6 câu chuyện cảm động về giáo viên năm 2017

(Dân trí) - Trong bức tranh giáo dục của năm 2017, hình ảnh nhiều người thầy tận tâm, tận lực đã lan tỏa trong toàn ngành và toàn xã hội, tạo ra cảm hứng, niềm tin yêu trong học sinh, tạo động lực mới trong dạy học cho các thầy cô giáo trong cả nước. Đó là hình ảnh người thầy vượt rừng đưa học sinh về trường, là nồi cháo sáng của thầy cô giúp học sinh vùng cao ấm lòng trong những ngày giá rét…

Quặn lòng thầy giáo vượt rừng “lấy” học sinh trở về lớp

"Hai ngày nay em không xuất hiện ở lớp và đúng như linh cảm của người từng đi qua những nốt trầm cuộc đời: Em bỏ học. Nghe tới đó, lòng thầy nghẹn lại”

Đó là chia sẻ của thầy giáo Ninh Văn Dậu, Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (xã la HDreh, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai) về cậu học trò Ksor Gôl - người đã cương quyết bỏ học mặc dù thầy và các bạn nhiều lần đến nhà và lên tận rẫy thuyết phục em quay trở lại.

Thầy Ninh Văn Dậu đã không quản ngại khó khăn, sau 4-5 lần vào nhà (khoảng 6km) và 3 lần lên rẫy phá mì của gia đình em (gần 20km), Gôl đã chính thức trở lại lớp học.

Thầy Dậu đã đón được Gôl về với lớp học trong chiều 8/3- ảnh do học sinh đi cùng chụp lại. (ảnh nhân vật cung cấp)
Thầy Dậu đã đón được Gôl về với lớp học trong chiều 8/3- ảnh do học sinh đi cùng chụp lại. (ảnh nhân vật cung cấp)

Được biết, thầy Dậu là giáo viên chủ nhiệm của lớp 12A2 Trường THPT Đinh Tiên Hoàng. Đầu năm học, lớp này có 42 học sinh. Sau Tết Nguyên đán, có đến 6 em bỏ học. Đến nay, thầy đã vận động được 4 em trở lại lớp, trong đó có Gôl.

"Khi tôi làm những việc này, mục đích đầu tiên là mong muốn các em trở lại lớp chứ không có gì to tát hơn. Các thầy cô ở trường chúng tôi cũng đều như vậy nên tôi chỉ là một trong số đó, không có gì cá biệt", thầy Dậu khiêm tốn cho biết.

Khẳng định việc thầy Ninh Văn Dậu nhiều lần vượt hàng chục km đường núi, đến tận nhà vận động học sinh đến lớp có sức lan tỏa với toàn xã hội, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã gửi thư khen ngợi.

Chuyện cổ tích của thầy giáo và cậu học trò “tí hon”

Đinh Văn K'Rể là người dân tộc Hơ rê, em sinh ra đã mắc chứng bệnh hiếm gặp - Seckel (người lùn, đầu chim). K'Rể 9 tuổi nhưng chỉ cao vỏn vẹn 58 cm và nặng 3,9 kg.

Cuộc gặp gỡ giữa em và thầy giáo Đặng Văn Cương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Dân tộc bán trú Sơn Ba cách đây 5 năm chính là khởi đầu cho câu chuyện cổ tích tuyệt đẹp về tình thầy trò nơi khó khăn nhất của huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi.

Năm K'Rể tròn 7 tuổi, thầy Đặng Văn Cương đã đón em về sống cùng với thầy tại nhà công vụ của nhà trường và bắt đầu hành trình gieo hy vọng cho em.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã đề nghị Ban tổ chức được lên sân khấu để đứng thật gần hai thầy trò và bế KRể.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã đề nghị Ban tổ chức được lên sân khấu để đứng thật gần hai thầy trò và bế K'Rể.

Sau 2 năm đến lớp trong tình yêu thương của bạn bè, thầy cô, giờ Đinh Văn K'Rể đã có thể viết được chữ O, số 1, em cũng đã dạn dĩ hơn rất nhiều, biết nói “ạ”, biết làm một số việc cá nhân. Đặc biệt em có thể quan sát, lắng nghe và hiểu hết những vấn đề xung quanh mình.

Xúc động và cảm phục trước nghị lực của trò, tình yêu thương của thầy, dù không có trong kịch bản chương trình của buổi tuyên dương thầy trò cuối năm 2017 ở Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Phùng Xuân Nhạ đã đề nghị Ban tổ chức được lên sân khấu để đứng thật gần hai thầy trò K'Rể và được trao tặng một phần quà nhỏ từ cá nhân ông.

Chia sẻ về khoảnh khắc bế cậu học trò tí hon trên tay, Bộ trưởng nói rằng, đây là một trong những khoảnh khắc đáng nhớ và xúc động nhất trong cuộc đời làm thầy giáo, làm một nhà quản lý giáo dục như ông.

Thầy giáo ngồi xe lăn có hàng trăm học trò đỗ đại học

Đôi chân bại liệt nhưng với nghị lực phi thường, thầy giáo Lê Hữu Tuấn đã vượt lên nghịch cảnh và trở thành người “chèo đò” đưa hàng trăm học sinh nghèo xứ Thanh đến giảng đường đại học.

Đó là thầy giáo Lê Hữu Tuấn sinh năm 1983 tại xã Đông Thịnh (huyện Đông Sơn, Thanh Hóa). Năm 1991 khi đang là học sinh lớp 2 thì nghiệt ngã thay, đôi chân của thầy Tuấn không thể đi lại được.

Không thể tới trường do bệnh tật nhưng cậu tự học ở nhà và liên tiếp vượt qua các kì thi cấp 1, 2. Đặc biệt, năm 1998, Trường THCS Đông Thịnh đề nghị Tuấn đi thi học sinh giỏi cấp huyện, nhưng chỉ cho anh thi với mức đề dành cho học sinh lớp 7, anh không nghe mà đòi thi đề của lớp 9.

Tuấn sau đó đã không phụ lòng thầy cô khi mang về giải Nhì môn Toán. Lên cấp, Tuấn thi vào lớp 10 tại trường THPT Đông Sơn 1 và THPT chuyên Lam Sơn. Đỗ cả 2 trường, nhưng do sức khỏe nên Tuấn đã chọn trường gần nhà để theo học.

Đáng khâm phục hơn khi thầy Tuấn còn là thủ khoa của trường Đại học Hồng Đức, ngành Công nghệ thông tin. Sau khi tốt nghiệp đại học, thầy Lê Hữu Tuấn được bố trí công tác tại Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa nhưng thầy đã từ chối và trở về quê nhà mở lớp dạy học.

Đến nay, sau gần 10 năm mở lớp, số lượng học sinh của thầy Tuấn đỗ Đại học, Cao đẳng lên tới con số khoảng 700 người, trong đó có nhiều em đỗ vào các trường đại học có tiếng.

Được biết lớp học của thầy Tuấn đa số là học sinh nghèo, người tàn tật. Đối với những học sinh khuyết tật, anh không thu tiền. Nhà có 2 em theo học, thầy chỉ thu học phí 1 người.

Thầy Tuấn trong một buổi gặp gỡ các tấm gương khuyết tật tiêu biểu
Thầy Tuấn trong một buổi gặp gỡ các tấm gương khuyết tật tiêu biểu

Với nghị lực phi thường, thầy Tuấn đã được nhận học bổng do tổ chức RENCONTRES DU VIET NAM của Pháp; nhiều Bằng khen, Giấy khen các cấp, các ngành; được giải phóng sự ngắn với tiêu đề “Tôi không khuyết tật” và giải C báo chí toàn quốc.

Ngày 22/1/2014, thầy Tuấn còn được nhận thư khen của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang về việc góp phần vào sự nghiệp trồng người của đất nước.

Rớt nước mắt chuyện đời cô giáo nhặt ve chai, chăm chồng ung thư

Mỗi nghề đều có sự cao quý riêng. Trút bỏ bộ quần áo đứng lớp, tôi cũng là người mẹ, người vợ. Thế nên làm gì ra tiền, miễn là lao động chân chính, tôi đều làm cả. Từ nhặt ve chai đồng nát, đến lau nhà, quét vôi, quét sơn... tôi không nề hà. Dẫu sao tôi vẫn thấy hạnh phúc bởi nhiều người còn khó khăn hơn gấp vạn”.

Trên đây là tâm sự của cô giáo Vương Thị Thùy - giáo viên dạy Mỹ thuật ở trường tiểu học Viên Sơn (phường Viên Sơn, thị xã Sơn Tây, Hà Nội). Cô là một trong số các giáo viên đoạt Giải thưởng “Nhà giáo tâm huyết sáng tạo” năm 2017 do Sở GD&ĐT tổ chức nhân dịp 20/11.

Là giáo viên giỏi, ngoài giờ làm, cô phải đi nhặt ve chai để chăm chồng bị ung thư.
Là giáo viên giỏi, ngoài giờ làm, cô phải đi nhặt ve chai để chăm chồng bị ung thư.

Được biết vợ chồng cô Thùy đều là giáo viên môn Mỹ thuật ở Sơn Tây. Sau khi chồng lâm trọng bệnh, cô vừa đi dạy, vừa nhặt ve chai, vừa làm lao công, thậm chí đi quét sơn để chăm chồng và nuôi các con học tập.

Chia sẻ với PV Dân trí, cô Nguyễn Thị Thu Phương, Hiệu trưởng Trường tiểu học Viên Sơn cho biết: "Thùy là giáo viên Mỹ thuật nhưng năm nào cũng nhận được danh hiệu giáo viên dạy giỏi. Không những cô có nghiệp vụ tốt mà còn được nhiều học sinh, đồng nghiệp quý mến. Một số học sinh của cô cũng đoạt giải cao trong các cuộc thi Mỹ thuật cấp thị xã và đi dự thi thành phố.

“Tôi mới được điều động về trường 1 năm nay nhưng tấm gương của vượt khó của Thùy thật hiếm có. Cô đã vượt qua mọi khó khăn, làm từ giúp việc, đến nhặt ve chai, làm việc lặt vặt... Thậm chí khi đi giúp việc ở những gia đình khá giả, họ có nhiều sách truyện thừa, cũ bỏ đi, cô thu gom lại mang tặng những học sinh khó khăn trong trường. Cô ấy là tấm gương nghị lực trong cuộc sống”, cô Phương nhận xét.

Thầy cô giáo nhiều năm tình nguyện nấu cháo sáng cho học sinh

Nhiều năm qua, các thầy cô giáo Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở (THCS) Trung Thượng, xã Trung Thượng, huyện Quan Sơn (Thanh Hóa) thức khuya, dậy sớm tình nguyện nấu cháo ăn sáng cho các em học sinh bán trú của nhà trường.

Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Trung Thượng, đóng trên địa bàn xã Trung Thượng, huyện vùng cao, biên giới Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa có 125 học sinh, chủ yếu là con em đồng bào dân tộc Thái.

Nhiều năm qua, các thầy giáo Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Trung Thượng thức khuya, dậy sớm để lo bữa sáng cho học sinh
Nhiều năm qua, các thầy giáo Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Trung Thượng thức khuya, dậy sớm để lo bữa sáng cho học sinh

Do điều kiện địa hình, nhà ở các bản làng cách xa trường, phải qua khe, qua suối, đèo dốc, có những em học sinh nhà ở cách trường hơn 10km, vì thế các em phải ở lại bán trú, thường cuối tuần mới về thăm nhà một lần.

Hiện nay, nhà trường có 66 học sinh phải ở lại ăn bán trú tại trường. Hàng ngày, 2 bữa ăn chính của các em học sinh được nhà trường thuê người nấu phục vụ ăn tại trường, còn bữa ăn sáng các em phải tự lo.

Tuy nhiên, do trường học đóng trên địa bàn xã miền núi, địa điểm ăn sáng ít. Có những em ăn sáng bằng mì tôm, còn có những em do điều kiện gia đình khó khăn nên thường nhịn đói bữa sáng đến lớp.

Thương hoàn cảnh các em, nhà trường đã họp và đi đến thống nhất, mỗi buổi sáng sẽ nấu cháo cho các em ăn, không để em nào phải nhịn đói đến lớp. Tiền ăn sáng được trích từ chế độ hỗ trợ ăn bán trú của các em học sinh. Các thầy cô giáo thương học sinh nên bỏ công sức ra để lo cho các em có những bữa ăn sáng được đảm bảo.

Việc nấu cháo ăn sáng cho học sinh bán trú đã được các thầy giáo nơi đây thực hiện từ 3 năm nay.

46 thầy giáo gieo chữ nơi thâm sơn cùng cốc

Nơi thâm sơn cùng cốc, giữa thiếu thốn bủa vây, các thầy giáo Trường Tiểu học Tri Lễ 4 (xã biên giới Tri Lễ, Quế Phong, Nghệ An) vẫn miệt mài gieo chữ cho trò. Ở đây chưa có sóng điện thoại, nhiều điểm trường chưa có sóng vô tuyến. Thỉnh thoảng, có việc cần phải liên lạc ra ngoài xã, các thầy phải trèo lên đỉnh núi cao nhất hứng “sóng rớt” phập phù.

Từ khi thành lập đến nay đã ngót 40 năm, trường chưa bao giờ có nữ giáo viên. Có lẽ, tổ chức cũng hiểu và thông cảm cho chị em bởi nơi đây vẫn còn hoang sơ và thiếu thốn nhiều quá. Thứ duy nhất nối nơi này với bên ngoài là cung đường hiểm trở, nắng toàn sống trâu, mưa thì bùn lầy ngập nửa bánh xe máy.

Trường có 46 giáo viên nam, 6 giáo viên mới, có người mới về trường được 2 tuần. 378 học sinh chia làm 29 lớp ở 6 điểm trường, 100% là người Mông, nhiều em còn chưa biết nói tiếng phổ thông. Các thầy vừa là thầy, vừa là cha, vừa là mẹ, uốn nắn, nhẫn nại với đàn con thơ.

Chỉ có gần 1 nửa giáo viên của trường là người bản địa, còn lại là giáo viên người Kinh, người Thái ở nơi khác đến. Ngoài rèn luyện, trau dồi chuyên môn các thầy phải học thêm tiếng bản địa. Để các em có thể tiếp thu được bài học, có những khi thầy phải dạy “song ngữ” Việt - Mông.

Dạy những em học trò người Mông đòi hỏi người thầy phải cực kỳ nhẫn nại và tâm huyết.
Dạy những em học trò người Mông đòi hỏi người thầy phải cực kỳ nhẫn nại và tâm huyết.

Ở nơi thâm sơn cùng cốc này, nói không buồn thì dối lòng. Các thầy cũng là con người, có vợ con, mang trên vai trọng trách của trụ cột trong gia đình. Nhưng ở đây giao thông cách trở, thông tin liên lạc bị gián đoạn, nhiều khi nhà có việc gấp hay con ốm, bố mẹ đau yếu cũng không thể giúp được gì. Gánh nặng lo toan trong gia đình đều dồn lên vai vợ.

Với những cống hiến không mệt mỏi, tháng 9/2017, các thầy giáo Trường Tiểu học Tri Lễ 4 đã giành chiến thắng ngoạn mục tại hạng mục “Nhân vật của năm” trong chương trình VTV Awards - 2017 do Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức.

Mỹ Hà

Dòng sự kiện: Gương sáng giáo dục