“Bài toán” chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030

Lệ Thu

(Dân trí) - Theo các chuyên gia, trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp là bài toán cần huy động tổng thể các nguồn lực, giải pháp để thực hiện trong bối cảnh hội nhập.

Ngày 24/7, tại Quảng Ninh, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) đã tổ chức Hội thảo quan điểm, mục tiêu, chiến lược và phát triển GDNN giai đoạn 2021-2030. 

Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN nhấn mạnh, chiến lược phát triển GDNN được coi là “sợi dây” xuyên suốt, làm cơ sở, làm định hướng để thúc đẩy sự phát triển hệ thống GDNN trong thời gian 10 năm tới.

Chính phủ và Bộ LĐ-TB&XH đã giao Tổng cục GDNN tổ chức xây dựng Chiến lược phát triển GDNN giai đoạn 2021-2030. Đến nay, đã có một số công việc được triển khai, và đã định hình được những nét cơ bản của chiến lược.

“Bài toán” chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030 - 1

Tiến sĩ Trương Anh Dũng - Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp phát biểu tại hội thảo.

Tại hội thảo, các chuyên gia nhóm nghiên cứu xây dựng chiến lược đã trình bày những chuyên đề mang tính nghiên cứu định hướng phục vụ công tác xây dựng chiến lược: Tiếp cận xây dựng chiến lược phát triển GDNN, kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị đối với Việt Nam; quan điểm, mục tiêu và các đột phá chiến lược phát triển GDNN giai đoạn 2021-2030; các xu hướng dịch chuyển trong thị trường lao động và nhu cầu lao động kỹ năng ở Việt Nam.

Kết hợp tổng thể các nguồn lực để phục vụ chiến lược

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, Chiến lược phát triển GDNN được cho là việc xác định định hướng phát triển GDNN của quốc gia trong một giai đoạn nhất định, trên cơ sở kết hợp tổng thể các nguồn lực và đề ra các giải pháp các bước đi để thực hiện mục tiêu trong bối cảnh hội nhập.

Việc xây dựng chiến lược được đặt ra trước các yêu cầu về tăng trưởng kinh tế cao và bền vững với khát vọng đưa Việt Nam trở thành một nền kinh tế công nghiệp hóa, hiện hóa và có thu nhập trung bình cao vào năm 2035 hoặc thu nhập cao vào năm 2045, yêu cầu từ hiện đại hóa nền kinh tế với nền công nghiệp hiện đại chiếm tỷ trọng cao và giữ vai trò chủ đạo trong tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững, trong đó tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ chiếm trên 90% GDP, trên 70% lao động của nền kinh tế làm việc trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ; các yêu cầu khác từ sự biến đổi cơ cấu dân số, tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế. Để đáp ứng các yêu cầu đó cần lực lượng lao động có kỹ năng tay nghề cao, có đủ năng lực tiếp thu công nghệ hiện đại tiên tiến trên thế giới.

PGS.TS Dương Đức Lân, Chủ tịch Hiệp hội GDNN và Nghề công tác xã hội Việt Nam cho rằng công tác xây dựng chiến lược có nhiều thuận lợi bởi hệ thống pháp lý hiện nay như Luật GDNN, Luật Giáo dục sửa đổi, Bộ Luật Lao động sửa đổi. Các giải pháp đưa ra cho chiến lược phải có tính đột phá, huy động tốt các nguồn lực để thúc đẩy phát triển, thay đổi về chất đối với GDNN.

“Bài toán” chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030 - 2

PGS.TS Dương Đức Lân, Chủ tịch Hiệp hội giáo dục nghề nghiệp và Nghề công tác xã hội Việt Nam phát biểu tại hội thảo.

Một số nội dung được đề cập để xây dựng chiến lược như đào tạo hệ 9+, hệ trung học chuyên nghiệp, đào tạo cập nhật kỹ năng cho lao động, mô hình hội đồng kỹ năng nghề, đào tạo nghề gắn với doanh nghiệp, tập nghề, trung tâm thực hành vùng, phân bổ nguồn lực theo đầu ra là những nội dung mới và cần nghiên cứu để đưa vào chiến lược.

TS. Nguyễn Hồng Minh, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN nhận định công tác xây dựng chiến lược gặp khó khăn do chưa có chiến lược phát triển kinh tế xã hội, chiến lược phát triển nhân lực thời kỳ mới.

Ông Minh đề nghị có đánh giá cụ thể đối với gần 500 trường thuộc khối chuyên nghiệp, định hướng rõ ràng về vị trí vai trò của các trường trung cấp, hệ đào tạo trung cấp trong hệ thống, nghiên cứu mô hình đã triển khai tốt trước đây như mô hình trung học kỹ thuật, quan tâm phát triển đội ngũ nhà giáo, đào tạo gắn doanh nghiệp, huy động các nguồn lực xã hội hóa cho GDNN. Chiến lược phải thể hiện tính tổng thể, quan điểm, giải pháp của chiến lược đảm bảo tính tập trung, có ưu tiên.

“Bài toán” chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030 - 3

TS Nguyễn Hồng Minh, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp phát biểu tại hội thảo.

Cơ hội để đổi mới toàn hệ thống giáo dục nghề nghiệp

PGS.TS Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng chiến lược luôn có sứ mệnh lịch sử đặc biệt, cần định hình rõ ràng. Đây là cơ hội để đổi mới toàn hệ thống GDNN. Cơ cấu nguồn nhân lực GDNN phải là một bộ phận của cơ cấu nhân lực quốc gia, chiến lược phát triển nhân lực quốc gia.

“Bài toán” chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030 - 4
PGS.TS Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng phát biểu.

PGS.TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh cần có đánh giá đầy đủ, sâu sắc về nguyên nhân, hạn chế của thực hiện chiến lược phát triển dạy nghề giai đoạn trước đó, đánh giá một cách đầy đủ thực trạng nguồn lực hiện có.

Nhân lực Việt Nam hiện nay còn nhiều hạn chế, chỉ đáp ứng ở mức thấp các yêu cầu của công nghiệp. Đứng trước yêu cầu thay đổi cơ cấu công nghiệp, sự tác động của kinh tế số dẫn đến thay đổi cơ cầu ngành nghề, 10 năm tới cơ cấu nghề nghiệp Việt Nam sẽ ra sao, kỹ năng của người lao động thay đổi như thế nào điều này cần định hình rõ.

Bên cạnh đó, TS. Jurgen Harwigt, Giám đốc chương trình Đổi mới đào tạo nghề Việt Nam cho rằng trong 10 năm qua, Việt Nam gặt hái được nhiều thành tựu trong phát triển hệ thống GDNN.

Hiện nay, Việt Nam có hệ thống GDNN với sự thống nhất trong quản lý Nhà nước, nhìn nhận của xã hội về GDNN đã có sự thay đổi tích cực, tuyển sinh GDNN đã tăng lên. GDNN cần có sự đổi mới trước nhiều thách thức của sự già hóa dân số, tác động của dịch bệnh toàn cầu, cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và hội nhập quốc tế.

TS. Jurgen Harwigt đề nghị giai đoạn tới, GDNN cần tập trung cải thiện hệ thống thông tin dữ liệu, báo cáo, dự báo đáp ứng yêu cầu phát triển hệ thống; xây dựng các tiêu chuẩn ở nhiều cấp trình độ khác nhau, phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý. Ưu tiên phát triển mô hình hội đồng kỹ năng nghề ở nhiều ngành nghề khác nhau, đào tạo trong nội bộ doanh nghiệp và đưa GDNN tiếp cận tốt hơn đối với người dân và xã hội.

TS. Nguyễn Văn Lân, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhấn mạnh sự cần thiết về phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở GDNN, cần có một trung tâm tích hợp vùng thực hiện nhiều chức năng đào tạo bồi dưỡng, chiến lược cần làm rõ cơ chế đặt hàng trong đào tạo để giảm bớt đầu tư từ nguồn kinh phí nhà nước.

Đại diện trường Cao đẳng Than khoáng sản Việt Nam đề nghị mục tiêu cần có số liệu cụ thể; bổ sung cơ sở pháp lý đánh giá cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia, bổ sung danh mục ngành nghề có tính chất độc hại vào danh mục các ngành nghề phải có đánh giá cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia.