Áo trễ, váy ngắn... “tung” giảng đường

Mắt đeo kính áp tròng xanh lét, tóc nhuộm hung, gẩy thêm mấy “lai” (light) đỏ, váy dài tới… nửa đùi, mặc legging đen (một dạng quần tất), đi giầy búp bê lấp lánh, trông Trang Anh như chuẩn bị đi thi... Vietnam Idol chứ không phải tới trường.

Thế nhưng với Trang Anh, SV năm thứ 3 HV Báo chí và Tuyên truyền, “đóng bộ” như thế đi học là “chuyện thường ngày ở huyện”.

Áo: trễ cổ, hở lưng; Quần: “chó cắn không tới gấu”

Hà Anh, Uỷ viên Hội SV Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cho biết, một trong những chủ đề “nóng bỏng” nhất trong các cuộc họp của Đoàn thanh niên và Hội SV trường là chuyện SV ăn mặc quá “lố lăng” tới lớp.

Nóng nhất hiện nay là mốt “chó cắn không tới gấu”, tức là mặc quần ngố, váy ngắn trên đầu gối để lộ chân. Tuy nhiên, chỉ những nữ sinh rất tự tin hoặc rất “sành điệu” mới dám diện mốt này tới lớp.

Vương Thị Thuỳ Dung, SV ĐH Kinh tế Quốc dân cho biết cứ mỗi lần có nữ sinh nào mặc váy ngắn đi qua, cả lớp bạn lại ùa ra ngó nghiêng bình phẩm. Có cả lời khen, tiếng chê, thậm chí có cả những SV cực đoan đánh giá nhân cách con người qua chiếc váy ngắn.

Trang Anh, HV Báo chí Tuyên truyền kể lại rằng mỗi lần cô mặc váy hoặc quần soóc siêu ngắn là lại hút mắt toàn bộ SV học cùng tầng. Cô nàng lại còn có sở thích kỳ quặc là cứ mùa hè thì mặc váy ngắn kèm legging, nhưng mùa đông trời rét căm căm lại thích để lộ chân trần.

Mỹ Linh, SV CĐ Du lịch cho biết: “Ở trường em có những bạn “sành điệu” toàn phần luôn. Đi xe @ này, tóc xoăn vuốt keo bóng lộn, phấn trên mặt dày... cả tấc, tô mắt đậm ấn tượng, khuyên tai lủng lẳng hoành tráng, áo phải sexy, nếu không thì cũng thật điệu đà, vòng cổ trang sức rườm rà, quần bó sát, guốc cao lêu khêu”.

Còn nhớ hồi có bộ phim “Ngôi nhà hạnh phúc” đang làm mưa làm gió ở Việt Nam, SV trường ĐH Ngoại thương ngày nào cũng bất ngờ bởi một nữ sinh khóa 03-07. Cô nàng hâm mộ bộ phim tới mức ăn mặc giống hệt diễn viên chính trong phim, giống tới từng chi tiết, màu sắc váy áo, dép guốc, khuyên tai, kể cả bộ tóc xù buộc lệch lúc lắc 1 bên.

Một buổi sáng, lướt qua mấy phòng học của nhà D ở Trường ĐH Ngoại thương, thấy có cả những SV mặc áo không tay (mà giới trẻ vẫn gọi nôm na là “áo sát nách” hoặc “áo ba lỗ”). Thậm chí có cả nam sinh mặc áo ba lỗ thùng thình, loại dùng để chơi bóng rổ, ngồi ung dung trong lớp học.

Thùy Dương, SV năm cuối của trường, cho biết: “Ở trường em, mùa hè SV mặc áo sát nách đi học là chuyện bình thường. Kể cả những bạn không “sành điệu” cũng mặc”.

“Kỷ luật thép” hay nhẹ nhàng nhắc nhở?

Áo trễ, váy ngắn... “tung” giảng đường - 1

Trang Anh (áo trễ cổ, quần ngố): "Trang phục "sành điệu" nhưng vui vẻ hòa đồng thì bạn bè vẫn không xa lánh".

Cách đây vài năm, thầy K ở HV Báo chí và Tuyên truyền “khét tiếng” trong giới SV vì những thầy luôn thẳng tay “mời” những SV tới trường với trang phục và tóc tai không phù hợp ra khỏi lớp. Vì thế, khi đang học môn của thầy, tuyệt đối trong lớp không có “tóc xanh, tóc đỏ”; nam SV tóc tai cũng được cắt ngắn gọn gàng chứ không còn lòa xòa như trước.

Nhưng Quỳnh Trang, SV khoa Phát thanh - truyền hình, HV Báo chí và Tuyên truyền lại cho rằng đây không phải cách làm hay vì thầy giáo sẽ làm SV xấu hổ trước bạn cùng lớp. Đôi khi, biện pháp này lại phản tác dụng vì những SV ăn mặc hơi “quái” đều có một chút “quái tính” nên “cứng rắn” cũng chưa đủ để “nắn gân”.

Hiện nay, đa số các trường đều không có quy chế cụ thể về trang phục học đường mà chỉ có quy định chung như “trang phục nghiêm túc, lịch sự”.

Ông Bùi Trung Thành, Chuyên viên Phòng Công tác Chính trị, HV Báo chí và Tuyên truyền, hàng ngày vẫn “đảo” qua tất cả các lớp trong trường để theo dõi kỷ luật của SV, cho biết thỉnh thoảng phải nhắc nhở khi SV mặc váy túm như bu gà, quần bò rách tả tơi hoặc đi đôi guốc đế kếp dày cộp cao lêu khêu chỉ chực ngã.

Theo ông Thành thì, sở dĩ có những trang phục kỳ cục như vậy là do SV thiếu kiến thức thẩm mỹ. Bên cạnh đó, do SV chạy theo “mốt” Hàn Quốc mà không thấy rằng trong phim Hàn, trang phục đi học và đi chơi hoàn toàn khác nhau. SV tới trường vẫn ăn mặc rất nghiêm chỉnh.

Thực tế cho thấy, các SV “sành điệu” thường chơi theo nhóm nhưng Trang Anh phản bác: “Nhóm của em chơi có cả với những bạn ăn mặc rất giản dị. Bọn em hợp nhau về tính cách nên chẳng để ý để trang phục nữa. Em nghĩ đến tuổi này, mọi người đều ý thức được hoàn cảnh của mình rồi nên không thể vì bạn mình không khá giả mà mình không được mặc đẹp”.

Nhiều giáo viên đồng tình rằng nếu ăn mặc quá lố thì bản thân SV chính là người bị ảnh hưởng nhiều nhất. Ở Nhật Bản đã từng có nhiều vụ lạm dụng tình dục do nữ sinh mặc váy quá ngắn tới trường.

Nguyễn Kiều Hưng, SV năm thứ 2 ĐH Kinh tế Quốc dân cho rằng: “Không nên nói thẳng với SV đó là họ ăn mặc “lố lăng” vì họ sẽ cảm thấy bị xúc phạm”. Hưng đề xuất nên tổ chức những diễn đàn, thảo luận với chủ đề thế nào là mặc đẹp. Tổ chức những cuộc thi thanh lịch để nữ sinh thể hiện cái đẹp của mình. Đồng thời, thông qua các tiểu phẩm, video clip hài hước để ý nhị góp ý với những SV này. 

Trên diễn đàn của SV Trường ĐH DL Thăng Long, có 1 topic rất sôi nổi bàn về trang phục tới lớp thế nào là đẹp.

 

Bên cạnh quần bò, áo phông được đánh giá là thoải mái, tiện dụng nhất, nhiều SV tán đồng việc nữ sinh mặc váy tới trường. 90% SV "nói không với áo 2 dây, áo 3 lỗ và váy quá ngắn". Một số phản đối mặc quần ngố, đi dép tông.

Theo Lan Hương
Vietnamnet