Bác sĩ ném xác bệnh nhân: Phản lại lời thề y đức của ĐH Y Hà Nội

(Dân trí)-Trước khi tốt nghiệp Trường ĐH Y Hà Nội, SV nào cũng phải đọc 5 lời thề nghề nghiệp. Trong đó, có lời thề: “Không làm điều gì tổn hại tới uy tín nghề nghiệp”. Tuy nhiên, bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường, sinh viên tốt nghiệp xuất sắc ĐH Y Hà Nội đã phản lại lời thề.<br><a href='http://dantri.com.vn/event-2372/Giam-doc-phau-thuat-tham-my-phi-tang-xac-khach-hang.htm'><b>&nbsp;>>&nbsp; Giám đốc phẫu thuật thẩm mỹ phi tang xác khách hàng</b></a>

Dư luận cả nước đang chấn động và bức xúc về vụ việc bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường, bệnh viện Bạch Mai, Giám đốc Thẩm mỹ viện Cát Tường làm chết bệnh nhân rồi vứt xác xuống sông Hồng để phi tang. Vị bác sĩ này đã từng là sinh viên tốt nghiệp xuất sắc ĐH Y Hà Nội, hiện đã có bằng thạc sĩ và đang tiếp tục làm luận án Tiến sĩ.

Trao đổi với báo chí, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội Nguyễn Đức Hinh đã bàng hoàng, xót xa khi biết tin sinh viên của trường lại có hành động như vậy.

Về việc giảng dạy Y đức cho sinh viên tại trường, ông Hinh cho biết, ngay từ khi nhập trường, sinh viên đã được học lời thề Hippocrates, học tấm gương Hải Thượng Lãn Ông, 12 điều Y đức Việt Nam; các quy định của Bộ Y tế về đạo đức của người thầy thuốc... Trước đây đạo đức y tế được dạy lồng ghép trong các môn học như tổ chức y tế, đạo đức y học  nhưng từ năm 2010 bộ môn này được ngành chú trọng, tách ra thành môn độc lập với tên gọi Y xã hội học và Y đức.
 
Bác sĩ ném xác bệnh nhân: Phản lại lời thề y đức của Trường ĐH Y Hà Nội

Ông Nguyễn Đức Hinh cho hay trong năm học mới này, song song với giảng dạy chuyên môn, Trường ĐH Y Hà Nội sẽ lấy giáo dục đạo đức, đạo đức nghề y là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu. Với mục tiêu này, tất cả đơn vị, bộ môn trong trường sẽ tăng cường giảng dạy y đức cho sinh viên ở mọi lúc, mọi nơi.

“Chúng tôi mong muốn toàn thể các em học viên, sinh viên hãy coi nhiệm vụ rèn luyện đạo đức nghề y là một nhiệm vụ suốt đời mình. Y đức là gốc rễ của mỗi người cán bộ y tế" ông

Hải Thượng Lãn Ông: “Suy nghĩ thật sâu xa, tôi hiểu rằng thầy thuốc là bảo vệ sinh mạng cho con người, sống chết một tay mình nắm, hoạ phúc một tay mình giữ. Thế thì đâu có thể kiến thức không đầy đủ, đức hạnh không trọn vẹn, tâm hồn không rộng lớn, hành vi không thận trọng mà dám liều lĩnh học đòi cái nghề cao quý đó chăng”.

Hinh nhấn mạnh.  

Không chỉ vậy, trong buổi lễ khai giảng năm học mới tại trường ĐH Y Hà Nội vừa qua,  Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng: “Tình hình thực tế các bệnh viện hiện nay đòi hỏi vừa có bác sỹ, dược sỹ có chuyên môn tốt, đồng thời có đạo đức nghề y tốt. Tôi rất mong, các trường đại học y cả nước phối hợp với Bộ GD-ĐT và Đào tạo và Bộ Y tế rà soát và nâng cao hiệu quả các chương trình đào tạo và hoạt động thực tiễn của sinh viên y dược để ý thức đạo đức nghề y thấm sâu đậm vào trái tim, khối óc mỗi sinh viên khi ra trường” .

Không khỏi bàng hoàng và đau xót về hành động của bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường, nhiều bác sĩ cho rằng, việc giảng dạy môn đạo đức nghề nghiệp ở các trường thuộc ngành y vẫn còn nhiều hạn chế. Đó là, sách giáo khoa chuẩn và tài liệu phục vụ việc dạy và học môn đạo đức nghề nghiệp chưa có, giáo trình chủ yếu là do các trường tự biên soạn. Do đó, nội dung các giáo trình chưa thống nhất, không đồng bộ và có nhiều nhược điểm, lượng thông tin không nhiều. Hạn chế này ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng và hiệu quả giảng dạy, học tập môn đạo đức nghề nghiệp, cũng như mục tiêu giáo dục y đức cho sinh viên. Những hạn chế trên cùng sự tác động của những yếu tố như mặt trái của cơ chế thị trường, chính sách tiền lương đối với cán bộ y tế… đã ảnh hưởng không nhỏ tới việc rèn luyện và thực hành y đức của sinh viên các trường thuộc ngành y.

Trường ĐH Y Hà Nội đã ban hành 5 Lời thề nghề nghiệp dành cho sinh viên đọc trong giờ phút thiêng liêng nhận bằng tốt nghiệp như sau:

1. Đặt lợi ích sức khỏe của người dân trên lợi ích của riêng mình; không phân biệt giàu nghèo, địa vị, dân tộc, tôn giáo; tôn trọng quyền và giữ bí mật của người bệnh.

2. Thường xuyên học tập nâng cao kiến thức, kỹ năng, thái độ nghề nghiệp, góp phần phát triển nền Y học Việt Nam.

3. Trung thực, khiêm tốn học hỏi, kính trọng các bậc thầy, những người đi trước; chia sẻ, hợp tác và hỗ trợ đồng nghiệp.

4. Không làm điều gì tổn hại đến uy tín nghề nghiệp.

5. Sẵn sàng tham gia các hoạt động xã hội góp phần chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe cộng đồng.

Hồng Hạnh