Bạc Liêu: Xử lý nghiêm hành vi học sinh đi xe máy không đội mũ bảo hiểm

(Dân trí) - Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh Bạc Liêu yêu cầu xử lý nghiêm hành vi người lớn chở học sinh, trẻ em đi mô tô, xe máy, xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm theo quy định.

Thực hiện tháng cao điểm ATGT cho học sinh đến trường năm học 2018 - 2019, Ban ATGT tỉnh Bạc Liêu yêu cầu cha mẹ học sinh ký cam kết và giám sát thực hiện cam kết chấp hành quy định ATGT cho học sinh, đặc biệt là phải đội mũ bảo hiểm cho trẻ em khi đi mô tô, xe gắn máy,...

Đề nghị các lực lượng tuần tra kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính về trật tự ATGT phối hợp với nhà trường, cơ sở giáo dục để tuyên truyền và giáo dục pháp luật về trật tự ATGT cho học sinh, sinh viên.

Tổ chức phân luồng giao thông trên các tuyến đường trọng điểm trong giờ đến và tan trường; dừng xe, kiểm tra, nhắc nhỡ học sinh, phụ huynh chấp hành nghiêm quy định về ATGT.

“Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về trật tự ATGT liên quan đến trẻ em, đặc biệt là hành vi người lớn chở trẻ em, học sinh đi mô tô, xe máy, xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm theo quy định”, Ban ATGT tỉnh Bac Liêu yêu cầu rõ.

Ban ATGT Bạc Liêu yêu cầu xử lý nghiêm trình trạng học sinh không đội mũ bảo hiểm khi đi trên xe máy, xe đạp điện,... (Ảnh minh họa)
Ban ATGT Bạc Liêu yêu cầu xử lý nghiêm trình trạng học sinh không đội mũ bảo hiểm khi đi trên xe máy, xe đạp điện,... (Ảnh minh họa)

Theo thống kê của Sở GD&ĐT tỉnh Bạc Liêu, tính đến cuối tháng 5/2018, tỉnh Bạc Liêu có 374 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên. Trong đó, cấp Mầm non, Mẫu giáo là 88 trường; cấp Tiểu học có 129 trường; cấp THCS có 65 trường; cấp THPT có 20 trường; Giáo dục thường xuyên có 71 cơ sở; có 1 Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp tỉnh.

Về quy mô học sinh, ở giáo dục mầm non, toàn tỉnh đã huy động được 30.449 trẻ đến trường; ở giáo dục phổ thông, cuối năm học 2017-2018 có 133.807 học sinh/4.072 lớp;…

Năm học 2018 - 2019, ngành GD&ĐT tỉnh Bạc Liêu xác định phương hướng chủ yếu là tiếp tục chấn chỉnh công tác tổ chức quản lý, điều hành hoạt động của các cơ quan quản lý giáo dục, cơ sở giáo dục, hoạt động dạy - học, trước hết là của cán bộ quản lý, giáo viên.

Chấn chỉnh việc chấp hành thi hành công vụ, nêu cao ý thức tự học, tự rèn luyện để không ngừng hoàn thiện năng lực chuyên môn, phẩm chất, đạo đức của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên trong các cơ quan, cơ sở giáo dục, nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ năm học.

Đặc biệt, quan tâm giáo dục đạo đức, hạnh kiểm, kỹ năng, ý thức tự rèn luyện học tập của học sinh, làm cho các hoạt động giáo dục chuyển biến theo hướng “Dạy thật - Học thật” để vươn tới mục tiêu “Dạy tốt - Học tốt".

H.H