"3 điều ước" dành cho các thầy cô giáo vùng sâu, vùng xa

Mai Châm

(Dân trí) - Trung ương Hội LHTN Việt Nam, Bộ GD&ĐT, Ủy ban Dân tộc khởi động chương trình "3 điều ước". Mỗi thầy cô, điểm trường vùng sâu, vùng xa sẽ có quyền được nêu lên 3 điều ước, nêu lên khó khăn cần hỗ trợ.

Tối 17/11 tại Hà Nội, Trung ương Hội LHTN Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Dân tộc tổ chức lễ tuyên dương các thầy cô giáo dân tộc thiểu số. Đây là hoạt động trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2020.

3 điều ước dành cho các thầy cô giáo vùng sâu, vùng xa - 1

Ông Võ Văn Thưởng (thứ hai, từ phải qua), Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư và ông Hà Ngọc Chiến (ngoài cùng bên trái), Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội trao bằng khen cho các giáo viên dân tộc thiểu số tiêu biểu.

Đến dự chương trình có ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư; ông Hà Ngọc Chiến, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; ông Huỳnh Tấn Việt, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan T.Ư; ông Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Chủ tịch T.Ư Hội LHTN Việt Nam.

Năm 2020, chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” tuyên dương những giáo viên dân tộc thiểu số đang trực tiếp dạy học học sinh vùng sâu, vùng xa, biên giới, khó khăn... Đó là những giáo viên có thành tích trong công tác chuyên môn, được phụ huynh, học sinh và nhân dân ghi nhận.

63 tấm gương thầy cô giáo được bình xét trao thưởng dựa trên giới thiệu, đề xuất từ Hội LHTN Việt Nam các tỉnh, thành phố, sau khi hiệp thương với Sở GD&ĐT và Ban Dân tộc các tỉnh, thành phố, Ban Tổ chức còn đề nghị các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan thông tấn báo chí giới thiệu.

Sau 2 tháng kể từ khi phát động chương trình, Hội đồng xét chọn đã họp và lựa chọn ra 63 gương giáo viên thuộc 26 dân tộc thiểu số tiêu biểu. Trong đó có 6 giáo viên thuộc nhóm dân tộc thiểu số rất ít người (dưới 10.000 người) gồm: Bố Y, Lô Lô, La Ha, Sách (Chứt) của các tỉnh Lào Cai, Hà Giang, Sơn La, Quảng Bình; 57 giáo viên còn lại đến từ 22 dân tộc thiểu số.

3 điều ước dành cho các thầy cô giáo vùng sâu, vùng xa - 2

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Chủ tịch T.Ư Hội LHTN Việt Nam: "Trong thời gian tới, mỗi điểm trường vùng sâu, vùng xa sẽ có quyền được nêu lên 3 điều ước của mình".

Phát biểu ý kiến tại chương trình, ông Nguyễn Anh Tuấn - Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Chủ tịch T.Ư Hội LHTN Việt Nam tri ân các thầy cô giáo. Ông Nguyễn Anh Tuấn tin tưởng rằng các thầy, cô giáo không chỉ dạy học trò kiến thức, mà như những người cha, người mẹ thứ hai, ngày ngày lo cho các em có cái ăn, cái mặc; vận động quyên góp trang thiết bị cho trường, lớp, học sinh; vận động xây cầu, làm đường...

Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh chia sẻ: “Dù còn nhiều khó khăn nhưng khi tâm sự với chúng tôi, các thầy cô đều nói: “Một khi đã yêu nghề và mong muốn những trẻ em vùng cao cũng được học hành như các em nhỏ miền xuôi, đó là điều bình thường”. Xin cho phép chúng tôi gọi các thầy cô là những người “bình thường” nhưng là những người “bình thường vĩ đại”!...

Chúng tôi ý thức rõ rằng, mỗi thầy cô ở đây ngày hôm nay, cảm nhận được chia sẻ, động viên, khích lệ, có thêm sức lực gắn bó với nghề. Theo đó sẽ có hàng ngàn, hàng vạn em nhỏ ở những vùng khó khăn của đất nước được dạy dỗ, yêu thương, có cơ hội thay đổi số phận của chính mình và của bản làng, quê hương".

Ngay tại buổi lễ tuyên dương các thầy cô giáo, Bí thư thứ Nhất TƯ. Đoàn Nguyễn Anh Tuấn cũng tuyên bố một tin vui. Đó là, Trung ương Hội LHTN Việt Nam, Bộ GD&ĐT, Uỷ ban Dân tộc quyết định khởi động chương trình "3 điều ước" sau khi lắng nghe nguyện vọng của 63 giáo viên tiêu biểu người dân tộc thiểu số trong cuộc gặp mặt với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ngày 16/11.

Cụ thể, trong thời gian tới, mỗi thầy cô, mỗi điểm trường vùng sâu, vùng xa sẽ có quyền được nêu lên 3 điều ước của mình, hướng tới 5 vấn đề còn khó khăn: vấn đề về năng lượng điện; vấn đề nhà vệ sinh; dụng cụ học tập; bữa ăn trưa cho học sinh và cuối cùng là các vấn đề còn lại như nước, trang thiết bị...

Trên cơ sở những điều ước này, các cơ quan tổ chức chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" sẽ tiếp tục đồng hành, giúp các thầy cô, các điểm trường có thêm nhiều động lực để chăm lo tốt hơn cho sự nghiệp "trồng người" ở những vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

3 điều ước dành cho các thầy cô giáo vùng sâu, vùng xa - 3

Các thầy cô giáo dân tộc thiểu số cùng nhau chia sẻ, hát vang ca khúc đoàn kết.

Tại lễ tuyên dương, các thầy giáo cô giáo chia sẻ những tâm sự, hoàn cảnh gia đình; quá trình vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống và giảng dạy, nỗi niềm trăn trở đối với sự nghiệp giáo dục của đất nước, sự phát triển của quê hương...

Các giáo viên dân tộc thiểu số được tuyên dương được nhận Bằng khen của Trung ương Hội LHTN Việt Nam; biểu trưng của chương trình; sổ tiết kiệm 10 triệu đồng và nhiều phần thưởng giá trị, cùng khen thưởng của Bộ GD&ĐT và Ủy ban Dân tộc.

3 điều ước dành cho các thầy cô giáo vùng sâu, vùng xa - 4

Toàn cảnh lễ tuyên dương 63 giáo viên dân tộc thiểu số tiêu biểu.

Từ năm 2015 đến nay, Trung ương Hội LHTN Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các đơn vị tổ chức chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô”.

Sau 5 năm triển khai, chương trình đã tuyên dương 277 thầy giáo, cô giáo tiêu biểu. Đó là giáo viên “bám bản” dạy học tại vùng sâu, vùng xa, khó khăn; thầy cô giảng dạy ở huyện đảo, xã đảo xa xôi; thầy giáo là cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng mang quân hàm xanh nâng bước em đến trường và thầy cô dạy học sinh khuyết tật, con em đồng bào dân tộc thiểu số.