Ba bước đi cải cách khoa học và giáo dục Việt Nam trong xu thế hội nhập

(Dân trí) - Ngày 22/12, Viện Chính sách và Quản lý thuộc Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN phối hợp cùng Viện Rosa Luxemburg (CHLB Đức) tổ chức Tọa đàm khoa học Quốc tế với chủ đề “Chính sách khoa học và giáo dục của Việt Nam trong xu thế hội nhập quốc tế”.

Tham dự tọa đàm có bà Nguyễn Thanh Hải - Ủy viên BCH TƯ Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội; ông Nguyễn Đức Kiên – Phó Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế Quốc hội, Chủ tịch Nhóm nghị sĩ hữu nghị Việt Nam – CHLB Đức; ông Phạm Đại Dương – Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cùng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Quốc hội, Bộ, ban ngành Trung ương và Thành phố Hà Nội; đại diện các Đại sứ quán nước ngoài tại Hà Nội.

Ba bước đi cải cách khoa học và giáo dục Việt Nam trong xu thế hội nhập - 1

Phát biểu khai mạc tọa đàm, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn Nguyễn Văn Kim khẳng định, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư cùng sự phát triển mạnh mẽ của KH&CN, xã hội thông tin, kinh tế tri thức và sự biến chuyển trong các chuỗi giá trị toàn cầu đang tạo ra thời cơ mới cho Việt Nam hội nhập sâu rộng và hiệu quả hơn vào nền kinh tế thế giới nhưng cũng đặt ra nhiều khó khăn, thách thức khi chúng ta là nước đi sau.

Trong nhiều năm qua Việt Nam luôn nhấn mạnh quan điểm giáo dục và đào tạo cùng với khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực của quá trình phát triển, đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển. Tọa đàm khoa học quốc tế đã đi sâu phân tích về một chủ đề rộng lớn là chính sách, vai trò của khoa học và công nghệ giáo dục và đào tạo trong xu thế hội nhập quốc tế của Việt Nam. Đây cũng là cơ hội cho các nhà quản lý, các học giả trong nước và quốc tế trình bày các kết quả nghiên cứu của mình, lắng nghe và trao đổi các kinh nghiệm về các chủ đề cùng quan tâm.

Trong khuôn khổ tọa đàm, 12 báo cáo được lựa chọn từ hơn 30 tham luận của các nhà khoa học trong và ngoài nước được trình bày, nêu lên những vấn đề chính sách đặc biệt quan trọng, xác định những tác nhân quan trọng của bối cảnh hội nhập quốc tế với việc triển khai chính sách khoa học và giáo dục hiện nay.

GS. Vũ Cao Đàm – Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Viện Chính sách và Quản lý đã đề xuất 3 bước đi cho cải cách khoa học và giáo dục.
GS. Vũ Cao Đàm – Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Viện Chính sách và Quản lý đã đề xuất 3 bước đi cho cải cách khoa học và giáo dục.

Trong báo cáo đề dẫn “Chính sách khoa học và giáo dục trong thời kỳ hội nhập”, GS. Vũ Cao Đàm – Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Viện Chính sách và Quản lý đã đề xuất 3 bước đi cho cải cách khoa học và giáo dục nước ta.

Cụ thể: Bước 1, nhận diện hiện trạng để nhận thức khoa học và giáo dục có đang diễn biến theo chiều hướng phù hợp với quy luật phát triển chung của thế giới hay không. Bước 2, thúc đẩy phát triển theo mô hình phổ biến của thế giới. Đó là một hệ thống trong đó, khoa học, giáo dục và sản xuất tồn tại trong một thiết chế tổ chức gắn bó hữu cơ. Bước 3, hòa vào cuộc cách mạng giáo dục thế giời: phát triển các tổ chức nghiên cứu và phát triển (R&D) trong sản xuất; phát triển các tổ chức R&D trong đại học; phát triển đào tạo đại học và sau đại học tại các viện hàn lâm như đang diễn ra, chuyển đổi dần một số viện hàn lâm thành các học viện, vừa đào tạo, vừa nghiên cứu.

Báo cáo “Tổng quan về chính sách khoa học, công nghệ và giáo dục Việt Nam trong xu thế hội nhập quốc tế” của GS. Nguyễn Văn Khánh – Viện trưởng Viện Chính sách Quản lý, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn cho biết một số xu hướng lớn của thế giới đang chuyển đổi và những thách thức lớn Việt Nam phải đối mặt trong quá trình hội nhập quốc tế như: quản lý nhà nước; sức ép cạnh tranh; bảo vệ an ninh tổ quốc, giữ gìn bản sắc văn hóa; sự phân hóa xã hội; yêu cầu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao…


PGS.TS Đào Thanh Trường - Chủ nhiệm khoa Khoa học Quản lý, Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Quản lý (Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn) phát biểu tại buổi tọa đàm.

PGS.TS Đào Thanh Trường - Chủ nhiệm khoa Khoa học Quản lý, Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Quản lý (Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn) phát biểu tại buổi tọa đàm.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Đại Dương và PGS.TS Đào Thanh Trường - Chủ nhiệm khoa Khoa học Quản lý, Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Quản lý (Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn) nhấn mạnh đến những vấn đề còn tồn tại về khoa học, công nghệ và đổi mới ở Việt Nam như: mặc dù chất lượng được cải thiện nhưng cơ sở vật chất vẫn còn thiếu; chất lượng nghiên cứu chưa cao; hệ thống dịch vụ khoa học, công nghệ, giáo dục và đào tạo còn yếu; thị trường cho công nghệ chưa phát triển; các doanh nghiệp hầu như không có bộ phận nghiên cứu và phát triển; các trường đại học phần lớn tập trung giảng dạy, chất lượng nghiên cứu khoa học chưa cao.

Hai nhà khoa học đề xuất việc thiết lập lại mối quan hệ giữa đào tạo – nghiên cứu – sản xuất, trong đó phát huy hiệu quả vai trò của các bên liên quan và chú ý đến vấn đề hội nhập quốc tế.

Lệ Thu