4 điểm mới đột phá trong xét công nhận tiêu chuẩn chức danh giáo sư 2018

(Dân trí) - Bộ GD-ĐT đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, sớm ban hành văn bản mới quy định tiêu chuẩn, thủ tục xét công nhận đạt tiêu chuẩn và bổ nhiệm chức danh GS, PGS để thực hiện từ năm 2018. Theo đó, quy định mới có 4 điểm đột phá.

Lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho biết, sau 10 năm triển khai, Quy chế xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS hiện hành đã bộc lộ nhiều bất cập như: Trong quy định về tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh GS, PGS hiện hành, nhiều tiêu chuẩn có tính chất định tính, thiếu định lượng, khó có minh chứng, kiểm chứng; chưa thể hiện tính hội nhập; chưa thể hiện sự đặc thù của các nhóm ngành.

Quy trình bổ nhiệm GS, PGS chưa phân cấp mạnh, chưa khuyến khích tính tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học, chưa quy định việc cơ sở giáo dục đại học quy định tiêu chuẩn bổ nhiệm chức danh GS, PGS của đơn vị.

Thủ tục hành chính còn rườm rà bởi 03 cấp Hội đồng (cấp cơ sở; cấp ngành, liên ngành; cấp nhà nước), trong khi quy trình, nội dung xét giữa cấp cơ sở và cấp ngành, liên ngành giống nhau.

Việc hướng dẫn thực hiện chế độ chính sách đối với GS, PGS không còn phù hợp với các quy định hiện hành như quy định về bổ nhiệm GS, PGS vào ngạch giảng viên cao cấp, ngạch giảng viên chính và xếp lương (khoản 2, Điều 6 Quyết định số 174/2008/QĐ-TTg) không còn phù hợp với các chế độ quy định trong Nghị định 141/2013/NĐ-CP và trái với quy định của pháp luật về viên chức đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập, tạo ra khó khăn trong quá trình thực hiện chế độ chính sách đối với GS, PGS và quản lý đội ngũ.


Từ năm 2018 sẽ thực hiện công khai hồ sơ ứng viên giáo sư, phó giáo sư trên trang thông tin điện tử

Từ năm 2018 sẽ thực hiện công khai hồ sơ ứng viên giáo sư, phó giáo sư trên trang thông tin điện tử

Từ những bất cập này, Bộ GDĐT đã rà soát, nghiên cứu, xây dựng dự thảo văn bản thay thế Quyết định 174/2008/QĐ-TTg và Quyết định 20/2012/QĐ-TTg về quy định xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS. Theo đó, có 4 điểm mới, có tính chất đột phá. Cụ thể:

Về đối tượng áp dụng, Đối tượng được xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS là giảng viên đang làm nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và đào tạo từ trình độ đại học trở lên ở các cơ sở giáo dục đại học. GS, PGS là chức danh của giảng viên, gắn với vị trí việc làm trong cơ sở giáo dục đại học. Ứng viên đăng ký xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS có thể là giảng viên cơ hữu hoặc giảng viên thỉnh giảng.

Quy định mới về tiêu chuẩn chức danh GS, PGS, yêu cầu cao hơn như bắt buộc ứng viên phải có công trình khoa học công bố quốc tế; tăng tổng điểm công trình khoa học quy đổi; yêu cầu nâng cao về năng lực ngoại ngữ (chú trọng giao tiếp về chuyên môn bằng tiếng Anh); biên soạn sách phục vụ đào tạo, xây dựng và phát triển chương trình đào tạo (đối với GS) nhằm đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục đại học.

Trong quy trình bổ nhiệm, miễn nhiệm, quy định mới phân cấp rõ Hội đồng cơ sở đóng vai trò tuyển chọn những hồ sơ đủ tiêu chuẩn, xét và đánh giá về ngoại ngữ. Hội đồng ngành/liên ngành đóng vai trò chủ yếu trong việc rà soát, đánh giá chất lượng chuyên môn.

Hội đồng nhà nước thẩm định, xem xét và phê duyệt danh sách ứng viên đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS. Quy chế mới cũng tăng cường tính tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học, quy định cụ thể hơn về sự tham gia và vai trò của bộ môn, khoa, hội đồng khoa học và đào tạo của cơ sở giáo dục đại học trong việc xét và bổ nhiệm GS, PGS.

Đặc biệt, bắt đầu từ năm 2018, thực hiện công khai hồ sơ của ứng trên Trang thông tin điện tử của cơ sở giáo dục đại học (nơi nhận hồ sơ của ứng viên) và trên Trang thông tin điện tử của Hội đồng Giáo sư nhà nước để nhân dân biết, giám sát.

Hồng Hạnh