63 tỉnh, thành lên kế hoạch đưa học sinh trở lại trường từ mùng 7

Mỹ Hà

(Dân trí) - 63/63 tỉnh, thành phố đã lên kế hoạch đưa học sinh THCS, THPT đi học trực tiếp bắt đầu trong khoảng thời gian từ mùng 7 đến ngày 14/2/2022.

Tại cuộc họp Chính phủ tổ chức ngày hôm nay (mùng 3 Tết Nguyên đán), Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã báo cáo một số thông tin về việc mở cửa trường học.
Theo Bộ GD-ĐT, 100% các ĐH, CĐ đã lên kế hoạch cho sinh viên, học viên đi học trở lại trong tháng 2/2022.

63/63 tỉnh, thành phố đã lên kế hoạch đưa học sinh THCS, THPT đi học trực tiếp bắt đầu trong khoảng thời gian từ mùng 7 đến ngày 14/2/2022.

Có 60/63 tỉnh, thành phố đã lên kế hoạch đưa học sinh bậc mầm non, tiểu học quay trở lại trường học trực tiếp trong tháng 2.

Riêng Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai đã lên kế hoạch đưa học sinh quay lại trường học nhưng chưa ấn định thời gian cụ thể.

63 tỉnh, thành lên kế hoạch đưa học sinh trở lại trường từ mùng 7 - 1

60 tỉnh thành sẽ cho học sinh mầm non, tiểu học trở lại trường sau Tết Nguyên đán (Ảnh: Mỹ Hà).

Ngay sau tết, Bộ GD-ĐT có kế hoạch kiểm tra tình hình chuẩn bị, tổ chức cho học sinh sinh viên quay trở lại trường học tại một số nơi.
Đặc biệt, theo dự báo của Bộ GD-ĐT, khi quay trở lại học trực tiếp, hệ thống mầm non tư thục sẽ thiếu giáo viên.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về việc xem xét mở cửa trường học trở lại, ngày 19/1, Bộ GD-ĐT chủ trì phối hợp với Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tổ chức các hoạt động giáo dục trực tiếp đảm bảo an toàn phòng chống dịch trong các cơ sở giáo dục.

Tại hội nghị này, các chuyên gia, nhà khoa học, các tổ chức quốc tế, đại diện Bộ Y tế, đại diện các địa phương đã phân tích các điều kiện cần thiết cho việc mở cửa trường học, đồng thời thống nhất việc mở cửa trường học là yêu cầu cấp thiết tại thời điểm hiện tại và phải được làm sớm nhất ngay sau Tết Nguyên đán.

Ngày 24/1, Bộ GD-ĐT đã ban hành Công văn số 283/BGDĐT-GDTC, đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố căn cứ tình hình dịch tại địa phương (tính đến địa bàn cấp xã/phường) chỉ đạo xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể để tổ chức dạy học trực tiếp cho học sinh, sinh viên trước ngày 14/2.

Theo Bà Simone Vis, Trưởng Chương trình Giáo dục của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam, đại dịch Covid-19 đã dẫn đến gián đoạn học tập trên toàn cầu, tạo thành một cuộc khủng hoảng giáo dục tồi tệ nhất trong lịch sử.

Đại dịch, đóng cửa trường học không chỉ gây nguy hiểm cho sức khỏe và sự an toàn về tinh thần, tâm lý của trẻ em, gia tăng bạo lực gia đình, lao động trẻ em, mà còn ảnh hưởng đáng kể đến việc học tập của học sinh.

Với những tổn thất về học tập do đóng cửa trường học, UNICEF sẽ cùng với Bộ GD-ĐT thực hiện kế hoạch phục hồi học tập.