Bạc Liêu: "Quỹ ATM điện thoại" đã đến tay nhiều học sinh nghèo

Huỳnh Hải

(Dân trí) - Chiều 15/9, chương trình "Quỹ ATM điện thoại" do ngành giáo dục huyện Vĩnh Lợi đã tổ chức trao tận tay cho nhiều học sinh nghèo trên địa bàn.

Chia sẻ của người nhà học sinh nhận hỗ trợ điện thoại

Không biết xài điện thoại "quẹt quẹt" nhưng sẽ quản cháu học

Nhà ở ấp Xẻo Lá (thị trấn Châu Hưng, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu) cách trường học không xa lắm nhưng em Lê Hoàng Em (học sinh lớp 8, trường THCS Nguyễn Minh Nhựt) mấy bữa nay rất lo khi nhà nghèo không có điện thoại để học trực tuyến như nhiều bạn bè có điều kiện khác.

Hoàng Em cho biết, nhà có 3 anh em cùng đang đi học. Anh lớn đang học lớp 10, em nhỏ học lớp 6. Anh lớn thì xin được cái điện thoại cũ để học tạm, còn em và em út thì không có điện thoại hay máy tính để học.

Bạc Liêu: Quỹ ATM điện thoại đã đến tay nhiều học sinh nghèo - 1

Em Lê Hoàng Em cùng bà nội đến nhận hỗ trợ điện thoại vào chiều ngày 15/9.

Khi hay tin nhà trường chọn hỗ trợ điện thoại học trực tuyến, Hoàng Em mừng lắm. Chiều 15/9, em cùng bà nội đến dự chương trình "Quỹ ATM điện thoại" do ngành giáo dục huyện Vĩnh Lợi tổ chức. Tận tay nhận chiếc điện thoại từ lãnh đạo ngành giáo dục huyện, Hoàng Em cùng một số bạn khác rất vui và hứa sẽ học tốt.

Mặc áo đồng phục của trường, mang dép lê, bỏ áo vào quần nhưng không có thắt lưng nên chiếc quần dài cứ kéo lên, tụt xuống, nhìn nam sinh lớp 8 này trông đến tội nghiệp. 

Bà Huỳnh Thị Oanh (62 tuổi), bà nội em Hoàng Em cho biết, mẹ của em mất đã lâu, còn cha thì làm mướn ai kêu gì làm nấy. Mấy ngày nay dịch bệnh bùng phát, cha em cũng thất nghiệp không có thu nhập.

"Mấy cha con nó ở với vợ chồng tôi. Tôi nuôi 3 đứa cháu từ lúc còn rất nhỏ, trong đó Hoàng Em được nuôi từ học mẫu giáo đến giờ. Tui thì đi mua bán ve chai cũng khó khăn. Mà nhất quyết, hồi trước mình không học được thì giờ gắng lo cho mấy cháu học đến nơi đến chốn, có cái chữ để sau này sống có ích cho xã hội", bà Oanh chia sẻ.

Thấy cháu được ngành giáo dục huyện hỗ trợ điện thoại thông minh để học, bà Oanh xúc động lắm. Bà nói: "Tui không biết xài điện thoại quẹt quẹt (ý nói cảm ứng) nhưng tui sẽ quản cháu học đàng hoàng. Chỉ khi nào đến giờ học mới mang ra cho nó học, còn học xong cho chơi một chút thì cất vô tủ liền để không xài tùm lum".

Bạc Liêu: Quỹ ATM điện thoại đã đến tay nhiều học sinh nghèo - 2

Em Lê Hoàng Em cho biết rất vui khi nhận điện thoại để học trực tuyến.

Gia đình của em Lê Hoàng Em là một trong những hoàn cảnh học sinh còn khó khăn ở huyện Vĩnh Lợi nói riêng, tỉnh Bạc Liêu nói chung.

Năm học mới đã bắt đầu, khi toàn tỉnh Bạc Liêu triển khai học trực tuyến thì còn hàng ngàn em thiếu thiết bị nên không có điều kiện để học tập. Chính vì thế, chính quyền địa phương và ngành giáo dục rất trăn trở.

Nhiều học sinh phải học trực tuyến nhờ

Ông Châu Minh Thoại, Phó trưởng Phòng GD-ĐT huyện Vĩnh Lợi, cho biết hiện có hơn 4.900 học sinh cấp THCS vào học trực tuyến qua internet.

"Qua rà soát còn hơn 770 em học sinh THCS có hoàn cảnh khó khăn, cha mẹ mất việc làm không có thu nhập do ảnh hưởng dịch bệnh nên không thể tự trang bị dụng cụ học trực tuyến", ông Thoại nói. Ông Thoại cũng cho biết thêm, một số học sinh phải học nhờ, học nhóm cùng một thiết bị, thầy cô thấy rất xót xa.

Theo ông Thoại, từ đó ngành đã vận động nhiều tổ chức, cá nhân và nhận hỗ trợ hơn 400 điện thoại di động cùng sim 4G để các em học tập. Ngoài ra, các đơn vị còn hỗ trợ máy rửa tay, sát khuẩn, đo thân nhiệt và mức phí vào mạng.

Bạc Liêu: Quỹ ATM điện thoại đã đến tay nhiều học sinh nghèo - 3

Lãnh đạo ngành giáo dục huyện Vĩnh Lợi trao điện thoại đến các em học sinh khó khăn.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Từ Minh Phúc, Chủ tịch huyện Vĩnh Lợi cho biết, qua rà soát của ngành giáo dục huyện thì còn rất nhiều học sinh khó khăn, không có điều kiện trang bị thiết bị để học. Do đó, ngành giáo dục triển khai vận động nguồn lực qua chương trình "Quỹ ATM điện thoại" cho học sinh nghèo là rất thiết thực.

"Khi thấy có nhiều đơn vị đồng hành hỗ trợ, huyện rất cảm kích. Sự chung tay này sẽ giúp các em học sinh có điều kiện học tập tốt trong thời điểm phải học trực tuyến khi chưa thể trực tiếp đến trường học", ông Phúc nói.