100% dự án của trường THPT Hữu Nghị Quốc tế vào chung khảo thi KHKT

Trường Thịnh

(Dân trí) - Hướng đến học tập qua trải nghiệm thực tiễn, trường THPT Hữu Nghị Quốc tế luôn đẩy mạnh phong trào tự học, tự nghiên cứu. Lần đầu tham gia cuộc thi KHKT thành phố nhưng 100% dự án của trường lọt vào vòng chung khảo.

Vòng chung khảo của cuộc thi Khoa học kỹ thuật (KHKT) Thành phố Hải Phòng năm nay diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp vì thế hình thức tổ chức đã có nhiều thay đổi để thích ứng với tình hình dịch bệnh. Các đề tài thay vì được báo cáo trực tiếp đã chuyển qua hình thức online - hình thức đặc biệt chưa có tiền lệ đối với một cuộc thi quan trọng cấp thành phố.

Để đảm bảo tính nghiêm túc khách quan các điểm cầu cơ sở được kết nối với điểm cầu trung tâm qua các phòng teams. Thay vào không gian trưng bày, trình bày trực tiếp năm nay giám khảo và thí sinh dự thi được kết nối online thí sinh tự thao tác nhận và trả lời câu hỏi trực tuyến, hình thức này đòi hỏi nỗ lực rất lớn của thí sinh và ban tổ chức từ khâu chuẩn bị, làm chủ kỹ thuật, điều kiện cơ sở hạ tầng…

100% dự án của trường THPT Hữu Nghị Quốc tế vào chung khảo thi KHKT - 1
Thí sinh chuẩn bị cho vòng thi đặc biệt qua ứng dụng Msteams.

Lần đầu tham gia nhưng 100% dự án của trường THPT Hữu Nghị Quốc tế đã lọt vào vòng chung khảo cuộc thi KHKT cấp thành phố, 4 dự án của học sinh THPT Hữu Nghị Quốc tế tập trung vào các lĩnh vực Khoa học xã hội và hành vi; Robot và máy thông minh, Phần mềm hệ thống; Năng lượng vật lý, Vật lý thiên văn, Khoa học vật liệu. Nhóm các đề tài của học sinh THPT Hữu Nghị Quốc tế được hội đồng sơ khảo đánh giá cao về tính thời sự ứng dụng thực tiễn.

100% dự án của trường THPT Hữu Nghị Quốc tế vào chung khảo thi KHKT - 2
Robot 5K.

Hướng đến việc học tập qua các hoạt động trải nghiệm thực tiễn, trường THPT Hữu Nghị Quốc tế đã tạo những điều kiện tốt nhất để học sinh có nhiều hoạt động trải nghiệm, gắn giờ học với những vấn đề thực tiễn từ đó phát huy tính chủ động, sáng tạo cũng như khả năng sở trường của mỗi học sinh. 4 dự án của học sinh nhà trường dự thi lần này chính là sản phẩm của quá trình đổi mới phương pháp, linh hoạt chủ động và thích ứng nhanh với diễn biến và xu hướng phát triển của xã hội.

100% dự án của trường THPT Hữu Nghị Quốc tế vào chung khảo thi KHKT - 3
Máy tạo điện từ sóng biển.

Dự án 1: Tin giả về dịch bệnh Covid-19 trên điện thoại thông minh - dấu hiệu nhận biết, tác hại và các biện pháp nhằm nâng cao nhận thức của học sinh từ lớp 9 đến lớp 12 tại Hải Phòng của học sinh Nguyễn Cao Quỳnh Anh, Vũ Tiến Đạt lớp 12A3, giáo viên hướng dẫn cô Nguyễn Thu Hương.

Dự án 2: Robot 5K của học sinh Phạm Trang Anh, Nguyễn Hoàng Huyền Anh lớp 10C1, cô Cù Thị Hiền hướng dẫn.

Dự án 3: Wave power plant (điện sóng biển) của học sinh Cao Xuân Huy lớp 12A1, Trần Nguyễn Ngọc Diệp 12A3, Thầy Bùi Kim Cương hướng dẫn.

Dự án 4: Vấn nạn thuốc lá điện tử xâm nhập học đường, thực trạng và giải pháp của học sinh Đỗ Hà Phương lớp 12A1, Nguyễn Huy Hoàng lớp 12A3, thầy Trần Xuân Hùng hướng dẫn.

100% dự án của trường THPT Hữu Nghị Quốc tế vào chung khảo thi KHKT - 4
Nguyễn Cao Quỳnh Anh, Vũ Tiến Đạt lớp 12A3 đến các trường THCS để phát phiếu điều tra.

Trao đổi với chúng tôi, thầy Bùi Thanh Bình - Hiệu trưởng trường THPT Hữu Nghị Quốc tế cho biết: "Nghiên cứu khoa học, kỹ thuật luôn là hoạt động bổ ích, ươm mầm cho học sinh đam mê nghiên cứu khoa học. Quan trọng hơn, đây còn là môi trường học tập hữu ích, giúp học sinh phát huy được năng lực, phẩm chất của từng cá nhân. Chính vì vậy mà nhà trường luôn đẩy mạnh phong trào tự học, tự nghiên cứu của học sinh, giáo viên".

100% dự án của trường THPT Hữu Nghị Quốc tế vào chung khảo thi KHKT - 5
Thầy Bùi Kim Cương cùng các em học sinh thử nghiệm máy tạo ra điện từ sóng biển.

Trong quá trình hội nhập quốc tế cùng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra rộng khắp thì hoạt động nghiên cứu khoa học ngày càng thu hút được đông đảo học sinh tham gia. Thời gian tới, trường THPT Hữu Nghị Quốc tế sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, tạo môi trường cho học sinh nghiên cứu, chia sẻ về kiến thức, kỹ năng và các sản phẩm nghiên cứu khoa học; giúp đỡ học sinh trong việc tiếp cận và vận dụng các phương pháp NCKH và sản phẩm khoa học vào thực tiễn.