8 triệu học sinh tiểu học sẽ được học về bảo tồn động vật hoang dã nguy cấp

(Dân trí) - Năm học 2019-2020, khoảng 8 triệu học sinh tiểu học lần đầu tiên sẽ được học về bảo tồn các loài động vật hoang dã nguy cấp quý hiếm bị buôn bán trái pháp luật.

 Bộ GD&ĐT vừa phối hợp với Cơ quan quản lí Cities Việt Nam, Tổ chức Quốc tế đối xử nhân đạo với động vật tổ chức Hội nghị tổng kết "Dự án giảm nhu cầu sử dụng các loài động vật hoang dã bị buôn bán trái phép tại Việt Nam".

Đồng thời, công bố nghiên cứu đánh giá hiệu quả của Tài liệu và hoạt động giáo dục về bảo tồn động vật hoang dã (ĐVHD) bị đe doạ tuyệt chủng cho học sinh tiểu học.

8 triệu học sinh tiểu học sẽ được học về  bảo tồn động vật hoang dã nguy cấp - 1
Bộ tài liệu bảo tồn các loài động vật hoang dã được dạy thử nghiệm tại nhiều trường học

Ý tưởng xây dựng bộ tài liệu “Giáo dục bảo tồn động vật hoang dã bị đe dọa tuyệt chủng cho học sinh tiểu học” được Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác HSSV (Bộ GD&ĐT) phối hợp Cơ quan quản lí Cities Việt Nam, Tổ chức Quốc tế đối xử nhân đạo với động vật thực hiện trong khuôn khổ Dự án “Giảm nhu cầu sử dụng các loài động vật hoang dã bị buôn trái phép tại Việt Nam”.

Bộ tài liệu sẽ dạy các em – những công dân tương lai của đất nước về bảo tồn ĐVHD và các mối đe dọa đến chúng với hy vọng hình thành tình yêu thương với động vật cho các em, từ đó giúp lan tỏa các thông điệp “Nói không với sản phẩm động vật hoang dã bị buôn bán trái pháp luật".

Tại hội thảo, các chuyên gia và các thầy cô giáo nhận định: Việt Nam được biết đến là một trong các nước có tính đa dạng sinh học cao. Tuy nhiên, đáng tiếc là Việt Nam cũng được xem như một trong những điểm nóng của thế giới về trung chuyển và tiêu thụ bất hợp pháp các mẫu vật ĐVHD.

Do vậy, trong những năm gần đây, rất nhiều các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức, hướng tới thay đổi hành vi của người mua bán, sử dụng ĐVHD được thực hiện nhằm thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam với cộng đồng quốc tế.

8 triệu học sinh tiểu học sẽ được học về  bảo tồn động vật hoang dã nguy cấp - 2

Động vật hoang dã

Việc đưa bộ tài liệu “Giáo dục bảo tồn động vật hoang dã bị đe dọa tuyệt chủng cho học sinh tiểu học” vào nhà trường sẽ góp phần thay đổi nhận thức và hành vi của các em trong việc nói không với các sản phẩm ĐVHD nguy cấp quý hiếm bị buôn bán trái pháp luật, nhằm góp phần bảo tồn các loài khỏi mối đe doạ tuyệt chủng.

Chỉ tính riêng hai giai đoạn thử nghiệm bộ tài liệu này tại 10 tỉnh và thành phố (Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Nghệ An, Hà Tĩnh, Đắc Lắk, Đồng Nai, Khánh Hoà, Đà Nẵng và Cần Thơ), bộ tài liệu với các thông điệp bảo tồn thiên nhiên đã tiếp cận được hơn 50 trường, khoảng 15.000 học sinh tiểu học.

Nghiên cứu đối chứng giữa các trường tham gia dạy thử nghiệm bộ tài liệu với những trường chưa có cơ hội tiếp cận, trước và sau thời gian thử nghiệm, đã cho thấy rằng các em được học có kiến thức và thái độ tốt hơn về các loài ĐVHD nguy cấp quý hiếm, hiểu rõ hơn các mối đe dọa đang đẩy chúng đến bờ vực tuyệt chủng. Quan trọng hơn, các em sẵn sàng nói chuyện với ông bà, bố mẹ, người thân về việc không nên sử dụng các sản phẩm từ ĐVHD.   

Dự án dùng phương pháp lấy học sinh làm trung tâm đã và đang cung cấp thông tin cho các em về cuộc khủng hoảng săn trộm tê giác tại châu Phi, những nỗ lực bảo tồn mà Việt Nam đang thực hiện và giúp các em trở thành những đại sứ bảo vệ các loài động vật hoang dã.

Năm học 2019-2020, khoảng 8 triệu học sinh tiểu học lần đầu tiên sẽ được học về bảo tồn các loài động vật hoang dã nguy cấp quý hiếm bị buôn bán trái pháp luật.

8 triệu học sinh tiểu học sẽ được học về  bảo tồn động vật hoang dã nguy cấp - 3

Ông Bùi Văn Linh-Vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD&ĐT)

Đánh giá cao bộ tài liệu trong việc giáo dục các em học sinh về bảo vệ môi trường, đặc biệt là động vật hoang dã nguy cấp quý hiếm, ông Bùi Văn Linh-Vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD&ĐT) cho biết, bộ tài liệu trong việc giáo dục các em học sinh về bảo vệ môi trường, đặc biệt là động vật hoang dã nguy cấp quý hiếm.

"Việc giáo dục các nội dung nói trên sẽ giúp học sinh tiếp cận đến những vấn đề quan trọng của toàn cầu, nhân loại đang quan tâm, giáo dục công dân toàn cầu như tinh thần của SDG4 đã đề cập; là hoạt động thiết thực minh chứng nỗ lực của Việt Nam trong thực hiện cam kết về Công ước quốc tế bảo vệ động vật hoang dã (CITES)" - ông Linh nhấn mạnh.

Đánh giá về dự án này, bà Hà Thị Tuyết Nga, Giám đốc cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam khẳng định: “Thông qua việc biên soạn tài liệu giáo dục ngoại khóa nhằm nâng cao nhận thức bảo tồn động vật hoang dã ở bậc tiểu học, Việt Nam là một trong số ít các quốc gia trên thế giới lồng ghép bảo tồn vào giáo dục, thể hiện được sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành với các bộ/ngành khác.

Không chỉ là nâng cao nhận thức, khơi dậy lòng yêu thương giữa con người với động vật mà việc giáo dục pháp luật về bảo vệ ĐVHD, giáo dục bảo tồn hướng tới thay đổi hành vi cùng với các chiến dịch giảm nhu cầu sử dụng động vật hoang dã trái pháp luật thể hiện rõ cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam trong công cuộc đấu tranh với tội phạm động vật hoang dã”.

Nhật Hồng