DMagazine

4 ca mổ, 20 chiếc đinh ở chân và nghị lực của nữ sinh khuyết tật

(Dân trí) - 20 tuổi, Hòa chỉ cao 1,3m, đôi chân không thể đi lại bình thường. Nữ sinh tâm sự, quá khứ đã trải qua chính là động lực của tương lai, giúp em mạnh mẽ hơn mỗi khi lại gặp thử thách.

20 tuổi, Hòa chỉ cao 1,3m, đôi chân không thể đi lại bình thường. Nữ sinh tâm sự, quá khứ đã trải qua chính là động lực của tương lai, giúp em mạnh mẽ hơn mỗi khi lại gặp thử thách.

"Em chưa từng thấy người nào có nhiều nghị lực như chị. Hết lần này đến lần khác phải nghỉ học, trải qua bao đau đớn như thế nhưng chị vẫn học tốt, vẫn thi đạt điểm cao, vẫn đậu được vào trường đại học có tiếng. Em thật sự khâm phục chị rất nhiều".

Tháng 9/2022, sau khi biết tin trúng tuyển ngành Marketing, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, Hòa nhận được tin nhắn này từ một người bạn học cùng cấp 3. Đọc tin nhắn, nữ sinh rưng rưng nước mắt.

Hòa bảo, nhìn lại những gì đã trải qua trong từng ấy năm, em nghĩ chặng đường phía trước có khó khăn thế nào, bản thân cũng sẽ vượt qua được. "Em trong quá khứ là động lực của em ngày hôm nay", cô bé nói.

4 ca mổ, 20 chiếc đinh ở chân và nghị lực của nữ sinh khuyết tật - 1

Nguyễn Thị Thúy Hòa sinh năm 2002, trong một gia đình hoàn cảnh khó khăn tại xã Nghi Văn, huyện Nghi Lộc, Nghệ An.

Những năm tiểu học, thấy Hòa còi cọc, yếu ớt, chân đi lại khó khăn, gia đình đưa em đi khám tại một bệnh viện. Bác sĩ chẩn đoán Hòa bị bệnh còi xương để quá lâu, loãng xương, xương yếu hơn so với người khác và rất dễ gãy - một thể bệnh gần giống với xương thủy tinh. Tới 2 bệnh viện khác thăm khám, Hòa được chẩn đoán bị xương thủy tinh.

Nữ sinh tâm sự, đến thời điểm này, em vẫn chưa biết bản thân mắc bệnh xương thủy tinh hay một thể bệnh gần giống. Chỉ biết rằng từ nhỏ, em đã không thể phát triển chiều cao như các bạn, đôi chân rất yếu ớt. Đặc biệt, xương của em rất dễ gãy và khó lành. Đây cũng là lý do nhiều khó khăn ập tới với cô bé, khiến em phải bỏ lỡ 2 năm học.

Năm lớp 2, Thúy Hòa lần đầu được phẫu thuật chỉnh hình xương theo một chương trình nhân đạo; phải bó bột 2 tháng. Không may mắn, sau ca phẫu thuật, chân của em bị biến dạng nặng hơn, cong vẹo hơn, đi lại yếu hơn. Thương con, bố mẹ em chạy vạy khắp nơi, chắt chiu từng chút với hy vọng ngày nào đó có thể tiếp tục đưa Hòa đi phẫu thuật. Mong mỏi lớn nhất của ông bà là con gái có cơ thể khỏe mạnh, có thể đi lại bình thường.

Tới năm học lớp 7, bố mẹ dẫn Hòa lên một bệnh viện lớn ở Hà Nội xin phẫu thuật. Gần ngày lên bàn mổ, bác sĩ đột ngột từ chối với lý do phần trăm thành công không cao, khiến cả gia đình Hòa bật khóc ngay tại chỗ.

"Nếu miền Bắc không được thì mẹ con ta thử vào miền Nam", mẹ lau nước mắt, nắm lấy tay Hòa và nói.

4 ca mổ, 20 chiếc đinh ở chân và nghị lực của nữ sinh khuyết tật - 3

Thế là gia đình 3 người lại tay nải vào TPHCM. Lần này, bệnh viện tiếp nhận phẫu thuật. Sau mổ, Hòa phải bó bột từ thắt lưng xuống 2 chân trong 6 tháng.

Em tâm sự, nếu như người bình thường ở cùng lứa tuổi chỉ cần 2-3 tháng để xương lành và được tháo bột thì em cần gấp đôi thời gian ấy. "Mỗi tháng sau phẫu thuật, mẹ con em đều bắt xe từ Nghệ An vào TP.HCM để thăm khám. Em nhớ như in những cái lắc đầu cùng câu nói: "Xương chưa lành, chưa tháo bột được rồi" của bác sĩ lúc ấy", Hòa kể.

Sau 6 tháng bó bột, Hòa chưa thể đi lại, phải mất thêm hơn nửa năm nữa để tập vật lý trị liệu. Đây là giai đoạn đau đớn nhất về thể xác mà em từng trải qua.

"Đôi chân em giống như một khúc gỗ thẳng đơ, không thể điều khiển, thậm chí muốn tự nâng lên cũng không được. Phải làm sao để bẻ ngược lại, uốn lại, để chân co duỗi bình thường. Mỗi ngày của em tại trung tâm vật lý trị liệu đều là nước mắt, vừa khóc vừa gượng dậy để tập. Từ ngày nhỏ, em đã có kinh nghiệm chịu đau, nhưng giai đoạn đó, những cơn đau ám ảnh tới tận bây giờ", Hòa nhớ lại.

Sau 2 lần phẫu thuật chỉnh hình, tình trạng sức khỏe của Hòa vẫn không cải thiện. Chân em vẫn rất yếu, đi lại khó khăn hơn. Cả gia đình thống nhất sẽ không để Hòa phẫu thuật thêm lần nào nữa, chỉ mong em được khỏe mạnh.

4 ca mổ, 20 chiếc đinh ở chân và nghị lực của nữ sinh khuyết tật - 5

Tuy nhiên, tới năm 2019, trong chưa đầy nửa năm, 2 tai nạn liên tiếp đã ập tới với cô bé.

Tai nạn lần đầu vào tháng 5/2019, ngay trong buổi học cuối cùng năm lớp 10. Khi ấy, Hòa đi bộ trên hành lang lớp học, bất ngờ bị trượt ngã do những bóng nước các bạn chơi đùa, ném trên sàn. Hòa gãy xương đùi trái, phải đóng 10 chiếc đinh vào chân. Sau 3 tháng, em mới có thể đi lại được.

Tai nạn thứ hai vào tháng 11/2019. Lần này, Hòa ngã xe trong một ngày mưa gió lớn, khi em được bạn chở về sau buổi học. Chiếc áo mưa của Hòa bị cuốn vào bánh xe đạp, khiến em ngã xuống đường, trượt dài trên đường tầm 5 mét, bàn tay bị cuốn vào bánh xe. Tai nạn khiến Hòa gãy xương đùi phải, gãy xương cánh tay trái và gãy một ngón tay trái. Em tiếp tục phải đóng 10 chiếc đinh vào đùi phải.

"Đến nay, hai chân em vẫn còn nguyên 20 chiếc đinh. Ngón tay trái bị gãy cũng không gập lại được như người bình thường", Hòa nói.

4 ca mổ, 20 chiếc đinh ở chân và nghị lực của nữ sinh khuyết tật - 7

Sau ca phẫu thuật chỉnh hình năm lớp 7, Thúy Hòa trở lại trường với chiếc xe lăn, bó bột cả hai chân. Mỗi ngày hai buổi học sáng chiều, bố mẹ thường xuyên nghỉ làm, bỏ dở công việc để đưa đón em.

Một ngày, mẹ thủ thỉ với Hòa: "Con ơi, vất vả thế này hay là mình cứ nghỉ học 1 năm, năm sau cố gắng tiếp con nhé". Nghe mẹ nói, Hòa òa khóc, lắc đầu. Em không muốn từ bỏ việc học, không muốn rời xa những bạn bè đã chơi thân.

Nhưng rồi nhìn đôi bàn tay gầy khắc khổ của mẹ, nghĩ đến đứa em trai nhỏ hơn 6 tuổi cũng cần chăm sóc, đưa đón; thấy bố mẹ tất tả sáng tối với việc đồng áng, chăn nuôi…, lại vất vả vì mình, Hòa dần thay đổi suy nghĩ. Em quyết định xin nghỉ học 1 năm để tập trung chữa bệnh, tập vật lý trị liệu.

Năm lớp 11, sau 2 lần tai nạn liên tiếp, Hòa một lần nữa phải từ bỏ việc học 1 năm để cơ thể phục hồi hoàn toàn.

Suốt tuổi thơ của cô bé là những cơn đau nhức dai dẳng mỗi ngày ở hai bên đùi, đầu gối, bàn chân. Cơn đau nặng nề hơn mỗi khi em đi lại hoặc khi thời tiết thay đổi, trái gió trở trời. Hòa thường xuyên phải uống thuốc giảm đau để thấy ổn hơn. Có lần, khắp cơ thể đau nhức nhưng uống thuốc giảm đau không đỡ, thấy Hòa khóc mãi, bà của em cũng bật khóc theo. Hình ảnh ấy khiến cô bé xót xa tới tận bây giờ.

Nữ sinh tâm sự, đã có những phút yếu lòng, em từng có suy nghĩ buông xuôi, nghĩ rằng "Hay là mình bỏ cuộc, chỉ ngồi một chỗ mãi, ở nhà ăn bám bố mẹ cũng được". Thậm chí, em đã nghĩ tới việc từ bỏ cuộc sống để không còn là gánh nặng cho bố mẹ. Thế nhưng, những suy nghĩ ấy chỉ đến trong khoảnh khắc. Sớm mai khi thức dậy, em lại có sức mạnh để bình ổn tinh thần, tiếp tục cố gắng.

4 ca mổ, 20 chiếc đinh ở chân và nghị lực của nữ sinh khuyết tật - 9

Sức mạnh ấy, theo Hòa, đến từ chính tình yêu thương, sự hy sinh của cha mẹ và từ cả những người tốt đã xuất hiện trong cuộc đời cô bé. Có những người, Hòa thậm chí chưa kịp biết tên.

Hòa rất nhớ một người dì mà em đã gặp trong lần phẫu thuật chỉnh hình năm lớp 7. Thời điểm vừa mổ, Hòa mất máu khá nhiều nên kiệt sức. Tác dụng phụ của thuốc gây tê lại khiến em không thể tự đi vệ sinh một cách bình thường. Những cơn đau sau mổ như hành hạ cô bé từng phút. Hòa đã khóc rất nhiều vì bất lực, tủi thân, cảm thấy như không có lối thoát.

Cùng phòng bệnh với Hòa có một người phụ nữ chạc 60 tuổi, tới chăm con bị tai nạn rất nặng. Con của bà thời điểm ấy cũng phải trải qua hơn 10 lần phẫu thuật. Thấy Hòa khóc, người phụ nữ đã tới bên giường bệnh, gọi cô bé là con và chăm sóc, động viên cô bé.

"Dì ấy bảo: con phải cố gắng lên, dì rất hiểu hoàn cảnh của con. Mặc dù con ruột của dì cũng đau, nhưng dì luôn quan tâm, hỏi han, lo lắng cho em. Ngày hôm đó, khi em đi vệ sinh được bình thường, dì đã reo lên hạnh phúc rằng "con tôi hôm nay khỏe lại rồi". Em chỉ biết dì ở Thủ Đức (TP.HCM), không biết tên của dì. Chính tình cảm chân thành đó đã giúp em có động lực vượt qua giai đoạn khó khăn này", Hòa xúc động khi nhớ lại.

4 ca mổ, 20 chiếc đinh ở chân và nghị lực của nữ sinh khuyết tật - 11

Lên cấp ba, Hòa ở trong ký túc xá trường THPT Nghi Lộc 5. Phòng trọ của em nằm bên cạnh phòng của một cô giáo dạy Vật lý. Thương hoàn cảnh học trò nhỏ, cả gia đình cô giáo đã giúp đỡ Hòa rất nhiều.

"Bình thường khi ngồi học, em thường để đèn phòng sáng trưng, nhưng hôm đó lại tắt đèn, chỉ để đèn bàn. Khi cô đi qua, thấy cửa phòng em đóng hết, phòng tối đen, cô đã hốt hoảng sang đập cửa sổ và hỏi "Hòa ơi em mệt à. Con bé này có phải bị ốm rồi hay không". Rồi có lần cô đi dạy buổi sáng, chỉ kịp mua vội một ổ bánh mì. Nhìn thấy em đi qua, khi biết em chưa ăn, cô đã nhường ổ bánh mì đó cho em. Em thấy xúc động và biết ơn cô rất nhiều", Hòa trải lòng.

Một người nữa có ảnh hưởng rất lớn tới cuộc đời Hòa là người cô ruột (tiếng địa phương là o). Người cô luôn xem Hòa như con gái.

"Dù o của em mới chỉ học hết lớp 7, nhưng o có suy nghĩ rất sâu sắc. O luôn dặn em, con không có sức khỏe thì phải học thật giỏi để có một nghề tốt nuôi sống bản thân. Chỉ khi theo đuổi con đường học vấn mới có thể tự do, tự lập và đó là niềm hạnh phúc nhất của đời người", Hòa kể.

Những người tốt cho cô bé thêm sức mạnh còn là các thầy cô giáo đã dìu dắt em trong suốt những năm cấp 2, cấp 3, giúp em nhanh chóng thích nghi sau thời gian dài nghỉ học; là bác lái xe khách tuyến Nghệ An - TP.HCM luôn nhường cho cô bé ghế đầu và miễn phí tiền xe cho hai mẹ con mỗi lần Hòa vào miền Nam chữa bệnh; là những người bạn đại học mới quen, chăm sóc Hòa như chị em gái ruột thịt,…

"Em muốn gửi lời cảm ơn đến các thầy cô của em, những người lạ đã giúp đỡ em; cảm ơn gia đình, bạn bè đã luôn bên cạnh em. Em có thể vượt qua khó khăn đều nhờ tình yêu thương của mọi người", Hòa nói.

4 ca mổ, 20 chiếc đinh ở chân và nghị lực của nữ sinh khuyết tật - 13

Hòa tâm sự, quá khứ đã trải qua chính là động lực của tương lai, giúp em mạnh mẽ hơn mỗi khi lại gặp thử thách.

Sống chung với bệnh tật mỗi ngày, trải qua 2 lần tai nạn, 4 ca phẫu thuật, 2 năm phải nghỉ học, việc Hòa đạt học sinh giỏi liền 11 năm (từ năm lớp 2 tới năm lớp 12), sau đó trúng tuyển ngành Marketing, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân khiến nhiều người bất ngờ và xúc động.

Tại kỳ thi tốt nghiệp THPT, em đạt 27.15 điểm khối D, cộng cả điểm vùng và điểm ưu tiên là 28.9, đủ điểm đỗ ngành này. Trước đó, em cũng nhiều lần đạt danh hiệu học sinh giỏi văn cấp huyện, được tuyển chọn đi thi tỉnh.

Thúy Hòa đã được Trường ĐH Kinh tế Quốc dân trao học bổng toàn phần trong 4 năm học.

4 ca mổ, 20 chiếc đinh ở chân và nghị lực của nữ sinh khuyết tật - 15

Nữ sinh chia sẻ, em yêu việc học một cách tự nhiên. "Dù một đêm em có thể chỉ ngủ 3-4 tiếng, nhưng sáng mai vẫn có tinh thần để tỉnh táo, học tập hiệu quả. Kể cả đến tiết cuối cùng của buổi học, em vẫn theo dõi thầy cô một cách chăm chú", Hòa chia sẻ. Có lẽ chính tình yêu rất tự nhiên ấy đã giúp em nhanh chóng thích nghi khi quay trở lại trường sau mỗi lần nghỉ học dài.

Về dự định tương lai, nữ sinh cho biết em chưa có dự định cụ thể mà thời gian này sẽ tập trung 100% vào việc học để có tấm bằng xuất sắc khi ra trường. Sau đó, em có thể chọn thi tuyển vào những doanh nghiệp của Nhà nước, doanh nghiệp đa quốc gia hoặc phấn đấu trở thành một giảng viên.

Từ năm lớp 7, Hòa không thể phát triển chiều cao. Hiện em cao 1,3m, nặng 39kg. Những năm cuối cấp 2, Hòa từng bị một số người bạn cùng trường miệt thị ngoại hình, châm chọc về căn bệnh của em. Hòa âm thầm chịu đựng sự tủi thân, mỗi tối về chỉ biết òa khóc với mẹ. Nhưng đến nay, em đã lạc quan hơn trước mọi lời đánh giá.

"Biết đâu chính sự khác biệt này lại là điểm đặc biệt giúp mọi người dễ nhớ, dễ nhận ra và ấn tượng với em nhiều hơn", Hòa mỉm cười, nói.

Nội dung: Nguyễn Liên

Thiết kế: Tuấn Huy