5 tỉnh có điểm thi trung bình THPT quốc gia cao nhất nước

(Dân trí) - Theo thống kê của TS Đàm Quang Minh, Hiệu trưởng trường ĐH FPT, 5 tỉnh đầu bảng có số điểm thi trung bình cao nhất nước kỳ thi THPT quốc gia 2016 là: Nam Định, Hải Dương, Bắc Ninh, Ninh Bình và Hà Nam.

Trong 5 tỉnh thì tỉnh Nam Định có điểm trung bình tất cả các môn thi cao nhất với mức điểm 5,31, tiếp đến là Hải Dương 5,08; Bắc Ninh 5,01; Ninh Bình 5,0, Hà Nam 4,98.

Thành phố lớn như TP.HCM có mức điểm trung bình là 4,97; TP.Hà Nội đứng thứ 19 với mức điểm trung bình 4,77.

Những tỉnh có mức điểm trung bình đứng cuối bảng là Trà Vinh (4,10); Lạng Sơn (4,08) và Trà Vinh (3,96).

5 tỉnh có điểm thi trung bình THPT quốc gia cao nhất nước - 1

Cũng theo thống kê của TS Đàm Quang Minh, nếu xét theo khối thi thì các tỉnh giỏi theo khối như sau:
- Khối A : Nam Định, Bắc Ninh, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Nghệ An.
- Khối B: Nam Định, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nam.
- Khối C: Yên Bái, Ninh Bình, Bắc Giang, Thanh Hóa
- Khối D: Nam Định, Tp.HCM, Bến Tre, Ninh Bình, Hà Nam.

Thú vị là giỏi nhất về ngoại ngữ thuộc về: Bến Tre, Lào Cai, Cao Bằng, Lai Châu, Đắk Nông, Bạc Liêu sau đó mới đến Tp.HCM.

TS Đàm Quang Minh cho rằng, rõ ràng việc kiểm tra ngoại ngữ đã không thực sự hướng được đến các kỹ năng đầy đủ của một sinh ngữ. Việc này không dễ thay đổi ngày một ngày hai vì nói chung học sinh VN nếu không đi học thêm Tiếng Anh thì học ở trường sẽ không giao tiếp được với người nước ngoài.

Theo TS Minh, một điểm khó giải thích là điểm thi của Sở GD&ĐT Hà Nội đứng gần thấp nhất trong bảng xếp hạng. Điều này cho thấy ở HN có một lượng lớn thí sinh không quan tâm đến việc tốt nghiệp THPT điểm cao. Đây có thể là những em chuẩn bị đi du học hoặc thuộc các huyện miền núi phía Tây Hà Nội.

Nói về điểm thi môn Ngoại ngữ thấp, TS. Đỗ Tuấn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ (ĐHQGHN) cho rằng, đề thi 2016 có khả năng phân hoá trong nội bộ nhóm học sinh khá giỏi tốt hơn đề thi năm 2015. Một mặt, điều này tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các trường đại học xét tuyển đầu vào. Mặt khác, sự phân hoá này vẫn cần tiếp tục được cải thiện trong tương lai.

Theo TS Minh, khó khăn của bộ phận chịu trách nhiệm về đề thi khi họ cần tạo sự cân đối nhất định trong việc đảm bảo một đề thi tiếng Anh có cả hai chức năng. Thứ nhất, đề thi dành cho đại trà học sinh trong một bối cảnh là việc dạy và học môn tiếng Anh ở phổ thông mặc dù đã được đầu tư nhiều và cũng đã có nhiều cố gắng của cả thầy và trò nhưng cũng còn nhiều khó khăn.

Thứ hai, đề thi dành cho việc xét tuyển vào đại học và cao đẳng khi mà càng ngày các trường đại học, cao đẳng càng dành nhiều quan tâm cho các tổ hợp điểm có điểm môn tiếng Anh trong đó.

Tiến sĩ Minh cho hay, theo cảm nhận của tôi, dường như, đề thi môn tiếng Anh năm nay làm tốt chức năng 2 hơn là chức năng 1. Mặt bằng trình độ ngoại ngữ của học sinh Việt Nam chưa tốt nên điểm thi tiếng Anh thấp hơn điểm các môn khác cũng là điều dễ hiểu.

Hồng Hạnh