Bắc Ninh: “Giáo viên mất việc” tiếp tục hợp đồng đến hết năm học

(Dân trí) - Trong buổi làm việc với Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn sáng ngày 9/5, Sở Nội vụ tỉnh Bắc Ninh đã có những báo cáo chi tiết về vụ việc hàng trăm giáo viên mất việc ở huyện Yên Phong. Bên cạnh đó cũng đề xuất hướng xử lý vụ việc và được lãnh đạo Bộ Nội vụ đồng tình.

Theo đề xuất của Sở Nội vụ tỉnh Bắc Ninh, đối với các đối tượng hợp đồng lao động (HĐLĐ) không trúng tuyển của huyện Yên Phong thì tạm thời chưa chấm dứt HĐLĐ cho đến khi kết thúc năm học (trừ trường hợp giáo viên không có nhu cầu tiếp tục HĐLĐ nữa).

Trước mắt, giáo viên hợp đồng của huyện Yên Phong (Bắc Ninh) tiếp tục được công tác
Trước mắt, giáo viên hợp đồng của huyện Yên Phong (Bắc Ninh) tiếp tục được công tác cho đến hết năm học.

UBND huyện chỉ đạo Tổ công tác của huyện (đã được thành lập) khẩn trương rà soát, phân loại đối tượng HĐLĐ theo thời gian công tác, thành tích đã đạt được; rà soát chỉ tiêu biên chế, vị trí việc làm con thiếu để báo cáo UBND tỉnh, Bộ Nội vụ cho phép tiếp tục HĐLĐ trong phạm vi chỉ tiêu biên chế được giao theo thứ tự ưu tiên cho đến hết chỉ tiêu biên chế còn lại (tính đến thời điểm hiện nay còn khoảng 164 chỉ tiêu do mới được bổ sung và giáo viên mới nghỉ hưu). Thời gian hợp đồng có thời hạn cho đến đợt tuyển dụng gần nhất.

Theo thống kê của thì có 261 đối tượng HĐLĐ không trúng tuyển viên chức vừa qua.

Sở Nội vụ tỉnh Bắc Ninh cũng cho hay, việc người HĐLĐ sau khi thi tuyển, xét tuyển không trúng tuyển thì phải chấm dứt HĐLĐ là đúng quy định của pháp luật. UBND huyện Yên Phong đã có thông báo chủ trương này ngay từ khi rà soát chỉ tiêu, nhu cầu tuyển dụng để xây dựng kế hoạch xét tuyển (theo quy định phải thông báo trước 45 ngày).

Việc huyện Yên Phong lựa chọn phỏng vấn là do sau nhiều năm không tuyển giáo viên, số chỉ tiêu nhiều (612 chỉ tiêu), trong khi là huyện đầu tiên của tỉnh tuyển dụng viên chức kể từ năm 2012 sau khi Luật Viên chức có hiệu lực thi hành. Chính vì vậy, huyện dự báo số thí sinh dự thi thì rất đông (thực tế là 2.370 thí sinh). Nếu áp dụng thực hành giảng dạy 1 tiết trên lớp vừa mất rất nhiều thời gian, vừa khó khăn trong vấn đề bố trí, sắp xếp cơ sở vật chất, lớp học có học sinh học để dạy thực hành…

Liên quan đến nhiều giáo viên cho rằng kì thi phỏng vấn có nhiều dấu hiệu tiêu cực, lãnh đạo Sở Nội vụ cho biết: Theo báo cáo của Chủ tịch UBND huyện Yên Phong, việc phỏng vấn được tiến hành khách quan, công tâm. Nội dung phỏng vấn vừa có phần kiến thức pháp luật về viên chức, về ngành giáo dục đào tạo, vừa có kiến thức chuyên môn theo từng vị trí việc làm. Đề phỏng vấn do một đơn vị độc lập thực hiện (trường CĐ sư phạm Bắc Ninh), có đáp án và thang điểm cụ thể, có số lượng đề dư so với số thí sinh theo đúng quy định. Quy chế phỏng vấn yêu cầu giám khảo chỉ hỏi nội dung liên quan đến câu hỏi mà thí sinh bốc thăm ngẫu nhiên, không được hỏi nội dung ngoài câu hỏi, chấm điểm theo đúng đáp án. Cách lý Ban kiểm tra sát hạnh (cán bộ phỏng vấn) 24/24 giờ trong suốt thời gian phỏng vấn (19 ngày) dưới sự giám sát của Công an để tránh tiêu cực.

Các ngành diễn ra phỏng vấn, ngoài cán bộ giám sát của Sở Nội vụ (thành viên Ban giám sát do Chủ tịch UBND tỉnh thành lập), còn có cán bộ Phòng PA83 Công an tỉnh, cán bộ Công an huyện tham gia giám sát, bảo vệ. Theo ghi nhận của Ban giám sát, quá trình phỏng vấn diễn ra trật tự, nghiêm túc.

Tuy nhiên, theo kênh điều ra riêng của phóng viên Dân trí thì trong khâu phỏng vấn ở kì thi tuyển dụng viên chức ở huyện Yên Phong vừa qua có những biểu hiện đáng nghi ngờ. Chẳng hạn như thí sinh điểm trung bình học tập, điểm tốt nghiệp thấp nhưng điểm phỏng vấn lại cao "chót vót", đối tượng đang HĐLĐ trúng tuyển viên chức có nhiều người là con em cán bộ của huyện…

Chúng tôi sẽ tiếp tục làm sáng tỏ vấn đề để thông tin đến bạn đọc

S.H