9X tài năng chia sẻ những quan niệm mới mẻ về học tập

Là cựu nữ sinh duy nhất của khoa Kỹ thuật, Trường Đại học Tân Tạo (TTU), Lê Thị Quỳnh Trang không những chứng minh mình hoàn toàn học tốt trong lĩnh vực thường được coi là “thánh địa” của nam sinh mà còn mở rộng chân trời học thuật ở những cấp độ cao hơn đại học. Một trong những điều góp nên thành công của Trang chính là những quan niệm mới mẻ về học tập.

Lê Thị Quỳnh Trang (hàng trên cùng, thứ hai từ phải sang) cùng với các bạn trong Câu lạc bộ tiếng Anh TTU.
Lê Thị Quỳnh Trang (hàng trên cùng, thứ hai từ phải sang) cùng với các bạn trong Câu lạc bộ tiếng Anh TTU.

Chọn trường đại học: Quyết định phút 89

Sinh ra tại Nghệ An, học cấp 3 tại Đồng Nai, 4 năm đại học gắn bó với Long An, giờ chuẩn bị hành trang sang Nhật, phải chăng em là người thích xê dịch?

Nếu so với các bạn cùng trang lứa thì em được trải nghiệm trong nhiều môi trường sống khác nhau. Điều này, đương nhiên, giúp em có được cơ hội đi nhiều, hiểu biết và kinh nghiệm sống có phần phong phú hơn các bạn. Tuy nhiên, em thích hiểu mình là một người ưa khám phá hơn là xê dịch đơn thuần. Đến vùng đất mới, tiếp xúc với những người bạn mới, trải nghiệm cuộc sống xa lạ, sống như vậy quả thật rất thú vị và ý nghĩa.

Hãy kể về lý do em chọn Trường Đại học Tân Tạo?

Thực ra, TTU với em cũng là một cái duyên. Hồi học lớp 12, em cũng như các bạn, thấy thích cái này, cái kia, mơ mộng điều này, điều nọ chứ cũng chưa thực xác định được sâu sắc về ngành nghề, công việc. Chọn trường gần như một phong trào. Chọn trường nào mà nhiều bạn đăng ký để học tiếp với nhau. Ba mẹ muốn em học An ninh, thầy cô và bạn bè thì khuyên em thi vô trường ĐH Kinh tế vì nó cũng là một trong những trường quen tên, thuộc top đầu khu vực phía Nam. Em nghe theo và thi đậu. Đến sát ngày nộp hồ sơ nhập học, em vô tình đọc được thông tin về TTU trên mạng. Giây phút ấy, có một điều gì đó bừng sáng, cuốn hút em đến không thể cưỡng lại, khiến cho em chỉ còn lòng khao khát được học ngôi trường này. Sự mới mẻ của mô hình giáo dục kiểu Mỹ tại Việt Nam, giáo trình hoàn toàn bằng tiếng Anh, đội ngũ giảng viên hầu như là tiến sĩ tu nghiệp tại nước ngoài. Cộng thêm khuôn viên trường đẹp hết chỗ chê. Vậy, còn gì phải đắn đo, chần chừ? Theo như cách nói của giới trẻ hiện nay thì thích là nhích, xách ba lô lên và em bước vào TTU.

Cha mẹ em không hề phản đối?

Cha mẹ em đều sinh sống ở Nghệ An. Lại cũng biết tính cách em rất mạnh mẽ, bướng bỉnh. Bản thân em đã sống xa nhà nhiều năm và tự biết chịu trách nhiệm nên cha mẹ tuy cũng lo lắng nhưng cuối cùng lại thuận theo mong muốn của em.

Giáo dục Khai phóng: Sửa chữa và định hướng

Bỏ Kinh tế, chọn Kỹ thuật. Vì sao em lại chọn ngành nghề thường dành cho nam giới?

Chúng ta đã quen với một lối mòn: cứ ngành nào liên quan đến xây dựng, kĩ thuật thì dành cho các bạn nam. Những ngành ngôn ngữ, nhân văn, xã hội mới hợp với nữ giới. Với em, không có ranh giới hay giới hạn trong nghề nghiệp. Vấn đề là mình thích ngành nào, phù hợp với ngành nào và có học được hay không. Lúc mới vào năm nhất, chuyên ngành em chọn là Kinh tế chứ không phải Kỹ thuật. Sau khi tham gia các môn học đại cương dành cho tân sinh viên, dần dần em bị cuốn hút tột độ vào các môn học về thuật toán, biến số, năng lượng nguyên tử… Em quyết định chuyển hướng. Lớp Kỹ thuật khi ấy và đến giờ chỉ có duy nhất em là nữ (cười).

Em đã chuyển ngành trong quá trình học đại học. Chuyện này thật lạ.

Không nhiều trường đại học tại VN hiện nay cho phép sinh viên chuyển khoa, chuyển ngành. Sự lựa chọn chỉ một lần và dù nhận ra mình đã lựa chọn sai cũng không thể thay đổi. Cách duy nhất là nghỉ học, đợi năm sau thi trường khác, khoa khác. Như thế thật đáng sợ. Đứa bạn em, tuy nhận ra mình không thích ngành Sư phạm nữa nhưng cũng không dám dừng lại. Bạn học tiếp với một tâm thế sẽ làm việc khác sau khi ra trường. Thật buồn cho bạn! Tại TTU, nhờ tính ưu việt của Giáo dục Khai phóng, sự chưa chính xác trong lựa chọn được sửa chữa rất dễ dàng. Chúng em có hẳn 1 năm để học mọi kiến thức về lịch sử, địa lý, âm nhạc, nghệ thuật, kinh tế, chính trị thế giới... Đó là kiến thức nền bất cứ ai cũng cần nhưng ít được chú trọng. Cùng lúc đó, các giảng viên lắng nghe và cho chúng em lời khuyên, định hướng ngành nghề phù hợp. Em xin sang khoa Kỹ thuật cũng vì muốn được học tập với những người thầy vừa tài giỏi, tâm huyết, vừa rất vui tính, gần gũi như thầy Hưng, thầy Kiệt, thầy Dũng. Rất tự nhiên, em chuyển qua học trong lớp toàn nam sinh.

Điều quý giá nhất em học được tại TTU là TƯ DUY

Điều đặc biệt tại khoa Kỹ thuật, TTU? Có phải là việc học Kỹ thuật theo giáo trình Hoa Kỳ?

Thực ra, vì chưa được học Kỹ thuật ở các trường đại học cùng chuyên ngành khác nên em không biết sự khác nhau giữa giáo trình Mỹ và giáo trình Việt Nam như thế nào. Điều quý giá nhất mà em học được tại TTU là TƯ DUY. Chúng ta thường được lập trình theo một giáo án: Cố gắng tốt nghiệp loại khá trở lên, kiếm một công việc lương cao, ổn định. Rồi sau đó vài năm lập gia đình, an cư lạc nghiệp. 18 tuổi, chân ướt chân ráo vào đại học, em cũng nghĩ như vậy. Rồi những năm học về sau, khi được học sâu các môn chuyên ngành, hàng ngày được cùng nghiên cứu, được hướng dẫn, truyền lửa từ những con người tài giỏi, nhiệt huyết, em đã thay đổi, những chân trời kiến thức được mở ra, em đã thay đổi nhận thức. Với kiến thức và kỹ năng được tôi luyện, em khao khát cuộc đời mình vượt ra ngoài những quy luật muôn thủa. Có một bầu trời rất lớn ở ngoài kia...

Tư duy này đã thay đổi cuộc đời em như thế nào?

Cha mẹ nào mà chẳng mong con mình ra trường có việc làm ngay. Mẹ nói em để lâu, bằng (tốt nghiệp) "nguội" mất, rất khó xin việc. Đã vậy, cầu thì nhiều mà cung thì ít, không cạnh tranh thì thất nghiệp sớm thôi. Nhưng em lại chọn “tĩnh”. Em về nhà với cha mẹ, bù đắp những năm tháng xa cách. Em “tĩnh” để refresh lại bản thân. Bạn bè ra trường được nhận làm việc ngay, lương thưởng tăng vùn vụt. Có bạn nhận nghìn đô một tháng. Em “ăn lương” của cha mẹ (cười). Thử hỏi, cha mẹ em có sốt ruột không? Nhưng, hiểu tính con không ai bằng cha mẹ, nên dù cũng chộn rộn đôi chút khi nhiều người thăm hỏi, cha mẹ vẫn bình tĩnh đợi các quyết định tiếp theo của em.

Hãy theo đuổi ước mơ một cách nghiêm túc và quyết tâm

Em đã giành học bổng MEXT của Chính phủ Nhật Bản. Hãy chia sẻ bí quyết của em?

Em muốn đi sâu vào nghiên cứu nên chọn học tiếp. Thực ra, quá trình xin học bổng nào cũng giống nhau. Đầu tiên là tìm trường, tìm giáo sư hướng dẫn, rồi mới xin thư giới thiệu và làm hồ sơ. Xin học bổng là qúa trình cần rất nhiều sự kiên nhẫn, cố gắng và quyết tâm. Em đã mất hai năm cho việc này. Lời khuyên của em là: Hãy theo đuổi đến cùng những kế hoạch mình đã đặt ra bằng tất cả sự quyết tâm, kiên nhẫn và nghiêm túc.

Em sẽ đi học 5 năm, nhận bằng Tiến sĩ. Bầu trời rộng lớn. liệu em có trở về quê hương ?

Tất nhiên em sẽ trở về. Có thể ngay sau khi học xong. Cũng có thể 1 năm, 2 năm hoặc nhiều năm sau đó. Nhưng chắc chắn, em "đi xa để trở về". Vì "Quê hương mỗi người chỉ một", ai cũng chỉ có một nơi “chôn rau cắt rốn”, nơi có gia đình yêu dấu và biết bao điều ý nghĩa.

Minh Nguyễn