Câu chuyện giáo dục:

Bài văn tả mẹ

(Dân trí) - Đọc bài văn của con, chị Thúy vừa bật cười vừa có phần lo lắng khi con tả “tính tình, giọng nói mẹ hiền dịu”. Nhưng khi được hỏi “mẹ có hiền không” thì cậu con ôm bụng cười ngặt nghẽo.

Cứ mỗi lần đọc văn của cậu con trai đang học lớp 2 tại một trường tiểu học ở quận 2 (TPHCM) là chị Nguyễn Thị Thúy vừa bật cười vừa rầu. Có lần cậu tả mẹ đẹp như công chúa, chị thấy cũng nên khuyến khích trí tưởng tượng của con.

Nhưng bài văn mới nhất của con trai tả mẹ mà chị không hề nhận ra con người mình trong đó. Người mẹ em cao, tóc mẹ em dài mượt trong khi chiều cao chị rất khiêm tốn và tóc thì… xoăn tít.

Đặc biệt chị chú ý đến đoạn con tả tính cách mình: tính tình và giọng nói mẹ hiền dịu thì chị lắc đầu. Bởi hàng ngày, chính cậu con trai rất hay than thở: “giọng mẹ chua như chanh, mẹ ghê gớm”. Chị thủ thỉ: “mẹ hiền thật à” thì cậu con ôm bụng cười ngặt nghẽo.

Chị không thể hiền như con đã tả. Tuy nhiên, khi làm bài, tất cả học sinh được cô giáo gợi ý tả ai cũng được, miễn sao phải: hiền lành!

Có thể cô giáo bị áp lực sĩ số HS đông, cô giáo mang khuôn mẫu “đã là mẹ là phải hiền” như trong hàng loạt các bài văn mẫu để áp đặt lên các em. Thế nên không có gì lạ, có hàng loạt bài văn của các em na ná nhau. Mẹ em này cũng như mẹ em kia. Bố em này cũng có thể là bố em khác.

Dạy học Văn theo mẫu đang tiếp tay hình thành cho học trò thói quen ăn cắp?
Dạy học Văn theo "mẫu" đang tiếp tay hình thành cho học trò thói quen "ăn cắp"?

Có em học sinh lớp 4 tả giáo viên chủ nhiệm của mình, em vẽ nên hình ảnh cô đẹp như tiên, khuôn mặt trái xoan, tóc dài mượt, dáng người thon thả, giọng nói ân cần, tác phong rất nhẹ nhàng…

Trong khi thực tế cô giáo chủ nhiệm của em hoàn toàn ngược lại. Hàng ngày em có thể kể vanh vách: trông cô già hơn tuổi, cô vất vả, lúc nào cũng lo âu…

Khi viết văn các em hoàn toàn có thể dùng trí tưởng tượng. Nhưng đáng tiếc bài văn của cô học sinh lớp 4 không phải do trí tưởng tượng của mình mà hoàn toàn theo trí tưởng từ các bài văn mẫu.

Bài văn mẫu là những bài văn để học trò tham khảo về văn phong, cách viết, cách khai thác vấn đề. Vậy nhưng có một thực tế từ lâu văn mẫu hay cách dạy Văn theo mẫu từ giáo viên lại khích lệ học trò… bê nguyên bài văn mẫu cho bài viết của mình.

Điều nguy hiểm không chỉ làm các em thui chột trong việc nói lên cảm nhận, cách nhìn, tiếng nói, quan điểm của mình đến bức tư duy bị bóp nghẹt. Mà việc học dạy Văn theo mẫu đã tiếp tay cho các em quen với việc “ăn cắp” của người khác.

Trong một hội thảo về đạo đức giới trẻ, Tiến sĩ Bùi Trân Phượng (ĐH Hoa Sen) kể câu chuyện về cô sinh viên xuất sắc được tham gia một khóa học ở nước ngoài. Nhưng chỉ ngay bài luận đầu tiên của mình, cô gái đã bị cảnh cáo vì tội… “ăn cắp” từ nhiều nguồn tư liệu.

Cô gái ngỡ ngàng vì mình bị quy tội tội tày đình này. Khi về nước, cô nữ sinh đặt câu hỏi: “Nếu em sao chép ý tưởng, câu văn của người khác nhưng được người ta cho phép, không yêu cầu phải ghi trích dẫn thì có bị xem là “đạo văn” không?”.

Và em nói rằng, ngay từ cấp 1, khi làm Văn hay thi học sinh giỏi môn Văn, cô học trò luôn được cô giáo làm sẵn những bài văn mẫu, yêu cầu học thuộc đến ngày thi chỉ việc chép lại.

Một vấn nạn ở giảng đường đại học được cảnh báo hiện nay là sinh viên chúng ta em “đạo văn” là chuyện bình thường. Thao tác của nhiều sinh viên chỉ cần lên mạng sử dụng lệnh “cắt” và ‘dán” để giải quyết các bài tập, bài luận. Lúc ra trường đi làm, khi lên ý tưởng, thiết kế, sáng tạo… người này “ăn theo” của người khác cũng chẳng có vấn đề gì.

Theo một nhà giáo ở TPHCM, cách dạy Văn theo mẫu tồn tại lâu nay hình thành cho lớp trẻ nề nếp phải gọi là “xào lại của người khác” đến nỗi ít ai biết rằng mình đang “ăn cắp”!

Hoài Nam

Mọi thông tin, ý kiến đóng góp về các vấn đề giáo dục, quý độc giả có thể gửi đến ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!