25 năm, những dấu ấn vượt qua gian khó của Trường THPT Cờ Đỏ

(Dân trí) - Trường đóng trên địa bàn xã Nghĩa Hồng, huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An). Nơi đây chưa nắng đã khô, chưa mưa đã lũ, đường đến trường đất bụi đỏ ngàu, học sinh hầu hết ở xa, phải qua nhiều khe suối mới đến được lớp.

 
25 năm, những dấu ấn vượt qua gian khó của Trường THPT Cờ Đỏ  - 1

Quang cảnh của trường THPT Cờ Đỏ hiện nay
 

Năm 1985 trường được thành lập mang tên của một nông trường, trường cấp 3 Cờ Đỏ - Nghĩa Đàn, nay là trường THPT Cờ Đỏ. Hồi ấy điều kiện kinh tế vùng rất khó khăn, nhiều gia đình cơm chưa đủ no, áo chưa đủ ấm, phương tiện đi lại rất thiếu thốn, xe đạp nhiều gia đình không có, các em đi học phải thức dậy từ lúc 3, 4 giờ sáng; em thì đuốc, em thì đèn pin rộn rã cả xóm làng trên con đường đến trường. Nếu học hay lao động cả ngày nhiều em phải mang khoai, mang sắn, vừng đen, măng luộc… để ăn trưa.

 

Trường được thành lập là niềm vui, là niềm hạnh phúc của con em, nhân dân vùng tây bắc Nghĩa Đàn vì các em không phải cơm đùm, cơm gói, thức khuya, dậy sớm để xuống trường cấp 3 Nghĩa Đàn theo học như trước nữa, nhiều em phải đi trên 30km đường rừng để xuống trường. 

 

Trải qua những năm tháng thăng trầm, đến nay trường đã tròn 25 năm tuổi. Ngày đầu mới thành lập trường có 12 lớp, với 17 cán bộ, giáo viên, nhưng đến năm 1991 cùng khó khăn chung cả nước trường chỉ còn lại 7 lớp với 14 giáo viên, trong đó có lớp chỉ 9 học sinh, vì thế năm 1991 trường sát nhập với trường cấp 2 và mang tên trường cấp 2-3 Cờ Đỏ.

 

Năm 1996, trường chia tách trở lại với tên gọi ban đầu. Trường được thành lập vào thời điểm kết thúc thời kỳ nền kinh tế bao cấp. Chính khó khăn ban đầu của thời kỳ đổi mới, nên ảnh hưởng không ít đến đời sống, công việc giảng dạy của thầy, cô giáo.
 
25 năm, những dấu ấn vượt qua gian khó của Trường THPT Cờ Đỏ  - 2

Hiệu trưởng, Bí thư chi bộ của trường hiện nay là thầy Trần Văn Nghệ - người đã gắn bó với biết bao thế hệ học trò của trường THPT Cờ Đỏ từ những ngày đầu gian khó.

 

Hiện nay trường có 30 lớp với 1.260 học sinh. Học sinh dân tộc chiếm gần 30%, học sinh vùng khó khăn chiếm gần 60%.

 

Với sự quan tâm của UBND tỉnh huyện, Sở GD-ĐT Nghệ An và sự nỗ lực của cán bộ, giáo viên, phụ huynh nên cơ sở vật chất của nhà trường nay đã khang trang hơn.

 

Đi kèm với đó, chất lượng giáo dục của trường cũng ngày càng tăng. Số lượng học sinh giỏi tỉnh, học sinh đỗ vào các trường Đại học và Cao đẳng năm sau cao hơn năm trước, được học sinh, phụ huynh tin tưởng.

 

Trường thực sự đã tạo nên được thương hiệu uy tín của vùng. Từ năm 1995 đến nay trường đã đào tạo đậu tốt nghiệp bình quân 200 học sinh/năm. Học sinh đậu vào các trường đại học, cao đẳng 20% - 25%, năm học 2009-2010 đậu vào các trường đại học, cao đẳng trên 35%. Trường đã cung cấp hàng ngàn học sinh hiện cán bộ từ trung ương đến địa phương. Số học sinh về tại các địa phương là những chủ nhân chính trong các hoạt động phát triển kinh tế, xã hội.

 

Trần Văn Nghệ