp học gió lùa tứ phía, ánh sáng le lói... rất gian khổ. Có những em bé đi học, chỉ có mỗi cặp lồng với chút cơm ăn với muối hoặc canh rau khiến chúng tôi không thể cầm lòng.

Vì thế, chúng tôi không mong muốn gì hơn cho bản thân mình, bởi đã xác định gắn bó ở vùng cao thì phải chấp nhận và luôn nỗ lực cố gắng. Tuy nhiên, chúng tôi mong lãnh đạo các cấp quan tâm đến giáo dục vùng cao, đầu tư cơ sở vật chất trường lớp cho học sinh vùng cao khang trang hơn một chút để các em được yên tâm tới lớp.

Mỹ Hà (ghi)

(Email:myha@dantri.com.vn)